IMDb : 7.5/10
Áp phe tình ái rung chuyển Châu Âu
Từ sự thật lịch sử…
Tái hiện một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử Đan Mạch, A Royal Affair đưa người xem trở về Đan Mạch trong đêm đen Trung cổ những năm cuối thế kỷ 18, dưới triều đại của Christian VII - một kẻ ham chơi, bất tài, hèn nhát, ngu muội… nên được người đời đặt biệt hiệu Vua điên!
Nhưng thật bất ngờ, triều đại của Vua điên Christian VII lại khởi nguồn cho một cuộc cách mạng lịch sử trên toàn cõi châu Âu: Xóa bỏ đêm đen u tối kéo dài cả chục thế kỷ của thời Trung cổ, sang thời kỳ mới: Kỷ nguyên Khai sáng! Người tạo ra Kỷ nguyên Khai sáng ấy là quan nhiếp chính kiêm ngự y của Vua điên Christian VII, Johann Friedrich Struensee - người nước Phổ. Khi Struensee đến Đan Mạch năm 1769, nước này vẫn đang mắc kẹt trong màn đêm Trung cổ. Ý tưởng giáo dục, giải phóng quần chúng và tự do ngôn luận thời ấy còn là chuyện viễn tưởng. Struensee làm thay đổi tất cả khi Vua điên Christian VII cho phép anh nhiếp chính.
Nhưng bi kịch cũng sớm đến với Struensee khi anh cải tổ quá nhanh, và tội lỗi nhất là anh vướng vào cuộc tình với đương kim hoàng hậu của Vua điên Christian VII - nàng công chúa trẻ đến từ nước Anh, Caroline Mathilde…
Đó là chứng cớ quan trọng để các thế lực bảo thủ hạ bệ Struensee. Anh bị chém đầu rồi bị xử xa hình. Xác của anh bị chặt thành nhiều phần rồi được đặt trong một công viên ở Copenhagen cho dân chúng xem để cảnh cáo. Hoàng hậu Caroline Mathilde bị trục xuất khỏi hoàng cung và 3 năm sau qua đời ở tuổi 24. Đan Mạch từ vị thế Khai sáng tiên phong cho cả châu Âu trở lại bóng đêm Trung cổ như trước!
… đến xuất phẩm điện ảnh hoành tráng
Câu chuyện sử thi về Vua điên Christian VII, quan nhiếp chính Johann Friedrich Struensee và Hoàng hậu Caroline Mathilde là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử Đan Mạch. Nó được dạy trong trường học và có hơn 15 cuốn sách đã được viết (cả thực tế và hư cấu), thậm chí có một vở opera và múa ballet về câu chuyện này, và nó cũng là niềm mơ ước của tất cả những nhà làm phim ở Đan Mạch.
Hãng phim lớn nhất Đan Mạch, Zentropa, sau nhiều năm ấp ủ đã quyết định đưa câu chuyện tình sử thi này lên màn ảnh. Dự án vinh dự được giao cho đạo diễn trẻ nổi tiếng 39 tuổi, Nikolaj Arcel. Anh và đồng biên kịch Rasmus Heistergerg bắt đầu quá trình viết kịch bản này bằng cách đọc cuốn tiểu thuyết phát hành năm 1999 có tựa là The Visit Of The Royal Physician (Chuyến viếng thăm của quan ngự y) của nhà văn Per Olov Enquist.
Cuốn tiểu thuyết được dựa theo những sự kiện có thật xoay quanh thời gian Johann Friedrich Struensee ở trong triều đình Đan Mạch. Nhưng khó khăn là bản quyền làm phim của cuốn tiểu thuyết này đã được bán độc quyền cho một công ty - đã và đang vận động trong hơn một thập niên, để mong thực hiện một tác phẩm chuyển thể bằng tiếng Anh với quy mô lớn - và họ không muốn nhượng bản quyền lại cho Hãng Zentropa.
