Với Dogville, Lars Von Trier muốn chứng mình rằng: Cái ác có thể xảy ra ở khắp nơi, miễn là đúng hoàn cảnh. Vì có lẽ, con người sinh ra vốn tính ác, thứ mà đã bị đẩy sâu vào tự ngã của mỗi người qua quá trình nhận thức xã hội như cách Sigmund Freud đã phân tích. Tuy nhiên, chỉ cần cho nó hoàn cảnh, giống như cách William Golding mô tả trong tác phẩm văn học Chúa Ruồi, cái ác sẽ phát sinh để thoả mãn dục vọng của con người.
Là một trong những đạo diễn tiên phong, đề xướng ra Dogma 95 (người kia là Thomas Vinterberg), trong đó, nhà làm phim tối ưu hoá bộ phim của mình bằng sự tối giản hoá, theo cách không sử dụng kĩ xảo, không lạm dụng kĩ thuật nhằm nêu bật diễn xuất, chủ đề mà người đạo diễn muốn truyền tải. Dogville được thực hiện dưới những ý tưởng cơ bản này. Bối cảnh được tối giản hoá hết mức có thể, đến nỗi ta cần dùng trí tưởng tượng để hiện thực hoá một không gian có hơi hướng trừu tượng. Nếu một vở kịch sử dụng những đạo cụ cụ thể để phân tách rõ không gian của câu chuyện, thì Dogville, chỉ dùng những đường kẻ trắng trên một sân khấu lớn, giống như mặt cắt của bản vẽ trên tờ giấy, để thể hiện không gian của một thị trấn mỏ Dogville. Trong bối cảnh chật hẹp và trừu tượng đó, câu chuyện bắt đầu.
Tại một thị trấn khai thác mỏ nghèo nàn và ít dân ở một vùng núi Colorado nước Mỹ, người dân sống lương thiện, khiêm tốn, những thói quen hàng ngày được lặp đi lặp lại. Để duy trì nếp sống đơn điệu nhưng an toàn đó, mọi việc chung đều cần được cả thị trấn đồng thuận thông qua, với sự dẫn dắt về mặt tinh thần của một ông bác sĩ già, mà người con trai của ông Tom Edison Jr. (Paul Bettany) đang muốn lấy được cảm tình của người dân, hòng thay thế vai trò dẫn dắt của cha mình. Một ngày, Grace (Nicole Kidman) xuất hiện, cô được cho là đang bị truy đuổi bởi một nhóm gangster, Tom rủ lòng thương giúp cô thoát khỏi bọn gangster bằng cách giấu cô trong khu mỏ. Grace yếu ớt, xinh đẹp và dịu dàng. Tom muốn giữ cô ở lại thị trấn để trốn một thời gian. Nhưng dù người dân lương thiện, họ cũng không khỏi bối rối trước một tạo vật ngoại lai, có thể phá bỏ đi cái không gian yên bình vốn có của mình. Họ không muốn mạo hiểm, không muốn thay đổi. Cho đến khi, Grace chiếm được tình cảm của họ, và lòng tham muốn lợi dụng và chiếm hữu cô trỗi dậy.
Bộ phim chia thành 9 chương và một phần dẫn nhập. Chậm rãi, chắc chắn, Lars Von Trier giúp ta khám phá thị trấn, từng nhân vật, tính cách và hoàn cảnh gia đình. Họ hiện lên với những nét phác kĩ mà đơn giản, ta có thể bắt gặp bất kì đâu trong cuộc sống xung quanh mình. Một ông già mù nhưng không bao giờ chấp nhận rằng mình đã mù, vì lòng kiêu hãnh, vì sự sợ hãi phải đối diện với sự thật, một ông bác sĩ luôn cho rằng mình đang bị bệnh nặng sắp chết… mỗi người sống trong cộng đồng có những vấn đề của riêng họ. Không ai cho rằng mình cần phải thuê ai đó làm việc cho mình, cho đến khi, họ thấy Grace hữu dụng và có thể lợi dụng cô.
