IMDb : 7.7/10
Không thể bỏ qua The Social Network
Đối với tôi, bất ngờ lớn nhất của năm thuộc về The Social Network. Tôi bắt đầu xem bộ phim này của đạo diễn David Fincher với một thái độ khá dửng dưng. Dù là một bộ phim khá đình đám của năm, trước khi xem tôi chỉ biết bộ phim này nói về quá trình thành lập Facebook và bộ phim đã được đề cử giải Quả cầu vàng và nhiều người cho rằng nó sẽ được đề cử Oscar.
Thành thật mà nói thì trước khi xem phim, tôi không tin tưởng lắm về việc nó sẽ được đề cử Oscar. Chắc hẳn đây chỉ là tin đồn thôi, phải không? Làm thế nào mà một bộ phim về một thứ có vẻ không có gì là "nghiêm trọng" lắm như Facebook lại có thể vượt qua những phim “nghiêm túc” hơn như The King’s Speech hay Inception? Liệu The Social Network có đáng đứng cạnh The Hurt Locker trong số các phim đoạt giải Oscar?
Poster phim The Social Network
Nhưng The Social Network không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về sự thành công; nó còn tìm hiểu vai trò của những mối quan hệ xã hội trong cuộc sống của chúng ta. Bộ phim làm cho những ai đã và đang nghiện Facebook cũng phải nhìn lại mình và tự nhận ra rằng, để có từng đó số “bạn” trên Facebook và những mối quan hệ ảo, ta đã đánh mất bao mối quan hệ ngoài đời thực?
“Bosnia, họ không có đường để đi nhưng lại có Facebook,” cô luật sư trong công ty bào chữa cho Mark Zuckerberg đã thốt lên trầm trồ như thế. Câu nói này miêu tả được hết sự thành công của Facebook, nhưng cũng cho ta thấy nó đã thâm nhập sâu đến thế nào vào đời sống của mỗi người.
Dù dựa trên các sự kiện có thật, ta vẫn có thể cảm nhận được rằng kịch bản cố tình tạo nên một Mark Zuckerberg khó ưa và Jesse Eisenberg đã thể hiện nhân vật này một cách xuất sắc. Không thể phủ nhận được rằng Zuckerberg có trí thông minh thật siêu phàm và anh rất giỏi trong công việc của mình, nhưng ta lại khó có thể thông cảm cho một con người kiêu ngạo, ngoan cố đến thế. Điều này làm sự trớ trêu ở cuối bộ phim trở nên càng nổi bật hơn. Người đã tạo ra Facebook và hùng hồn tuyên bố không tạo ra nó để kiếm tiền đến lúc cuối lại là tỉ phú trẻ nhất thế giới nhưng đã đánh mất người bạn thân nhất của mình.
Cảnh trong phim The Social Network
Một phần của bộ phim kể về việc anh em nhà Winklevoss (Armie Hammer và Josh Pence đóng) kiện Mark Zuckerberg. Họ đã có ý định thuê Zuckerberg làm lập trình viên cho mạng xã hội HarvardConnect của họ, nhưng Zuckerberg cảm thấy HarvardConnect không có những chức năng phù hợp để thành công và tiến hành lập mạng xã hội của riêng mình – Facebook. Khi Facebook thu hút biết bao sinh viên khắp toàn nước Mỹ, Zuckerberg đã bị anh em nhà Winklevoss kiện vì tội ăn cắp tài sản trí tuệ.
Nhưng liệu một ý tưởng đơn thuần về một trang web có phải là tài sản trí tuệ? Zuckerberg có thật sự ăn cắp gì không khi anh không hề dùng bất cứ phần lập trình gốc nào của anh em nhà Winklevoss mà đã tự xây dựng Facebook từ giấy trắng? Các nhà làm phim để khán giả tự trả lời câu hỏi này khi xem phim, với các ký ức về quá trình thành lập Facebook xen kẽ diễn biến của vụ kiện. Dù kết luận vụ kiện là gì đi nữa, anh em nhà Winklevoss cũng không phải là các nhân vật dễ chịu, và dường như họ đang kiện Zuckerberg vì họ có tiền để làm vậy.
