Không phải đến Ngôi nhà trong hẻm, khán giả mới bị ám ảnh, rùng mình với hình ảnh của những đứa trẻ tàn ác, ma quái. Điện ảnh thế giới đã từng biến trẻ con thành sát nhân trong nhiều bộ phim, đặc biệt ở thể loại phim kinh dị. Khi hình ảnh man rợ của những tên tâm thần giết người hàng loạt, khi những con dao đẫm máu, khi những “trò” giết người ghê rợn… không còn đủ sức “ hù dọa” khán giả, phim kinh dị quay sang khai thác hình ảnh ngây thơ, trong sáng của trẻ thơ, và biến chúng thành những sát nhân máu lạnh. (Ai đó sẽ cười khi nhắc đến giá trị nhân văn trong phim kinh dị).
Có câu, “Bất kỳ ai cũng có thể trở thành sát nhân, trừ các em bé”. Giữa cuộc sống hiện đại hỗn loạn, khắc nghiệt, chỉ có trẻ thơ là trong sáng, hồn nhiên, thánh thiện. Khi các nhà làm phim biến những em bé - những người không ai nghĩ có thể là sát nhân bỗng trở thành sát nhân (dù chỉ trên màn ảnh) vẫn gây rúng động. Hình ảnh những thiên thần cầm dao đẫm máu và giết người man rợ khiến người xem bị sốc. Nhưng, với các nhà làm phim kinh dị, đó là sự thành công. Họ biến trẻ thơ thành sát nhân, và họ có được sự rùng mình, ám ảnh của khán giả.
Những sát nhân có gương mặt trẻ thơ đã giúp dòng phim kinh dị kiếm bộn tiền
Điện ảnh Mỹ đã có những bộ phim kinh dị nổi tiếng khi khai thác hình ảnh trẻ thơ. Bộ phim Đứa trẻ mồ côi (The Orphan) thậm chí còn trở thành bộ phim ăn khách, được sản xuất nhiều kỳ tiếp theo. Một đứa trẻ mồ côi có sở thích tàn sát tất cả những gia đình có thành tâm nhận nuôi nó.
Câu chuyện của Đứa trẻ mồ côi bắt đầu từ việc vợ chồng Kate - John bị mất đứa con. Kate trở nên trầm cảm và bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng khủng khiếp. Trong những nỗ lực để tìm lại cuộc sống bình thường, họ quyết định sẽ nhận con nuôi. Tại trại trẻ mồ côi địa phương, cả John và Kate đều cảm thấy bị thu hút một cách kỳ lạ bởi cô bé Esther. Tuy nhiên, ngay khi họ chào đón Esther về nhà, một chuỗi những sự việc kỳ lạ đã xảy ra, khiến Kate tin rằng có điều gì đó không ổn với Esther, rằng cô bé ấy không đơn giản như những gì cô bé thể hiện…. Sự trong sáng, hồn nhiên của Esther ngày càng trở nên đáng sợ. Cho đến một ngày, Kate kinh hoàng nhận ra, Esther đang tán tỉnh John và tìm cách giết mẹ con Kate…
Sự trong sáng, ngây thơ này...
Phút chốc đã trở nên tàn ác.
Các nhà làm phim Việt Nam quyết định “tung” ra một bộ phim kinh dị vào mùa phim dành cho tình yêu. Ngôi nhà trong hẻm xoay quanh cuộc sống của một đôi vợ chồng trong ngôi nhà bí hiểm. Sau khi mất đi đứa con đầu lòng, Thảo (người vợ) bắt đầu có những thay đổi. Ngôi nhà cũng biến đổi theo. Những biến đổi khiến Thành (người chồng) sợ hãi, hoảng loạn. Đến đỉnh điểm của mâu thuẫn, khi Thảo cầm rìu chặt đứt tay chồng, Thành tìm đến người bán nhà hỏi về ngôi nhà. Hóa ra, ngôi nhà được xây trên nền một trại trẻ mồ côi cũ. Trại trẻ mồ côi đã bị cháy và tất cả những đứa trẻ trong ngôi nhà đều đã chết…
Cũng biến trẻ thơ thành những hình ảnh tàn ác, ma quái để gây ám ảnh cho người xem, nhưng Ngôi nhà trong hẻm của điện ảnh Việt Nam có sự khác biệt căn bản với các nhà làm phim Mỹ. Dù biến những đứa trẻ thành sát nhân, thành quỷ dữ… Nhưng, ở cuối phim, các nhà làm phim Mỹ luôn dành thời gian để giải thích cho sự tàn ác ấy ở đứa trẻ. Ví như trong Đứa trẻ mồ côi (The Orphan), cuối phim các nhà làm phim Mỹ đã “tiết lộ”, Esther thật ra không phải là đứa trẻ 8 tuổi. Esther đã hơn 30 tuổi, nhưng vì mắc một căn bệnh lạ, Esther nhìn giống hệt một em bé 8 tuổi. Trong Case 39, các nhà làm phim đã cho khán giả thấy rằng, Lilith là một đứa trẻ bình thường cho đến khi một con quỷ dữ khát máu nhập hồn vào cô bé và biến cô bé trở nên tàn ác…
Một cảnh trong phim Ngôi nhà trong hẻm.
Với Ngôi nhà trong hẻm, các nhà làm phim Việt Nam đã không tìm cách chứng minh như thế. Cảnh cuối cùng khép lại bộ phim là hình ảnh một hồn ma trẻ em vẫn bám theo đôi vợ chồng Thành - Thảo. Nghĩa là, chính những hồn ma trẻ con trong ngôi nhà bị cháy chính là thủ phạm khiến cho cuộc sống của đôi vợ chồng Thành - Thảo trở nên hoảng loạn. Chính hồn ma của những đứa trẻ mồ côi đã biến Thảo trở thành sát nhân khi cố gắng tìm cách giết chồng…