IMDb : 6.0/10
Câu chuyện rùng rợn có thật của ‘Mật mã Dyatlov’
Bộ phim ly kỳ đang chiếu rạp VN được dựa trên câu chuyện về 9 nhà thám hiểm trẻ bị mất tích và tìm thấy khi đã chết một cách bí ẩn vào năm 1959.
Mật mã Dyatlov tái hiện câu chuyện gây tranh cãi trong giới khoa học về 9 sinh viên trẻ đi trượt tuyết trong kỳ nghỉ ở dãy núi Ural, Nga và không bao giờ trở lại. Cuối cùng, thi thể của họ được tìm thấy – 5 thi thể đông cứng ở căn lều rách nát, 4 thi thể khác được tìm thấy ở khoảng cách khá xa, mang trên mình thương tích bí ẩn như người bị vỡ đầu, người bị mất lưỡi, người bị vùi lấp trong tuyết trắng.
Dường như cả nhóm đột ngột rời khỏi lều lúc nửa đêm. Họ không đi giầy trượt, không đem theo thực phẩm hay quần áo ấm, đi xuống dốc về phía khu rừng và nơi họ dừng chân có nhiệt độ xuống tới âm 30 độ - không phải là nơi thích hợp mà con người có thể sống sót. Sau đó, các điều tra viên đưa ra lời giải thích rằng cả nhóm đã bị giết bởi “một thế lực bí hiểm” và rồi ngừng điều tra với con dấu “tuyệt mật” trên hồ sơ vụ việc.
“Nếu tôi có thể cầu xin Chúa một điều thì đó sẽ là câu trả lời cho câu hỏi chuyện gì đã thực sự xảy ra với các bạn tôi vào cái đêm định mệnh đó?”, Yury Yudin, thành viên thứ 10 của cuộc thám hiểm, do bị ốm nên đã quay về vài ngày sau khi khởi hành chuyến đi. Số phận những người bạn ông vẫn còn là một bí ẩn đau thương.
Yudin và 9 người bạn khởi hành chuyến đi vào ngày 23/1/1959. Đích đến của họ là đỉnh Otorten ở phía bắc Ural. Anh và 8 sinh viên khác đến từ Đại học Bách khoa Ural ở Ekaterinburg, nằm trong khu vực Sverdlovsk, cách Moscow 1.900 km về phía đông. Hồi đó, thành phố này vẫn được gọi là Sverdlovsk, là nơi Sa hoàng và gia đình ông đã chết sau cuộc Cách mạng Nga.
Thập kỷ 1950 chứng kiến sự bùng nổ trào lưu “du lịch thể thao” ở Nga, khi đất nước bắt đầu thoát khỏi thời kỳ hậu chiến với chính sách thắt lưng buộc bụng. Sự kết hợp du lịch với các môn thể thao như trượt tuyết, leo núi, phiêu lưu mạo hiểm là một cách giúp cư dân Xô Viết cũ thoát ra những gánh nặng lo toan của cuộc sống hàng ngày, gần gũi với thiên nhiên và dành thời gian bên những người bạn thân thiết.
Nhóm sinh viên trường Bách khoa Ural là các thành viên có kinh nghiệm của CLB Du lịch thể thao do Igor Dyatlov, 23 tuổi, dẫn đầu và thực hiện chuyến thám hiểm bằng trượt tuyết và leo núi. Lộ trình của họ sẽ dẫn tới đỉnh Otorten ở độ cao hơn 1.100 m trên mực nước biển, được gọi là “Tuyến 3” – lộ trình nguy hiểm nhất vào thời gian đó của năm.
Đến ngày 23/1, nhóm 10 người bắt đầu chuyến thám hiểm dự kiến kéo dài 3 tuần xuyên quốc gia. Họ đi tàu hỏa đến Ivdel vào ngày 25/1, sau đó chuyển sang xe tải tới Vizhai, là điểm dừng chân cuối cùng ở vùng đồng bằng trước khi bắt đầu leo núi Otorten. Họ bắt đầu leo núi ngày 27/1. Tuy nhiên, đến ngày 28/1 thì Yudin bị bệnh và phải quay về nên 9 người còn lại tiếp tục cuộc hành trình mà không có anh. Yudin không bao giờ ngờ rằng đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy các bạn của mình còn sống.
Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ trở lại Vizhai vào ngày 12/2/1959 và từ địa điểm đó Dyatlov sẽ gửi một bức điện tín đến câu lạc bộ Thể thao của trường để thông báo rằng họ đến nơi an toàn. Chẳng ai nghi ngờ rằng sẽ không có bức điện tín đó như dự định vì các thành viên của nhóm đều là những vận động viên trượt tuyết rất kinh nghiệm.
Đến ngày 20/2, vì những người thân của các sinh viên tỏ ra rất lo lắng nên nhà trường cử một đội tìm kiếm và cứu hộ bao gồm các giáo viên và sinh viên tình nguyện của trường, tiếp theo đó là lực lượng cảnh sát và quân đội vào cuộc, cùng với máy bay và trực thăng. Các tình nguyện viên cứu hộ tìm thấy chiếc lều bị bỏ hoang vào ngày 26/2.
