IMDb : 7.7/10
Hotel Mumbai – Xúc động và đầy ám ảnh với tội ác đáng sợ của những kẻ khủng bố quá khích
Với cách làm phim chân thật, đạo diễn Anthony Maras khiến người xem phải chết lặng và ớn lạnh trước những tội ác trong loạt vụ khủng bố kinh hoàng tại Mumbai, Ấn Độ vào ngày 26/11/2008.
Hotel Mumbai đưa người xem quay trở lại thời khắc kinh hoàng nhất của người dân Mumbai, Ấn Độ
Chuyện phim Hotel Mumbai bắt đầu bằng một ngày làm việc của chàng lễ tân Arjun (Dev Patel). Sau khi từ biệt vợ con, anh chàng lên đường tới khách sạn Taj Mahal Palace mà không biết rằng mình sắp bước vào địa ngục trần gian. Lúc này, một nhóm khủng bố Hồi giáo bí mật xâm nhập Ấn Độ và thực hiện hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu. Người dân hoảng loạn trốn vào Taj Mahal Palace vô tình tạo điều kiện để những kẻ thủ ác theo vào. Thay vì trốn chạy, Arjun và bếp trưởng Hemant Oberoi (Anupam Kher) cùng nhiều nhân viên khác quyết tâm ở lại bảo vệ các du khách. Trong lúc đó, cặp đôi David (Armie Hammer) và Zahra (Nazanin Boniadi) cũng phải làm mọi cách để bảo vệ đứa con mới sinh khỏi tay tên sát thủ khát máu.
Cảm xúc theo từng bước chạy trốn của những nạn nhân
Với cách làm phim chân thật từng đạt vô số giải thưởng với The Palace (2011), đạo diễn người Úc Anthony Maras khiến người xem như quên đi những gì diễn ra trên màn ảnh rộng chỉ là một bộ phim. Lúc này, mỗi khán giả như trở thành một chứng nhân lịch sử cho sự bạo tàn của những kẻ khủng bố.
Mỗi khán giả như biến thành một nhân chứng cho sự kiện kinh hoàng
Khán giả cùng nín thở với các nạn nhân khi nghe tiếng bước chân ngày một gần hơn, cảm thấy sự căng thẳng và nỗi sợ như kề bên trong từng bước đi của nhân vật. Thậm chí, Hotel Mumbai còn khiến người xem phải ứa nước mắt trước những mất mát, đau thương mà những thường dân vô tội phải gánh chịu hay vỡ òa trước tình cảm gia đình, người thân nhẹ nhàng mà chất chứa trong phút giây thảm họa.
Đó là người chồng bất chấp mọi nguy hiểm để bảo vệ vợ con, là người vợ chỉ biết đứng ngoài nhìn trong tuyệt vọng khi chẳng thể biết bạn đời còn sống hay đã chết. Đó còn có thể là các nhân viên khách sạn dũng cảm quyết hi sinh để hoàn thành nghĩa vụ trong thời khắc sinh tử hay những cảnh sát liều mạng chiến đấu chỉ để cứu càng nhiều người càng tốt.
Mỗi chuyển động và bước đi trong phim của nhân vật đều rất căng thẳng, kịch tính.
Cảm xúc vỡ òa khi đoàn tụ người thân khiến khán giả phởi rơi nước mắt.
Người xem như bị cuốn vào một trải nghiệm kinh hoàng và lẫn lộn cảm xúc giữa đau đớn, xúc động, lo lắng và hồi hộp đan xen. Khó ai có thể rời mắt khỏi màn hình cho đến giây phút cuối cùng. Để rồi khi phim kết thúc, những tiếc nuối, ám ảnh và bài học ý nghĩa tình cảm gia đình sẽ còn đọng lại mãi ngay cả khi đã rời khỏi rạp.
Lạnh gáy vì sự bạo tàn
Theo những số liệu thống kê, 170 người đã thiệt mạng tại nơi đây trong cuộc khủng bố kinh hoàng này. Những tay khủng bố không hề bắt con tin mà hành quyết tất cả một tách dã man nhất. Bất kì khán giả nào cũng phải lạnh gáy vì sự tàn bạo và cảm giác tuyệt vọng của những ai trải qua thời khắc sinh tử đó.
Vụ khủng bổ đã cướp đi gần 200 sinh mạng được tái hiện hết sức chân thật.
Bọn khủng bố không chỉ lạnh lùng xả đạn vào đám đông vô tội mà còn đến từng phòng để giết không chừa một ai. Không khí tang tóc bao trùm với vô số xác chết nằm la liệt trước họng súng của những tên ác nhân máu lạnh.
Giống như nhiều bộ phim thảm họa đình đám khác ở Hollywood như Titanic (1997) hay Poseidon (2006), mỗi nhân vật ở Hotel Mumbai như đại diện cho một khía cạnh của nhân loại khi cái chết cận kề. Có người dũng cảm đương đầu với giúp đỡ những người xung quanh, kẻ khác lại tỏ ra ích kỉ và chỉ muốn bản thân được sống. Bộ phim đã khiến chúng ta phải suy ngẫm về bản thân mình khi rơi vào tình huống tương tự.
Các tính tiết phim tiếp nối nhau vô cùng hấp dẫn bởi khán giả chẳng thể biết trước điều gì sẽ xảy ra hay ai sẽ là nạn nhân kế tiếp. Không ai trong Hotel Mumbai là an toàn, kể cả những nhân vật chính cũng có thể bị giết chết một cách tàn nhẫn và bất ngờ nhất.
Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thực lực
Cái hay của Hotel Mumbai còn phải kể đến diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên tên tuổi từ Ấn Độ tới Mỹ. Anh chàng Dev Patel của Slumdog Millionaire (2008) năm nào giờ đã trở thành một người lễ tân dũng cảm, chấp nhận mạo hiểm tính mạng để giữ an toàn cho những người khác. Song, người xem vẫn dễ dàng cảm nhận được sự nỗi nhớ và sợ chẳng thể gặp lại vợ con của Arjun.
Dev Patel đã có một màn trình diễn xuất sắc.
Trong khi đó, Armie Hammer – nam thần của Call Me By Your Name - cũng quá xuất sắc với hình ảnh người chồng, người cha dũng cảm bảo vệ gia đình. Mỗi diễn viên đều có đất diễn riêng để thể hiện cảm xúc nội tâm cũng như ý nghĩa rằng dù bất kì màu da hay tôn giáo nào, gia đình cũng là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời.
Armie Hammer đã có thêm vai diễn ấn tượng kể từ Call Me By Your Name.
Trên hết, đạo diễn Anthony Maras đã đứng ở góc nhìn đa chiều và chân thật nhất của khán giả khi khắc họa tay khủng bố Pakistan cũng là những con người nghèo khổ bị kẻ khác lợi dụng niềm tin tôn giáo để gây ra cuộc "thánh chiến". Họ cũng có gia đình, cha mẹ chờ đợi ở nhà mà chẳng hay biết con mình vừa gây nên tội ác. Cuối cùng, Imran và đồng đảng cũng chỉ là nạn nhân của quan niệm "tử vì đạo" mà thôi.
Hotel Mumbai xuất sắc khi tái hiện hết sức rõ nét cuộc khủng bố chấn động năm xưa tại Ấn Độ, khiến khán giả như trở thành một trong những nhân vật trong thời khắc ấy. Cảm xúc, chân thực và ấn tượng là những gì người xem sẽ trải qua khi thưởng thức hết tác phẩm.