Vậy là kịch bản phải xoay sang hướng khác: kể lại câu chuyện từ góc nhìn của Hoàng hậu Caroline Mathilde. Để tránh những xung đột về bản quyền, một chuyên gia đã được thuê chỉ làm mỗi một việc, đó là so sánh kịch bản A Royal Affair với tiểu thuyết The Visit Of The Royal Physician để bảo đảm rằng chúng không giống nhau.
Bộ phim là một xuất phẩm chung của Đan Mạch, Thụy Điển và Cộng hòa Séc, với kinh phí 46 triệu krone (tiền Đan Mạch). Trước khi ấn định cái tựa cuối cùng là A Royal Affair, bộ phim có hai tựa khác là Dronningen Og livlægen (Hoàng hậu và quan ngự y) và Caroline Mathild’s years (Những năm tháng của Caroline Mathilde).
Những hư cấu và vai diễn xuất chúng
Bộ đôi đạo diễn Nikolaj Arcel, và đồng biên kịch Rasmus Heistergerg đi đầu trong một thế hệ mới những nhà làm phim Đan Mạch nói không với phong cách dùng camera cầm tay và tạo ánh sáng lốm đốm của những phim nghệ thuật kiểu châu Âu, mà mê đắm với những bộ phim lộng lẫy, được dàn dựng quy mô và chặt chẽ theo kiểu truyền thống Hollywood. Trong đó, Nikolaj Arcel lấy cảm hứng rất lớn từ xuất phẩm kinh điển vĩ đại Amadeus (1984) của Milos Forman, từ cách hư cấu nội dung cho đến cách tạo dựng trang phục và bối cảnh. Thậm chí anh quay phần lớn phim này tại Cộng hòa Séc, đặc biệt là lâu đài Ploskovice danh tiếng - nơi làm bối cảnh chủ yếu của Amadeus ngày xưa.
Trong đời thực, Công chúa nước Anh Caroline Mathilde khi đến Đan Mạch làm hoàng hậu nàng chỉ mới 15 tuổi, nhưng vai diễn này đã được giao cho nữ diễn viên Thụy Điển sinh năm 1988 Alicia Vikander - một trong 3 ngôi sao sáng chói của điện ảnh châu Âu. Alicia Vikander đã tạo nên hình ảnh một hoàng hậu hấp dẫn và tươi tắn, nhưng so với 2 vai nam chính, nhân vật hoàng hậu lại hơi bị nhạt nhẽo và thụ động.
Quan nhiếp chính Johann Friedrich Struensee chỉ mới 29 tuổi khi anh gặp hoàng hậu, nhưng trong phim lại là 48 tuổi để phù hợp với tuổi của nam diễn viên Mads Mikkelsen - ngôi sao mang tầm vóc quốc tế duy nhất của Đan Mạch, nổi tiếng thế giới từ khi thủ vai kẻ ác đối đầu với James Bond 007 trong siêu phẩm ăn khách Casino Royale (2006). Trong trường hợp này, thị trường quốc tế quan trọng hơn việc anh có hoàn toàn thích hợp với vai diễn hay không. Nhưng diễn xuất của Mikkelsen thì khó thể chê được, đặc biệt anh có một khuôn mặt rất độc đáo và đáng nhớ, giống khuôn mặt của tượng nhân sư (Sphinx) và cân đối như một tác phẩm điêu khắc.
Để hình dung về diện mạo và tính cách của Vua điên Christian VII, Nikolaj Arcel, và đồng biên kịch Rasmus Heistergerg đã đọc khoảng 7 cuốn sách nói về Christian VII và… không cuốn nào nói giống cuốn nào! Để an toàn, họ sử dụng mỗi cuốn một chút để mô tả tính cách của Vua điên Christian VII. Thật bất giờ khi vai diễn độc đáo quan trọng bậc nhất trong phim này đã được giao cho diễn viên trẻ Mikkel Boe Folsgaard - người mới đóng phim lần đầu tiên.