“Chúng tôi phát hiện ra căn lều rách nát và bị tuyết phủ. Cái lều trống rỗng, với tất cả đồ dùng, giày dép của nhóm bị bỏ lại”, ông Mikhail Sharavin, tình nguyện viên nói. Chiếc lều bị cắt từ bên trong và vết mở đủ lớn cho một người chui qua. Những dấu chân được phát hiện sâu dưới tuyết bởi những người hoặc mang tất, hoặc đi một chiếc giày hoặc hoàn toàn chân trần. Các dấu chân đều phù hợp với cỡ chân các thành viên của nhóm.
Các dấu chân dẫn xuống dốc về phía rừng và biến mất sau khoảng cách 500m. Cách lều khoảng 1,5 km, bên bìa rừng và dưới một cây thông cao, 2 thi thể đầu tiên được phát hiện, đi chân trần và mặc quần áo lót. Bàn tay họ bị cháy sém và gần đó là đống lửa tàn. Dấu vết cành cây bị gẫy ở độ cao 5m cho thấy một người đã leo lên đó để tìm kiếm một thứ gì đấy và các cành cây gẫy khác nằm rải rác trên tuyết.
Ở khoảng cách 300m tiếp theo, thi thể của Dyatlov được tìm thấy, anh nằm sấp, hướng mắt nhìn về phía trại và một tay nắm chặt cành cây. Thêm 180 m nữa về phía lều là thi thể của hai người nữa, dường như cố gắng lết về căn lều bằng sức lực cuối cùng của họ.
Các bác sĩ cho biết cả 5 người đã chết vì bị giảm thân nhiệt. Chỉ có một chàng trai không bị bất kỳ thương tích nào khác ngoài đôi tay bị bỏng, hộp sọ bị vỡ, mặc dù đây không được coi là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của anh.
Phải mất hai tháng để xác định vị trí thi thể của 4 người còn lại bởi những thi thể này được tìm thấy bị chôn vùi sâu 4m dưới tuyết và ở khoảng cách 75m từ cây thông. Cả bốn có lẽ đã tử vong do bị chấn thương. Có người hộp sọ bị vỡ, có người bị gãy xương sườn và mất cả lưỡi. Tuy nhiên, các thi thể cho thấy không có vết thương phần mềm bên ngoài.
Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, cuộc điều tra đã khép lại vào cuối tháng và hồ sơ vụ này được gửi đến cơ quan lưu trữ bí mật. Câu chuyện còn kỳ bí hơn khi những người trượt tuyết và các nhà thám hiểm khác bị cấm vào khu vực này trong 3 năm tiếp sau đó.
Kể từ khi có thêm nhiều chi tiết về thảm kịch được phát hiện trong thập niên 1990, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời. Nhà báo Anatoly Guschin, một trong những người đầu tiên nghiên cứu hồ sơ gốc, vẫn quả quyết rằng một số trang và cả một phong bì được đề cập đến trong hồ sơ đã biến mất một cách bí ẩn.
Năm 1999, ông xuất bản cuốn sách mang tên Giá của những bí mật quốc gia là 9 mạng người, đặt ra giả thuyết liên quan đến các cuộc thử nghiệm vũ khí quân sự bí mật và sự che giấu của chính phủ. Lev Ivanov, trưởng ban điều tra vụ việc này ban đầu, bổ sung sự kiện vào giả thuyết này khi ông được yêu cầu chôn vùi vụ việc, dù Ivanov vẫn tiếp tục tin rằng đĩa bay UFO và người ngoài hành tinh đứng sau toàn bộ vụ việc.
Năm 2000, một hãng truyền hình trong khu vực thực hiện bộ phim tài liệu về vụ này và nhà văn Nga, Anna Matveyeva, đã xuất bản một tác phẩm bán hư cấu về các sự kiện trong cuốn sách Đèo Dyatlov của bà. Những gì xảy ra vào cái đêm năm 1959 có thể không bao giờ được biết đến nhưng Dyatlov và các bạn đồng hành của anh chắc chắn không hề bị lãng quên. Địa điểm mà nhóm đã dựng trại lần cuối trước khi họ qua đời được chính thức đặt tên là “Đèo Dyatlov”.
Đạo diễn Renny Harlin tâm sự về tác phẩm dựa trên câu chuyện rùng rợn này mà mình vừa thực hiện: “Tôi rất sốc khi biết về những câu chuyện kỳ lạ xảy ra với nhóm của Dyatlov vào năm 1959. Đó là câu chuyện không thể hư cấu, nó vừa đáng sợ lại vừa thông minh. Các nhân vật rất chân thực. Việc dựng phim, hình ảnh sẽ tạo nên một tác phẩm thú vị. Mục tiêu của tôi là đem đến bất ngờ cho khán giả để khi rời khỏi rạp họ cảm thấy rung động như vừa tham gia vào một chuyến đi huyền bí và có những cảm nhận mạnh mẽ từ giác quan thứ sáu”.