IMDb : 7.5/10
Không chỉ mang đến câu chuyện tình lãng mạn và xúc động “The Big Sick” còn tinh tế đề cập tới nhiều vấn đề xã hội ẩn giấu trong lòng xứ sở cờ hoa.
‘The Big Sick’: Góc nhìn đầy nhân văn về người nhập cư
Không chỉ là một quốc gia Hồi giáo, Pakistan còn là đất nước với hàng nghìn năm lịch sử và bề dày truyền thống không thua kém bất cứ nền văn hóa lâu đời nào khác trên thế giới. Bởi vậy mà người Pakistan dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn mang trong mình tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu gia đình, và lòng trân trọng những giá trị vững bền của quê hương.
Không nằm ngoài truyền thống quý báu ấy, gia đình ông bà Azmat (Anupam Kher) và Sharmeen (Zenobia Shroff) tuy đã định cư và có cuộc sống sung túc giữa lòng nước Mỹ nhưng họ vẫn cố gắng dạy dỗ hai cậu con trai Naveed (Adeel Akhtar) và Kumail (Kumail Nanjiani) không bao giờ được quên nguồn cội Pakistan.
Nhưng nếu như Naveed là đứa con ngoan khi để râu rậm (“như một người đàn ông Hồi giáo chân chính”), lấy một cô vợ người Pakistan, và luôn có mặt trong các bữa ăn tối của gia đình, thì anh chàng mày râu nhẵn nhụi Kumail lại thường xuyên khiến cha mẹ phải phiền lòng.
|
The Big Sick thuộc thể loại hài - lãng mạn, và là một trong những bộ phim được giới phê bình đặc biệt ưu ái trong mùa hè 2017. |
Anh không chịu học hành theo đuổi nghề bác sĩ, luật sư, và tìm mọi cách né tránh các cô gái gốc Pakistan xinh đẹp mà bà Sharmeen mất công tìm kiếm để mai mối cho con trai cưng.
Chẳng có cả niềm tin vào tôn giáo, Kumail dường như đã trở thành một “người Mỹ” thực sự khi anh sẵn sàng sống trong căn phòng chật hẹp giữa đô thành Chicago, nhặt nhạnh từng đồng lương bằng nghề lái Uber để theo đuổi giấc mơ thực sự: tỏa sáng trên sân khấu trong vai trò nghệ sĩ hài độc thoại.
Một tuần lễ của Kumail có lẽ sẽ tiếp tục xoay quanh những cuốc xe Uber, năm phút xuất hiện ngắn ngủi trên sân khấu hài độc thoại, và hàng loạt cuộc “xem mặt” đầy gượng gạo với các cô gái Pakistan, nếu như Emily Gardner (Zoe Kazan) không bước vào cuộc đời anh.
Quen nhau sau một đêm diễn hài của Kumail, cô sinh viên tâm lý học da trắng đến từ miền nam nước Mỹ và chàng nghệ sĩ da sạm nâu có gốc gác từ mảnh đất Nam Á xa xôi nhanh chóng nhận ra rằng họ đã tìm thấy “nửa còn lại” của cuộc đời mình. Song, truyền thống “trai Pakistan phải lấy gái Pakistan” bám rễ trong đầu ông bà Azmat và Sharmeen đã buộc Kumail phải lựa chọn chữ hiếu thay cho chữ tình.
Hậu quả là cuộc tình ngắn ngủi giữa chàng trai với Emily tan vỡ trong nước mắt của cô gái ngây thơ. Nhưng dấu chấm hết cho câu chuyện tình của hai người chưa thực sự đến khi Emily đột nhiên đổ bệnh, buộc các bác sĩ phải đặt cô vào trạng thái hôn mê sâu.
Trong những tháng ngày chăm sóc người yêu cũ cùng bố mẹ cô là ông bà Terry (Ray Romano) và Beth Gardner (Holly Hunter), Kumail dần nhận ra rằng cán cân giữa bên tình và bên hiếu hóa ra phức tạp hơn anh tưởng rất nhiều.
Nếu chỉ đọc qua nội dung của The Big Sick, nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng đây là một tác phẩm hài - lãng mạn truyền thống của Hollywood. Nhưng khác với đa số phim cùng thể loại, tác phẩm dựa trên câu chuyện của chính cuộc đời Kumail Nanjani - cây hài có tiếng của sân khấu hài độc thoại nước Mỹ và là một trong những nhân tố góp phần tạo nên thành công cho loạt phim truyền hình Sillicon Valley - đem tới rất nhiều điều thú vị.
Bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu ngoài đời thực
Người cùng chấp bút cho phần kịch bản của The Big Sick là Emily V. Gordon - vợ của Kumail và là hình mẫu cho nhân vật Emily Gardner. Có lẽ chính bởi được viết ra từ những trải nghiệm trong hơn mười năm bên nhau, Nanjani và Gardner đã cống hiến cho khán giả một kịch bản hết sức giản dị với nhiều đoạn thoại gần gũi, đời thường, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự lãng mạn vốn có của tình yêu đôi lứa.
Dẫu The Big Sick cũng động chạm tế nhị tới những đề tài nóng bỏng như xung đột giữa truyền thống và hiện đại, hay tàn dư của tệ phân biệt chủng tộc với người nhập cư trong xã hội Mỹ thế kỷ XXI, phần lớn thời lượng bộ phim vẫn được dành cho tình cảm đẹp đẽ giữa những người thân thiết: tình yêu đôi lứa, tình mẹ con, tình vợ chồng, tình anh em, và tình bạn bè.