Grace cần công việc, cần lòng thương hại của người dân để được ở lại. Cô tận tuỵ, không nản chí, bằng đôi tay chưa bao giờ lao động, cô thuyết phục dân làng bằng sự chân thành. Đã có lúc người dân coi cô là một thiên thần. Nhưng đấy là khi họ vẫn còn cảm thấy an toàn. Nếu với một bối cảnh tối giản khiến camera chỉ việc đi theo và ghi lại cách câu chuyện diễn biến, thì Anthony Dod Mantle (người đoạt giải Oscar sau này với bộ phim Slumdog Millionnaire) đã làm được hơn thế rất nhiều, cách chọn góc máy, sự dũng cảm của những cú máy quay cận để lột tả được thái độ của nhân vật trong bối cảnh chật hẹp. Sự kết hợp của Lars Von Tier và DOP (director of photography) thực sự rất ăn ý. Khi tất cả những ngôi nhà được trừu tượng hoá bằng cách bỏ hết đi tường, vách, mọi thứ trần trụi và hiển lộ, thì tất cả những hành động của họ trong ngôi nhà của họ, là hành động của sự đồng loã, thoả hiệp.
Grace trở thành nạn nhân trực tiếp cho sự thoả hiệp đó, cho sự hèn nhát, tham lam của người dân. Chúng ta chợt nhận ra phong cách phim thử nghiệm của Lars Von Tier đã có hiệu quả không thể tốt hơn. Một cảnh quay nhiều lớp, ta có thể thấy những lớp đối tượng phân tách nhau bằng sự tưởng tượng, bức tường tượng tượng, tính cách ẩn sâu, một sự phân lớp tuyệt với kéo căng cảm xúc người xem, lúc này, ở lớp cuối cùng của khung cảnh, nơi Grace đang phải chấp nhận nhục nhã để cứu mình đã phá vỡ hoàn toàn những lý lẽ có thể đưa ra để bao biện cho hành động của họ. Lars Von Tier đã phá tan lớp vỏ đạo đức của xã hội, những người cho rằng mọi hành động đều có thể giải thích khi đặt mình vào hoàn cảnh của người kia.
Biện minh, giải thích, Grace cố đặt mình vào họ, để thương họ, để tha thứ cho họ. Bố cô nói cô là kẻ kiêu ngạo nhất trên đời, vì không phải điều gì cũng có thể tha thứ, không phải cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh thì ta có quyền làm bất kì điều gì ta muốn. Luôn luôn có một giới hạn cho phép ta biện minh cho hoàn cảnh, đi quá giới hạn đó, con người chỉ còn lại thú tính, sự ích kỉ, lòng tham lam, và bám riết lấy sự sống còn bất chấp mọi giá.
Ở thị trấn nhỏ bé đó, chỉ có con chó là vô tội. Sự mỉa mai được đẩy cao bằng một tình tiết nhỏ, vô tình mà cố ý, vô nghĩa nhưng lại khiến ta phải suy nghĩ rất nhiều.
Với phong cách thử nghiệm, bối cạnh phim nhiều phần trừu tượng, dàn diễn viên đã thể hiện khả năng diễn xuất tuyệt vời, đặc biệt là Nicole Kidman. Vẻ đẹp không nguỵ tạo, sự nhã nhặn, nhẹ nhàng, thái độ quyết đoán và niềm tin sắt đá vào con người, Nicole Kidman rạng rỡ trong hoàn cảnh thảm hại, cô chịu đựng như một vị thánh phải chịu tội hộ con người. Bộ phim là một minh chứng tuyệt vời cho tài năng của cô đào nước Úc, một người có vẻ đẹp đầy ma mị, và khả năng hoá thân đầy ám ảnh.
Đây là một trong những bộ phim yêu thích nhất của Quentin Tarantino, ông cũng nói rằng, nếu bộ phim được được viết cho sân khấu kịch, hẳn Lars Von Trier sẽ được nhận giải Pulitzer (giải thưởng dành cho lĩnh vực báo chí và văn học). Hẳn nhiên, bộ phim cũng là một trong những bộ phim yêu nhất của tôi không chỉ vì phong cách thử nghiệm, tối giản khiến câu chuyện trở nên sáng rõ, tạo nên những hiệu ứng cực kì tốt về mặt cảm xúc. Bộ phim còn cho ta cái nhìn thấu thị vào bản chất của con người, về vị trí của mỗi người trong hoàn cảnh của họ, họ có được phép tha thứ hay không khi gây ra những lỗi lầm tưởng chừng rất đáng tiếc, hay thực ra, hoàn cảnh là một nhân chứng nguỵ tạo, không có thật, để che giấu đi cái bản năng xấu xí của con người. Dogville có thể là một thị trấn khốn khổ nhất thế giới, nhưng Dogville là chính chúng ta trong sự lựa chọn cách hành xử với cuộc đời.