Họ sẽ chẳng thể đi đến đâu… Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân gặp nhau vì cảnh ngộ, đến với nhau vì chung nỗi niềm, cảm thương nhau vì thấu hiểu nội tâm. Người xem đều sẽ đồng ý rằng họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên nhau, nhưng hai người trong cuộc lại không đủ can đảm bước đến. “Tâm trạng khi yêu” đặc sắc bởi chính những giá trị văn hoá Á Đông ấy.
Nghệ thuật quay phim là một điểm nhấn của “Tâm trạng khi yêu”. Từng cảnh quay trong phim đều duy mỹ, trong bối cảnh của một khu nhà bình dân, chật chội, vẻ đẹp kiêu sa của Tô Lệ Trân trong những tà áo bó sát, mái tóc vấn cao, dáng đi uyển chuyển; hay vẻ nam tính, nét thoáng buồn của Châu Mộ Văn sẽ là những hình ảnh còn đọng lại trong ký ức người xem.
Phim vừa thực vừa ảo, rất đời và lại đẹp như một giấc mơ. Trong đó, cả hai nhân vật chính đều trang nhã từ ngoại hình cho tới cốt cách, mang một chuẩn Đẹp theo phong cách Á Đông.
Từng khuôn hình trong “Tâm trạng khi yêu” đều được thực hiện theo phong cách “khuôn lồng khuôn”, nghĩa là trong mỗi cảnh phim, các nhân vật đều xuất hiện không chỉ trong khuôn hình màn ảnh mà còn trong những khuôn hình linh động của cảnh vật, như bên trong một ô cửa hay bên cạnh một bức tường.
Cách quay này ngầm đưa ra thông điệp rằng trong một xã hội truyền thống, tình yêu và khát vọng lứa đôi đều phải diễn ra thuận theo những tiêu chuẩn của quan niệm xã hội, luôn chịu sự quan sát, đánh giá, nhiều khi đến mức nghẹt thở của những người xung quanh. Tất cả những điều ấy, không khó đoán, rốt cuộc sẽ dẫn tới những niềm đau.
“Tâm trạng khi yêu” - Sức hấp dẫn của tình yêu phong cách Á
Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn chắc chắn đã có “tâm trạng khi yêu”, nhưng họ không ở vào thời điểm và địa điểm phù hợp để có được tình yêu. Trong mỗi lần đối diện, hai người đều dành cho nhau ánh nhìn với đôi mắt mở to chứa đựng đầy sự hấp dẫn, lôi cuốn, như tiếng gọi câm lặng đầy khao khát, chỉ đề rồi ai lại về nhà nấy, tiếp tục chịu cảnh cô độc, buồn bã.
Trong phim, không có một nụ hôn, không có một cảnh nóng, cả hai cùng kiềm chế dù họ yêu nhau da diết. Cả hai đều đồng ý sẽ giữ khoảng cách, sẽ không vượt rào, bởi kỳ thực họ đều không có đủ dũng khí bước đến, đều bị bủa vây bởi những chuẩn mực đạo đức, trong khi đó, thời gian vẫn cứ trôi…
Người xem cảm nhận rất rõ sự bình thản tới mức tưởng như thờ ơ mà Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân dành cho nhau, họ đến với nhau trước hết bằng niềm đau, không còn sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, họ từ tốn, êm đềm ở bên nhau, cũng có khi giận dỗi, nhưng không bao giờ làm to chuyện, tất cả diễn ra quá đỗi êm đềm đến mức lặng lẽ.
Nếu như các phim tìm cảm khác thường để nhân vật bung tỏa cảm xúc, chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, thì chiều sâu của “Tâm trạng khi yêu” lại nằm ở chỗ nội tâm nhân vật bị “bỏ bê” đầy chủ ý.
Kịch bản, dàn dựng và diễn xuất đều chủ động che giấu đi cảm xúc của hai người, khiến người xem cảm thấy một sự bức bối, dồn nén khi cả hai bên đều chỉ đang cố tỏ ra bình thản. Tình yêu giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân đến từ hai phía, nhưng cả hai phía đều không hồi đáp.
Màu sắc sử dụng trong phim cũng mang đầy hàm ý. Mặc dù hai nhân vật luôn tỏ ra bình thản, làm chủ cảm xúc, nội tâm của mình, nhưng từng khuôn hình lại sử dụng những gam màu mạnh, với đỏ, vàng, nâu, bóng tối rất đậm…
Một điều đặc biệt nữa, đạo diễn Vương Gia Vệ luôn để vợ của Châu Mộ Văn và chồng của Tô Lệ Trân “vắng mặt”, ngay cả trong những cảnh phim có sự hiện diện của họ, thì thường chỉ có giọng nói vang lên, hoặc góc quay từ sau lưng, không bao giờ trực diện. Chưa có chuyện phim nào làm về đời sống hôn nhân lại có cách khai thác nhân vật lạ lùng, ý vị như vậy.
Đơn giản bởi chuyện tình giữa hai nhân vật “ẩn diện” này hoàn toàn không có gì đặc biệt để khai thác, trong khi đó, sự lặng lẽ và kiềm chế trong mối tình giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân khiến họ trở nên đẹp hoàn hảo, quá lý tưởng.
Cuộc tình của họ chịu quá nhiều rào cản, đến từ cả yếu tố ngoại cảnh và nội tâm. Trong phim, người xem thấy có quá nhiều sự hiện hữu của những bức tường xuất hiện trong các khuôn hình một cách đầy chủ ý.
Những bức tường chiếm tới 1/3 thậm chí là một nửa khuôn hình. Những bước tường của chiếc cầu thang hẹp, đẩy họ lại gần nhau, nhưng đồng thời những bức tường cũng tạo nên sự bức bối, ngột ngạt, sự ngăn cách không thể nào chống lại nổi. Những bức tường san sát khiến cả hai đều như bị cầm giữ, không có khoảng trống cho những bí mật trong khu nhà đông đúc, chật chội ấy.
Trời thường hay mưa… Đôi khi hai người dừng lại nói chuyện bên vệ đường chờ mưa ngớt. Những người yêu nhau thường không để tâm đến việc họ đang ở đâu, cũng không thấy nhàm chán trước những hành động lặp lại. Đơn giản, đối với họ, đó không phải là sự lặp lại, đó là sự bấu víu, nương tựa, đem lại cho nhau cảm giác bình an.
Khi hai người cùng thấu hiểu một bí mật, cùng kìm nén vì sự ngập ngừng, cùng trò chuyện bâng quơ nhưng mang cùng một tâm trạng, những câu chuyện của họ đã không còn nhàm chán, khi đó, không gian thông thường, thái độ bình thản, những câu nói trống rỗng… đều đã thấm đẫm “tâm trạng khi yêu”.