IMDb : 8.0/10
Di sản của nước Pháp chính là nền điện ảnh rất thơ, rất thực và rất lạ kiểu Pháp
Sự ra đời của “Au Revoir Les Enfants” cuối những năm 1980 là một bộ phim mà một lần nữa, thông điệp mà nó đưa ra không hơn gì các tác phẩm phê phán nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã, ca ngợi tình người đã được ra mắt trước đó, song cái chất Pháp thì không lẫn đi đâu được.
Tôi là một người thích xem phim hơn là đọc sách, vì tôi cảm thấy khi mọi thứ được miêu tả bằng hành động thực sự, bởi những con người thực sự, nó thú vị hơn nhiều. Nhưng không phải phim nào tôi cũng xem (tôi khá là kén cá chọn canh). Tôi không thích xem phim cũ, cứ trước 2010 là tôi không xem (đang nói từ thời điểm hiện tại) vì tôi không thích nhìn những thứ cũ rích, đặc biệt là về trang phục, quan niệm cái đẹp và công nghệ. Thế mà tôi sẽ nói về một bộ phim từ năm 1987 ngày hôm nay.
Bộ phim mà tôi muốn nói tới chính là tiêu đề của bài viết: “Au revoir les enfants”. Đây là một trong những bộ phim xinh đẹp nhất mà tôi từng được xem. Nói “được” là bởi vì có người giới thiệu nó cho tôi chứ không phải tôi tự tìm xem. Ở Lock Haven tôi có một lớp về điện ảnh Pháp và cách chúng tôi học về nó là xem những bộ phim kinh điển của Pháp trong thế kỉ 20. “Au revoir les enfants” dịch ra tiếng Việt là “Tạm biệt những đứa trẻ” và nó được xây dựng trên bối cảnh thế chiến thứ 2. Điều này có nghĩa là bộ phim đã đi ngược vào thời gian. Xin nhớ thời gian công chiếu của “Au revoir les enfants” là 1987, nhưng thế chiến 2 rơi vào khoảng những năm 40. Công trình lội dòng quá khứ này là để đạo diễn Louis Malle kể lại câu chuyện của chính mình thời niên thiếu, giữa bạo loạn, chiến tranh và chế độ phát xít dã man.
Tôi đã trải qua rất nhiều xúc cảm khi xem bộ phim này và tôi mong muốn mọi người cũng có thể cảm nhận những gì mà tôi đã cảm nhận được. Thực lòng mà nói, đây có thể được coi là một tác phẩm quý báu về mặt nhân văn, nghệ thuật và ngôn ngữ. Giáo sư của tôi đã khóc như một đứa trẻ, bạn cùng lớp tôi cũng vậy.
“Au revoir les enfants” dựa trên câu chuyện có thật và đó chính là câu chuyện của Louis Malle, đạo diễn của bộ phim. Ông trải lòng mình về một tình bạn đẹp nhưng lại chẳng thể kéo dài. Tình bạn ấy kết thúc không phải vì họ mà là vì chiến tranh, thứ vô nghĩa nhất trên cuộc đời này nhưng lại có thể cướp đi mọi thứ. Tôi sẽ không nói tới nội dung của bộ phim này bởi tôi muốn mọi người nhìn vào nó một cách khách quan và “thiếu chuẩn bị” nhất.
Dù không nói về nội dung bộ phim, tôi nhất định phải kể cho mọi người biết tôi đã trải qua những gì trong quá trình xem “Au revoir les enfants”. Kẻ khơi mào Chiến tranh Thế giới thứ 2 là ai, kẻ quyết tâm giết chết những người Do Thái là ai, kẻ bẩn thỉu và ác độc nhất thời gian ấy là ai, chúng ta đều biết. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng phẫn nộ nếu không được xem bộ phim này bởi tôi được sinh ra khi hòa bình đã lặp lại từ lâu, Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nó và cuộc đời tôi đến giờ mới gặp 3 người Do Thái mà thôi. Tuy nhiên, ngay từ giây phút bộ phim ấy chạm vào tôi, tôi cảm giác như tôi không thể chịu đựng được. Tôi không chắc mình bực bội, căm phẫn, cảm thông hay đơn giản là buồn. Tôi đã xem những bộ phim về chiến tranh của Việt Nam như “Chị Dậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội” hay “Biệt động Sài Gòn” nhưng có gì đó rất khác biệt ở “Au Revoir les enfants”. Có lẽ bởi bộ phim là về tình bạn của những đứa trẻ nên nó buồn hơn…
Thật khó để có thể bộc lộ suy nghĩ của tôi mà không hé lộ nội dung của phim bởi tôi muốn đưa ra những dẫn chứng, những lí do khiến tôi suy nghĩ về “Au revoir les enfants” nhiều đến như vậy.
Có những con người, khi sinh ra tại một thời điểm, họ đã mất mát hơn nửa cuộc đời… Thế giới này đã phát điên tới hai lần, nhưng buồn thay nó lại đang trở nên điên cuồng hơn một lần nữa, những cái chết vô nghĩa vì thế lại cứ tăng theo cấp số nhân. Có bao giờ mọi người thấy buồn khi suy nghĩ đến điều này chưa?