Diễn xuất sôi nổi, sinh động của nam diễn viên trẻ này trong vai vị vua bốc đồng, loạn trí rất lôi cuốn và độc đáo tới mức nó làm lu mờ tất cả các vai diễn khác trong phim, kể cả vai chính Struensee của ngôi sao quốc tế Mads Mikkelsen. Vai Vua điên Christian VII đã mang về cho Folsgaard giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2012. Thật thú vị cho đến nay, Folsgaard thậm chí vẫn còn đang học tại Trường Kịch nghệ Quốc gia Đan Mạch.
Phim hay, không chỉ kể lại câu chuyện ngoại tình nổi tiếng tày đình trong lịch sử của Hoàng gia Đan Mạch mà hay hơn là tái hiện và thể hiện góc nhìn về một giai đoạn và những nhân vật lịch sử trong giai đoạn đó.
Thông tin về phim nói chung thì mình tìm thấy cái này:
Chuyện tình hoàng gia Đan Mạch lên phim
Thông tin nhiều hơn và Bình luận hay hơn thì cái này:
Áp-phe tình ái rung chuyển châu Âu
Phim Đan Mạch, mình thích cái sự mộc và trầm kiểu phim Âu như vậy, chút cao trào hút khách kiểu Hollywood có đấy nhưng vừa đủ. Bông hồng của phim, hoàng hậu Caroline đúng là hơi thiếu sự nổi bật và chiều sâu, nhất là nửa cuối phim, nhưng mình cũng lại thích cái vẻ đẹp lúc đầu thấy thường càng nhìn càng thấy đẹp ấy, thể hiện đúng 1 vị hoàng hậu, 1 phụ nữ trẻ tuổi và đơn giản, chứ không phải rực rỡ như 1 minh tinh hay đanh thép kiểu 1 bà hoàng sắc sảo quyền lực như các phim cổ trang Hollywood.
Cái sự “đẹp nhưng hơi nhạt” của hoàng hậu có lẽ vì những người làm phim đã quá tập trung khắc họa 2 người đàn ông của nàng và họ khắc họa quá tuyệt. Như trong bài bình mình đọc được ở trên, để miêu tả vị vua điên, họ đã phải nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau và cái bạn diễn viên lần đầu đóng phim ấy thể hiện quả thật rất tốt, một vị vua cô đơn đáng thương và rất nhiều sắc thái tâm lý!
Làm sao một vị ngự y lại được sự tin tưởng và “sủng ái” của cả vua và hoàng hậuđến thể ? Anh diễn viên nổi tiếng của Đan Mạch mình đã từng nghe danh mà giờ mới được chứng kiến, 1 vẻ đẹp nam tính hoàn toàn khác biệt, vô cùng thâm trầm và hun hút chiều sâu!
Với mình, điều hấp dẫn nhất của phim không phải là chuyện tình tay 3 hoàng gia hoàng tộc, mà là việc khắc họa Struensee và tinh thần khai sáng của nhân vật lịch sử này.
Mads thì trông quá cứng cỏi gừng già rồi chứ Struensee thật thậm chí mới chỉ 29 tuổi khi vào làm ngự y của nhà vua!!!! Không phải 1 quý tộc hay chính trị gia chuyên nghiệp, chỉ là 1 ngự y với tinh thần khai sáng! Hoàng hậu Caroline khi được gả sang ĐAn Mạch mới 15 tuổi, như vậy bà yêu Struensee và được chàng “khai sáng” khi mới khoảng 20 tuổi …
Họ đã đi quá nhanh so với thời đại của mình!
Xem phim về thời đại hơn 300 năm trước này, mình lại nghĩ: liệu rồi vài trăm năm nữa, những điều gì của hiện tại sẽ trở thành những thứ lỗi thời cần xóa bỏ? Luật Hôn nhân? Những chính phủ cầm quyền và cấp bậc trong xã hội? Rồi người ta sẽ cần đến luật làm cha mẹ chứ không phải luật hôn nhân ràng buộc? Người ta sẽ không còn phải nhắn nhủ con cái phải học giỏi để thành ông này bà kia, sẽ không còn những vị nguyên thủ hay quan chức quốc gia? Lúc đó có ai còn xem phim không nhỉ?