IMDb : 6.5/10
‘A Call to Spy’ vinh danh nữ điệp viên khuyết tật Virginia Hall
Không ai để ý Virginia Hall, vì họ không ngờ phụ nữ Mỹ khuyết tật này là điệp viên của Anh Quốc. Thời kỳ đó đang là Đệ Nhị Thế Chiến.
\
Vài năm trước, Virginia bị mất một chân do tai nạn trong lúc đi săn. Cô đặt tên cho cái chân giả là Cuthbert.
Mặc dù cơ thể không còn lành lặn, cô vẫn trở thành nữ điệp viên đầu tiên được phái đến Pháp trước và trong giai đoạn nước này bị chiếm đóng. Ở Pháp, cô lập nhiều mạng lưới điệp viên và nơi trú ẩn, đồng thời, tổ chức cuộc vượt ngục và đánh bom các tuyến đường tiếp vận của Đức Quốc Xã.
“Con Què” nhưng khiến Đức Quốc Xã lo sợ
Đức Quốc Xã gọi Virginia một cách chế nhạo là “Con Què,” nhưng cũng lo sợ cô, đến mức Klaus Barbie, một trong những thủ lĩnh tàn bạo nhất của Đức Quốc Xã, ra lệnh truy lùng khẩn cấp phụ nữ mà ông cho là nguy hiểm nhất trong số tất cả điệp viên của Đồng Minh.
Virginia không bao giờ bị bắt. Cô tẩu thoát khỏi Pháp bằng cách lội bộ 35 dặm băng qua dải núi Pyrenee lạnh cóng, cơ thể luôn đau đớn vì cái chân giả.
Toàn bộ những chi tiết đó đều được mô tả ly kỳ trong “A Call to Spy,” bộ phim mới nằm trong số nhiều phim gần đây vinh danh những phụ nữ có vai trò lịch sử quan trọng nhưng bị lãng quên, như “Hidden Figures” (năm 2016) và “Ammonite” (2020).
“A Call to Spy” do Lydia Dean Pilcher đạo diễn. Pilcher cũng là đồng đạo diễn một bộ phim mới khác dựa theo sự kiện có thật – “Radium Girls” – kể về hai chị em ở New Jersey kiện một nhà máy có công nhân bị ngộ độc radium vào những năm 1920.
Sarah Megan Thomas đóng vai Virginia và cũng là người viết kịch bản cho “A Call to Spy.” Phim lồng câu chuyện của Virginia với hai nữ anh hùng có thật khác thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Vera Atkins (do Stana Katic đóng), người Romania, làm việc cho đơn vị Chiến Dịch Đặc Biệt (SOE) của Anh, thường được gọi là Đội Quân Bí Mật của Churchill. Vera chuyên tuyển nữ điệp viên vào giai đoạn người ta vẫn chưa quen với phụ nữ làm nghề này.
Một trong những người mà cô tuyển là Noor Inayat Khan (do Radhika Apte đóng), người Ấn Độ gốc Anh, được phái đến Pháp làm nhân viên vô tuyến điện (wireless operator), nhiệm vụ nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên, câu chuyện của Virginia là chính, bắt đầu bằng việc cô đấu tranh để được làm điệp viên, mặc dù vừa là phụ nữ vừa bị khuyết tật. “Vỏ bọc như vậy là hoàn hảo,” Vera nhận xét khi ủng hộ để Virginia đến Lyon giả làm nhà báo. “Sẽ chẳng có người nào nghi ngờ một phóng viên Mỹ xinh đẹp đi chân giả gây ra bất kỳ chuyện gì.”
“A Call to Spy” giữ đúng phong cách phim điệp viên, tạo nên tình huống hồi hộp và suýt bị lật tẩy mỗi khi Đức Quốc Xã đến gần. Ngay khi vừa đến Pháp, Virginia lập tức lên kế hoạch thực hiện chuyến bay đêm đầy nguy hiểm để đưa một điệp viên Anh bị thương về London. Sau đó, cô cố gắng kềm lòng và bình tĩnh đi ngang qua khi Đức Quốc Xã bắn đồng đội của cô giữa đường.
