Quá nhiều "Trứng Phục Sinh", quá ít câu trả lời
Mở đầu phim, người ta thấy cảnh cô bé Adelaide đang cắt những hình người bằng giấy, trong khi tivi chiếu quảng cáo về chương trình "nối vòng tay lớn" Hands Across America. Cạnh đó là ba cuộn băng VHS The Man with Two Brains, The Goonies và C.H.U.D. Tất cả những chi tiết trên đều chứa đựng ẩn ý của Jordan Peele và ít nhiều lặp lại trong suốt bộ phim Us: Adelaide, chiếc kéo sát nhân, những hình nhân bằng giấy, Hands Across America
Trong số rất nhiều "Trứng Phục Sinh" (Easter Eggs) mà Peele gieo vào Us, nổi bật vẫn là hình ảnh chiếc kéo, những con thỏ, cái găng tay da và bộ đồ đỏ. Đây cũng là những chi tiết được giải thích rõ ràng nhất, tựu chung vẫn xoay quanh chủ đề về song trùng (Doppelganger) và xã hội Mỹ.
Hai nửa của chiếc kéo, trông giống nhau như một nhưng một khi đã gặp nhau thì chỉ sinh ra chia cắt, hủy diệt. Theo Jordan Peele, các nhân vật đeo găng tay bên phải, gợi nhắc về cánh hữu của chính quyền Mỹ, về Michael Jackson, Freddy Krueger và O. J. Simpson. Màu đỏ đại diện cho đảng Cộng Hòa, màu máu, màu của cái chết, vân vân và mây mây.
Đó mới chỉ là một vài cách cắt nghĩa cho các chi tiết hiển nhiên nhất, ngoài ra Us còn chứa đựng hàng loạt câu đố bỏ lại cho khán giả tự suy luận. Nụ cười cuối phim của Adelaide/ Red là gì? Tại sao Pluto lại bước vào đám lửa? Chính quyền Mỹ đã ở đâu khi những Kẻ Bị Xích (Tethered) nổi loạn? Tại sao tạo ra một thí nghiệm lớn khủng khiếp như vậy rồi lại bỏ rơi đám người song trùng, sao không tiêu diệt họ đi?
Giống như một cây bút phóng túng, Jordan Peele bỏ lại tác phẩm của mình cho thiên hạ tự mày mò suy đoán. Có người sẽ tìm thấy sự thú vị trong việc giải đố các ẩn ý mà Peele bỏ lại. Số khác cảm thấy bị xỏ mũi và chán nản trong trò chơi phân tích nghệ thuật này, liệt Us vào danh sách các bộ phim khó hiểu không đáng để xem lại.
Nhưng đây cũng chính là dụng ý của Jordan. Thực tế, Us là một bộ phim về sự chia rẽ sắc tộc, của chính những con người trong cùng một xã hội, về sự chia rẽ của các bản ngã trong mỗi con người. Và chẳng ngạc nhiên khi tác phẩm lại khiến khán giả chia rẽ, kẻ ghét người tôn sùng.
Các tầng ý nghĩa về mặt trái của chúng ta, của nước Mỹ
Chắc chắn cho tới thời điểm này, số khán giả bị lôi cuốn bởi thông điệp của Us đã tìm được cho mình nhiều cách khác nhau diễn giải bộ phim. Không có một cách nào là đúng tuyệt đối để phân tích một tác phẩm, vì thế bài viết này chỉ cố gắng đem đến cái nhìn hợp lý nhất đối với một phim đầy tính ẩn dụ như Us
Cơ bản nhất, Us chính là chúng ta. Trong The Shining, Stephen King có viết: "Quái vật là có thật. Quỷ ma cũng thế. Chúng sống bên trong chúng ta, và đôi khi chúng thắng." Nỗi sợ dân gian về những cặp song trùng Doppelgänger từ lâu đã ám ảnh nhân loại, đẻ ra hàng sa số câu chuyện rùng rợn về những bản sao của chính chúng ta tồn tại đâu đó ngoài kia, chỉ chờ một ngày gặp được "bản gốc" và tạo tác hủy diệt. Bằng cách để cho gia đình Wilson phải chiến đấu lại với các bản sao của mình, Jordan Peele lật mở bài học đầu tiên: sợ ma sợ quỷ không bằng sợ chính ta.
Vị đạo diễn từ đó đã gieo vào người xem nỗi sợ về chính bản thân, rằng khi cơn ác mộng không mang hình hài gớm ghiếc của quái vật mà lại chính là tấm gương soi chiếu chúng ta, đó mới là điều khủng khiếp nhất. Ma quỷ không đáng sợ, chúng ta mới là ma quỷ.
Nhưng Us cũng có nghĩa nước Mỹ. "Chúng tao là người Mỹ." - Red, kẻ bị giam cầm suốt hơn 20 năm dưới hầm tối, bị chia cắt khỏi văn minh và đẩy vào thế giới điên loạn của những Kẻ Bị Xích, cố nén cơn giận trào lên dưới cuống họng để cố gắng phát âm từng tiếng rành rọt cho "Adelaide" - kẻ đã cướp đi cuộc đời của cô - nghe thấy.