Vì thế, The Big Sick không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái thông qua những tình huống hài hước, mà bộ phim còn giúp khán giả cảm thấy thư giãn khi được dõi theo các nhân vật đời thường. Họ tuy có xuất thân khác nhau, gốc gác khác nhau, quan niệm truyền thống và văn hóa khác nhau, nhưng đều hết mực yêu thương lẫn nhau, nâng niu giá trị của gia đình trong cuộc sống.
|
Xuyên suốt bộ phim là những mẩu chuyện xúc động về tình thân. Qua đó, tác phẩm mang lại cho khán giả bức tranh đa văn hóa của nước Mỹ. |
Bên cạnh phần nội dung hài hước, lãng mạn, The Big Sick còn xứng đáng nhận lời ngợi khen khi thành công khắc họa một vẻ đẹp rất riêng của xã hội Mỹ: vẻ đẹp đa văn hóa.
Dù đó là một gia đình gốc Pakistan đậm chất tế nhị, truyền thống, luôn kìm nén cảm xúc như nhà Kumail, hay một bộ đôi đến từ miền nam bộc trực, sẵn sàng bùng nổ, chia sẻ vui buồn với người xung quanh như bố mẹ của Emily, hay chỉ đơn giản là sân khấu nhỏ của các nghệ sĩ hài độc thoại nghèo, tất cả đều được đạo diễn Michael Showalter đưa lên màn ảnh lớn với sự nhấn nhá hài hước.
Điều này giúp khán giả thích thú khám phá nhiều bộ mặt khác nhau của nước Mỹ theo cách khắc họa công bằng, không thiên lệch. Chính sự cân bằng về mặt nội dung, về tính hài hước, và về ý nghĩa xã hội đã giúp The Big Sick có chỗ đứng riêng trong mùa phim hè 2017 dù kịch bản tác phẩm không quá phức tạp, bất ngờ, hay gây sốc.
Góc nhìn nhân văn về người nhập cư tại Mỹ
Góp phần tạo nên thành công cho The Big Sick phải kể tới sự xuất sắc của dàn diễn viên trong phim. Nếu như “nhiệm vụ” của Kumail Nanjiani có phần đơn giản khi anh chỉ phải diễn lại chính cuộc đời mình, thì Zoe Kazan trong vai Emily Gardner quả thực là một bất ngờ của bộ phim.
Sinh năm 1983, Kazan khó có thể được xếp vào hàng ngũ diễn viên “trẻ”. Nhưng cô chắc chắn sẽ khiến không ít người xem “phải lòng” bởi nhân vật Emily xinh đẹp, ngây thơ, nông nổi trong tình cảm, nhưng cũng rất mực sâu sắc trong tình yêu.
Hầu hết câu thoại “đắt” nhất của The Big Sick đều dành cho Emily, và chính nhờ thần thái nhẹ nhàng cùng diễn xuất tinh tế của Kazan mà lời thoại của The Big Sick giống như những “bài học đẹp” về tình yêu dành cho giới trẻ.
|
Các diễn viên trong phim đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. |
Không hề thua kém Zoe Kazan là bộ đôi diễn viên gạo cội Ray Romano - Holly Hunter trong vai bố mẹ của Emily. Nếu như Beth bùng nổ nhưng tinh tế, thì Terry hiểu biết nhưng vẫn có lúc khờ dại. Diễn xuất ăn ý của Romano và Hunter đã khắc họa thuyết phục hình ảnh một đôi vợ chồng yêu thương nhau hết mực, nhưng cũng luôn phải gồng mình để cân bằng xung đột của lứa tuổi trung niên.
Kể từ sau khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm, báo chí quốc tế tràn ngập những mẩu tin tức và lời cảnh báo về sự trỗi dậy của tư tưởng cực đoan, bài ngoại, kỳ thị người da màu.
Trong hoàn cảnh ấy, có lẽ cảm giác lo lắng và ý thức trách nhiệm với xã hội đã thôi thúc giới văn nghệ xứ sở cờ hoa sáng tác các tác phẩm sân khấu, truyền hình, và điện ảnh kêu gọi một nước Mỹ khoan dung hơn, bình đẳng hơn, bác ái hơn, đối với các sắc tộc thiểu số và người dân nhập cư.
Cũng là một tác phẩm có liên quan tới mảng đề tài gai góc ấy, nhưng The Big Sick lại có cách tiếp cận vô cùng dễ chịu, đi vào lòng người nhờ phần kịch bản dung dị và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên. Đúng như Terry trong một phút mệt mỏi đã tâm sự với Kumail rằng: “Tình yêu. Tình yêu chẳng đơn giản chút nào. Nhưng thế người ta mới gọi đó là tình yêu”.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau một trận “ốm nặng” (như tựa đề của bộ phim), Emily và Kumail lại tìm thấy nhau. Trong cuộc sống cũng như xã hội luôn tồn tại rất nhiều xung đột, mâu thuẫn. Nhưng nếu giữa người với người vẫn còn tồn tại tình yêu là sợi dây gắn kết bất kể khác biệt về văn hoá, màu da, và nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm và duy trì mối liên hệ tình cảm cao quý ấy, cuộc sống hẳn sẽ đẹp hơn. Và xã hội cũng vì thế trở nên bình an.