Cũng như hầu hết các phim kể lại câu chuyện của những nữ anh hùng trong lịch sử, “A Call to Spy” tập trung vào những năm Virginia đạt thành tựu lớn nhất. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên với Vera, Virginia chỉ kể sơ về quá khứ của cô. Cô từng cố gắng gia nhập tình báo Mỹ, nhưng bị Bộ Ngoại Giao từ chối vì khuyết tật. Thay vào đó, cô đến Pháp làm tài xế xe cứu thương thời chiến, rồi sau đó làm việc cho văn phòng Đại Sứ Quán Hòa Kỳ ở London.
Virginia làm lu mờ đồng nghiệp nam
Mặc dù câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ba nhân vật chính trong phim là có thật, mối quan hệ giữa họ là hư cấu. Ngoài đời, Vera có biết Virginia, nhưng không tuyển cô như trong phim. Trên thực tế, Noor làm việc cho Vera, nhưng không ở chung phòng với Virginia trong lúc được SOE huấn luyện, cũng như không gặp lại nhau ở Pháp, như trong phim.
Diễn viên kiêm người viết kịch bản Thomas cho hay cô hư cấu như vậy “để đặt Noor và Virginia trong cùng không gian và thời gian, như phim ‘Hidden Figures.’ Tôi xem họ là những nhân vật ẩn mình trong thế giới điệp viên.”
Kết nối ba câu chuyện của ba nhân vật với nhau cũng làm cho “A Call to Spy” trở nên phù hợp hơn với tình hình thế giới hiện nay.
“Tôi rất thích ý tưởng những phụ nữ thuộc quốc tịch và trình độ khác nhau đoàn kết lại để chống cái ác chung,” Thomas nói.
Suốt bộ phim, Vera bị chính cơ quan của cô nghi ngờ vì cô là người Do Thái và sinh ở ngoại quốc. Cô lo lắng sẽ không được nhập quốc tịch Anh và sẽ bị trục xuất.
Noor có cha người Ấn Độ, mẹ người Anh. Cô là người Hồi Giáo, theo chủ nghĩa hòa bình, và kiên quyết đòi tham gia đánh Đức Quốc Xã.
“A Call to Spy” kết thúc giữa lúc cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Câu chuyện hấp dẫn về cuộc đời và sự nghiệp của Virginia được kể lại đầy đủ trong cuốn tiểu sử đáng chú ý của tác giả Sonia Purnell xuất bản năm 2019, tựa đề “Một Phụ Nữ Không Quan Trọng: Chuyện Chưa Kể về Điệp Viên Mỹ Giúp Thắng Đệ Nhị Thế Chiến.”
Sau chiến tranh, Virginia trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) mới thành lập. Tuy nhiên, đến nay, CIA thậm chí thừa nhận rằng họ không sử dụng cô hiệu quả.
Theo bản báo cáo được giải mật mà tác giả Purnell trích dẫn, Virginia bị kiềm lại “vì có quá nhiều kinh nghiệm đến mức làm lu mờ đồng nghiệp nam, khiến họ cảm thấy bị cô đe dọa.” Năm 2016, CIA đặt tên một tòa nhà theo tên cô. Sự vinh danh này có lẽ không đầy đủ, nhưng “có còn hơn không.”
Năm 2019, “A Call to Spy” công chiếu lần đầu tiên trên thế giới, tại Liên Hoa Phim Quốc Tế Edinburgh ở Anh, kể lại câu chuyện của Virginia, cũng như hai nữ điệp viên đồng nghiệp, một cách sinh động hơn.
Phim được giới phê bình khen ngợi rất nhiều. Nhà phê bình Sheila O’Malley của rogerebert.com chấm “A Call to Spy” 3.5/4 sao: “Một bộ phim lịch sử tuyệt vời. Tôi bị lôi cuốn từng phút suốt thời lượng 123 phút của bộ phim.”
Trang web phê bình phim Indiewire nhận xét “A Call to Spy” là “bộ phim mãnh liệt về những nữ điệp viên bị coi nhẹ trong Đệ Nhị Thế Chiến. Sarah Megan Thomas thật xuất sắc, không chỉ về kịch bản mà còn về diễn xuất.”