Với Get Out và giờ đây là Us, Peele trở thành một trong những đạo diễn đại diện cho cả một giai đoạn với tiếng nói điện ảnh phản ánh chính xác dấu ấn văn hóa đương đại. Nếu như Get Out là tuyên ngôn về màu da, lên án nạn phân biệt chủng tộc thì Us lại là một dụ ngôn về nước Mỹ và quyền bình đẳng. Ở đó, mặc cho con người có cố gắng kiểm soát lẫn nhau, làm những điều tồi tệ với nhau, khác biệt nhau thì nước Mỹ vẫn là một thể thống nhất bao trùm lên hàng loạt chia rẽ.
Cú twist ở cuối phim – việc Adelaide nhận ra cô ta mới chính là một bản sao và Red hóa ra là Adelaide hồi nhỏ bị tráo đổi – khiến người xem bàng hoàng nhận ra giá trị của giáo dục và văn hóa đối với các cá nhân trong xã hội. Dù từng khẳng định những Kẻ Bị Xích là các bản thể không có linh hồn, nhưng bộ phim đã lật lại quan điểm này bằng cái kết khi chứng minh rằng một bản sao như Red – khi được sống, học tập và phát triển trong môi trường văn minh đã phát triển tính cách và năng lực như một người bình thường
Adelaide "giả" đã chiến thắng chính phiên bản "thật" của mình nhờ phản xạ có điều kiện – thứ mà cô ta đã học được khi sống cùng con người trên mặt đất. Tầng nghĩa thứ hai được lật giở. Người Mỹ, dù ngu dốt hay thông thái, dù nghèo khó hay sung túc, vẫn là người Mỹ. Một cá nhân không thể trở nên vô giá trị chỉ bởi họ xuất phát từ nơi không ra gì. Cho họ một nền giáo dục tốt đẹp, và cá nhân đó sẽ phát huy tiềm năng và ngược lại.
Us mang đến sự bất an vì những nỗi sợ cả ở bên trong lẫn bên ngoài
Bên cạnh việc bỏ lại hàng tá dữ kiện cho khán giả tự mày mò suy đoán, Us của Peele còn khiến nhiều người chưng hửng vì cho rằng cái kết quá dễ đoán. Chúng ta ở đây không nói về cú twist này là khéo hay là lộ. Hãy nói về một cú twist đem lại sự bất an khi bộ phim đóng lại.
Cái kết của Peele để lại cho khán giả một cảm giác cực kỳ khó chịu về nhân vật chính, khi chúng ta mất đi sự thương cảm với Adelaide để dành chỗ cho nỗi đau mênh mông mà Red phải chịu đựng. Một cô bé bị bắt cóc khỏi gia đình, sống giữa những kẻ điên loạn "không có linh hồn" trong hai mươi mấy năm, gần như mất hết tiếng nói và nhân tính chỉ để một lần trở lại trả thù rồi bị giết chết.
Bi kịch này sau đó được thổi bùng lên bằng hình ảnh đàn người áo đỏ nắm tay nhau qua núi qua sông. Đoàn người đó đã tìm thấy sự kết nối với nhau trong thù hận. Hands Across America của nước Mỹ, theo Jordan Peele, chỉ có thể trở thành hiện thực khi những con người nắm tay nhau để phản đối tình yêu thương. Như cựu cố vấn tổng thống Roger Stone từng nói: "Thù ghét là động lực tốt hơn cả tình yêu." Ngay cả khi đoán được trước Adelaide là ai thì khán giả vẫn bị bỏ lại với cảm giác day dứt nghĩ về số phận của những Kẻ Bị Xích và tuyên ngôn của họ. Đó cũng chính là tình trạng chung của nước Mỹ ngày nay, khi sự nghi ngờ và ghét bỏ đang dần thế chỗ cho tình yêu thương mà bằng chứng là các vụ xả súng, chính sách nhập cư, tình trạng phân biệt chủng tộc…
Như đã nói ở trên, có rất nhiều cách để diễn giải một tác phẩm. Đôi khi người ta còn phân tích hay hơn cả ý đồ của đạo diễn. Đôi khi ta lại bỏ qua những chi tiết quan trọng mà nhà làm phim gửi gắm. Hiểu cho đúng một tác phẩm không dễ, hiểu cho đủ lại càng khó hơn nhất là với một phim đầy rẫy ý tưởng như Us. Bạn có thể không thích cách mà Jordan Peele nhồi nhét các khái niệm phức tạp dưới cái lốt phim kinh dị.
Bạn có thể ghét cái cách mà Us được tung hô như một trong những tác phẩm quan trọng nhất của điện ảnh thời gian trở lại đây. Dầu vậy, hãy thử nghĩ rằng như lời của Peele từng nói, đây là một phim về nước Mỹ. Cũng như nước Mỹ, kẻ yêu người ghét, đầy rẫy những mặt tốt xấu, quan trọng là chúng ta quan sát đã đủ điểm nhìn hay chưa.