IMDb : 6.3/10
‘Crawl’ - trận chiến sinh tồn giữa dòng nước với đám cá sấu khát máu
Dòng phim cá sấu ăn thịt người tưởng chừng đã trở nên cũ kỹ nay có màn trở lại đầy bất ngờ nhờ “Crawl” của đạo diễn Alexandre Aja.
Bộ phim Crawl bắt đầu khi nhân vật Haley (Kaya Scodelario) đang trên đường về nhà cũ để tìm kiếm người cha Dave (Barry Pepper) bị mất tích trong cơn bão lớn.
Cô gái sớm tìm thấy ông dưới hầm căn nhà, nhưng Dave đã bị trọng thương và thủ phạm gây ra chính là hai con cá sấu khổng lồ.
Lúc này, cơn bão khiến mực nước dâng cao, có khả năng lấp đầy toàn bộ tầng hầm.
Hai cha con Haley và Dave buộc phải tìm mọi cách để vừa chống chọi trước thiên nhiên dữ dội, vừa thoát khỏi bọn cá sấu khát máu đang lẩn khuất đâu đây.
Tình cảnh không lối thoát
Điểm hấp dẫn trước tiên của Crawl là cách đặt nhân vật chính vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan gần như không có lối thoát.
Một bên là những con cá sấu ăn thịt chực chờ với hàm răng khổng lồ, phía còn lại là cơn bão đang hoành hành dữ dội bên ngoài. Sự hiểm nguy từ hai phía giúp tạo nên bầu không khí kịch tính ngay từ sớm cho câu chuyện.
Nửa đầu Crawl diễn ra trong bối cảnh căn hầm chật hẹp, giúp nhiều cảnh jump-scare phát huy hiệu quả. Khán giả giật mình thót tim với những cú đớp bất thình lình của bọn cá sẩu ẩn nấp trong góc tối.
|
Tạo hình ghê rợn của bọn cá sấu và sự tương tác của chúng với các nhân vật khiến khán giả nhiều phen thót tim. |
Chúng khi ở trên cạn khá chậm chạp, nhưng lại tỏ ra cực kỳ nhanh nhẹn lúc dưới nước. Tuy đây là thành quả của kỹ xảo điện ảnh, nhưng đám sinh vật khát máu tỏ ra rất sống động trên màn ảnh và tương tác tốt với các nhân vật.
Crawl sở hữu nhiều góc máy đa dạng, từ góc nhìn của các nhân vật, góc nhìn của bọn cá sấu hay qua những tấm gương phản chiếu. Tất cả giúp tăng sự đáng sợ của những cỗ máy ăn thịt người đầy hung hãn.
Điều khiến yếu tố kinh dị của Crawl được đẩy lên cao nằm ở các cảnh máu me ghê rợn, được dàn trải xuyên suốt. Đơn cử như hình ảnh xương ống quyển bị nứt làm đôi hay cảnh cá sấu bẻ gãy tay nhân vật rất thật. Người xem thậm chí có thể thấy rõ mảnh vỡ của các đốt xương văng ra khỏi tay nạn nhân.
Đặt nặng yếu tố sinh tồn
Trên thực tế, Crawl không quá tập trung khai thác những con cá sấu khát máu. Ngược lại, đạo diễn Alexandre Aja cố gắng biến bộ phim của mình thành tác phẩm mang yếu tố sinh tồn nhiều hơn là kinh dị.
Đây là bước đi khôn ngoan và có phần giống với phim cá mập The Shallows (2016). Ngoài ra, những chi tiết về tình phụ tử giữa Haley với cha mình cũng giúp tạo nên những giây phút lắng đọng đan xen với các trường đoạn rượt đuổi thót tim.
|
Ý chí sinh tồn và tình phụ tử của hai nhân vật chính là điểm sáng lớn cho bộ phim. |
Ý chính sinh tồn mãnh liệt của Haley và Dave được thể hiện qua cuộc đấu trí của hai người với bọn thú ăn thịt, cũng như sự can đảm của nhân vật Haley. Nữ diễn viên Kaya Scodelario đã thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối, nhưng rồi trở nên mạnh mẽ và không hề chùn bước trước nghịch cảnh đầy bế tắc.
Ở trường đoạn cuối cùng khi con đê chứa nước bị vỡ, khán giả càng cảm nhận rõ khả năng diễn xuất của minh tinh The Maze Runner.
Điểm yếu duy nhất của bộ phim nằm ở những tình tiết quá may mắn của hai nhân vật chính và khiến tính thực tế vô tình bị suy giảm. Khi đôi nhân vật thoát khỏi căn hầm, chỉ riêng việc Haley cùng cha có thể đối đầu với cả bầy cá sấu hung hãn xem ra đã là nhiệm vụ bất khả thi.
Nhìn chung, Crawl vẫn là bất ngờ lớn của dòng phim kinh dị năm nay. Đề tài cá sấu tưởng như cũ kỹ nhưng đã đem lại cho khán giả một trải nghiệm xứng đáng, nhất là với những ai yêu thích dòng phim máu me, giật gân.