Thật ra, trong phim này không có nhân vật nào là đáng ưa thích; mục đích của các nhân vật không phải là lấy lòng khán giả. Khán giả có thể cảm thấy dễ thông cảm nhất với Eduardo Saverin. Anh là người đồng thành lập Facebook và bạn thân nhất của Zuckerberg, đến khi Zuckerberg giảm số cổ phiếu của anh trong công ty, dẫn tới việc chính Saverin cũng đệ đơn kiện Zuckerberg cùng lúc với vụ kiện Winklevoss.
Andrew Garfield (trái) trong vai Eduardo Saverin
và Jesse Eisenberg trong vai Mark Zuckerberg
Xem diễn biến vụ kiện thứ hai, ta có thể cho rằng Zuckerberg đáng bị Saverin kiện, nhưng khi biết bộ phim này dựa trên một cuốn sách dựa theo chính lời kể của Saverin, ta phải tự hỏi không biết kịch bản có mang nặng thành kiến với Zuckerberg không. Sự thật này không thể giúp ta thích nhân vật Zuckerberg hơn, nhưng nó cũng tạo một khoảng cách nhận định giữa khán giả và nhân vật, buộc ta phải xem xét hai vụ kiện với cái nhìn công bằng hơn.
Một điều khá nổi bật qua toàn bộ phim là hình ảnh sinh viên nữ. Phụ nữ chỉ như thú vui của Mark Zuckerberg và bạn bè. Ngay đầu phim, Zuckerberg viết những lời tục tĩu về người bạn gái vừa bỏ anh trên blog của mình rồi lập một trang web, tiền thân của Facebook, để so sánh các sinh viên nữ trường Harvard. Rõ ràng là bộ phim có nhiều cảnh có vẻ khá khinh thường phái nữ, nhưng cách diễn đạt của đạo diễn lại không lên án thái độ này mà cũng không khuyến thích. Vì thế đây chưa chắc là quan điểm của các nhà làm phim; những cảnh này chỉ có mục đích miêu tả thái độ của chính những nhân vật trong phim. Dù sao đây cũng là bộ phim kể về cuộc sống và ký ức của những sinh viên Harvard, với đủ sự kiêu ngạo của một nam sinh viên trường đại học danh giá nhất thế giới.
Vào lúc tôi viết những dòng này, phải năm ngày nữa các đề cử Ocsar mới được công bố. Bộ phim có đáng được đề cử không? Dù chưa xem nhiều phim trong số phim được cho là các ứng viên nặng ký cho Oscar năm nay, tôi cho rằng The Social Network cũng có nhiều cơ hội. Đây không chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí, kể về lịch sử của một trong những hiện tượng văn hóa nổi bật nhất thế giới những năm gần đây. Bộ phim là một sự tìm hiểu về những thứ được cho là quan trọng trong những mối quan hệ xã hội của giới trẻ ngày nay và Mark Zuckerberg, qua Facebook, đã đi sâu vào tâm lý họ đến thế nào. Đây cũng là một câu chuyện về tình bạn, lòng tin và sự phản bội.
Với lời thoại sắc bén và diễn xuất tuyệt vời, đây gần như là một bộ phim hoàn hảo. Tôi sẽ rất thất vọng nếu bộ phim không nhận được đề cử Oscar trong các hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất (Jesse Eisenberg trong vai Mark Zuckerberg, dù có lẽ anh khó đoạt được giải thưởng khi đối đầu với Colin Firth với vai diễn Vua George VI tuyệt vời trong The King's Speech), Kịch bản xuất sắc nhất (Aaron Sorkin), Đạo diễn xuất sắc nhất (David Fincher) và Phim xuất sắc nhất.