“Tại sao chúng ta cứ phải vĩnh viễn viết về Thánh thần và Huyền thoại chứ?
Bởi vì nó là thế. Nó vĩnh viễn tiếp diễn”
- Amadeus -
Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục xem những bộ phim huyền thoại chứ?
Bởi vì nó là thế. Huyền thoại vẫn mãi là huyền thoại.
Điều này không thể đúng hơn với Amadeus, bộ phim đã đi vào huyền thoại của dòng phim về tiểu sử thiên tài. Một bộ phim ra đời cách đây đã ba chục năm, lấy cảm hứng từ những tác phẩm ra đời cả trăm năm trước và nói về một huyền thoại đã qua đời ngót nghét đã ba thế kỷ. Vậy mà Amadeus vẫn không ngừng làm ngả nghiêng khán giả của nó không chỉ bởi âm nhạc kinh điển, mà còn nhờ một câu chuyện tiểu sử có đôi phần màu nhiệm và lôi cuốn.
Amadeus, chính là được lấy từ Wolfgang Amadeus Mozart, tên nhà soạn nhạc thiên tài người Áo đã trở thành huyền thoại. Chuyển thể từ vở kịch sân khấu cùng tên của Peter Shaffer, cũng được chính ông này viết kịch bản, đạo diễn bởi Miloš Forman, Amadeus là câu chuyện tiểu sử hư cấu của Mozart. Khắc họa chủ yếu về khoảng thời gian Mozart ở Vienna, bộ phim kể một câu chuyện hấp dẫn mà bi tráng về cuộc đời còn nhiều bí ẩn của nhà soạn nhạc thiên tài.
Nội dung thu hút với nhiều tình tiết bi hài đan xen, cùng phong cách kể chuyện lôi cuốn không bao giờ lỗi thời, bộ phim không chỉ đem tới một câu chuyện huyền thoại có ý nghĩa vượt thời gian, mà còn thấm đẫm âm nhạc tuyệt phẩm của thiên tài Mozart.
Một điểm nhấn trong điểm nhìn chính là sự ảnh hưởng từ nguyên tác vở kịch, khi cả bộ phim phần lớn được kể theo góc nhìn thứ nhất. Đây là cách mào đầu thường thấy của các tác phẩm sân khấu, để tạo lại bối cảnh cho câu chuyện về sau. Người được lựa chọn để kể lại cuộc đời Mozart là Salieri, một nhà soạn nhạc Hoàng gia cùng thời có mối quan hệ đặc biệt với chính Mozart. Mở đầu phim, Salieri lúc này đã già, xuất hiện khi đang cố gắng tự kết liễu cuộc đời mình. Bị ám ảnh vì tự buộc tội gây ra cái chết của Mozart, ông ta bắt đầu kể về Mozart khi được yêu cầu xưng tội trước vị cha xứ.
Trái với lệ thường, cuộc đời Mozart không hiện lên qua sự tôn trọng và kính ngưỡng của bậc hậu thế, mà lại theo cái nhìn đầy ghen ghét đố kị của một nhà soạn nhạc cùng thời. Tính chủ quan, duy ý chí ngược lại khiến cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, dưới cái cách nó xây dựng nên hình tượng Mozart và tạo dựng mối quan hệ Mozart - Salieri.
Qua cái nhìn của Salieri, hình ảnh Mozart hiện lên gần như với hai thái cực đối lập. Một mặt gây ra sự ngưỡng mộ với tài năng âm nhạc thiên phú. Một mặt lại là sự đố kị được xây dựng từ lòng thất vọng với cuộc sống riêng đầy bê bối.
Mozart là một tài năng tột đỉnh trong âm nhạc, điều này chưa một lần Salieri lên tiếng chối cãi. Dù có không cam tâm thế nào, ông ta cũng đều vô cùng thành thật khi nói về âm nhạc. Như một con chiên ngoan đạo, Salieri hướng về nghệ thuật đích thực như hướng về Thiên Chúa tối cao, với những tình cảm yêu thích đầy trong sáng và vô tư. Không ít lần ông thể hiện sự xúc động mạnh mẽ trước một bản nhạc của Mozart với sự ngưỡng mộ không hề giấu giếm.
“Khởi đầu thường đơn giản, gần như là hài hước.
Chỉ một nhịp thôi.
Tiếng kèn bassoon, kèn basset, như một cây accordeon han rỉ.
Và rồi đột nhiên, cao vượt lên trên nó, một tiếng oboe.
Một nốt duy nhất, giữ ở đó, không hề run rẩy.
Cho đến khi, tiếng clarinet giành lấy, làm nó trở nên ngọt ngào trong một khúc nhạc đầy say mê.”
Càng có cơ hội thưởng thức, trái tim sùng đạo của Salieri càng công nhận hình tượng Mozart như một thiên tài của Chúa.
“Cái đó không phải là một bản nhạc của một con khỉ biểu diễn. Nó là thứ âm nhạc tôi chưa bao giờ nghe thấy. Tràn ngập một thứ khao khát, một thứ khao khát không thể lấp đầy.
Giống như thể tôi đã nghe thấy giọng nói của Chúa”
Tài năng viết nhạc của Mozart dường như là thứ màu nhiệm đến khó tin.
“Nhưng chúng không thể hiện bất kì dấu hiệu chỉnh sửa nào. Không một cái nào.
Anh ta chỉ đơn giản là viết ra thứ âm nhạc đã hoàn thiện sẵn trong đâu. Hết trang này đến trang kia giống như thể đang chép chính tả vậy.
Và âm nhạc, hoàn thiện như chẳng bao giờ có âm nhạc được hoàn thiện.
Thay đổi một nốt thôi và nó sẽ tan ra. Thay đổi một đoạn thôi và cấu trúc của nó sẽ sụp đổ”
Ở đây có thể xuất hiện những hư cấu mang tính anh hùng ca về tài năng thần đồng của Mozart, nhưng trong con mắt ngưỡng vọng của Salieri, nó chính là thứ kì diệu ông không bao giờ đạt đến được dù có cố gắng thế nào. Một sự khẳng định mang tính huyền thoại cho thứ tài năng tối thượng.
Để rồi Salieri cũng phải thừa nhận. “Anh ta là thần tượng của tôi”
Mozart trong Amadeus
Tuy không được trực tiếp thừa nhận, nhưng khả năng sáng tạo và tư duy vượt qua cái tầm thường trong âm nhạc của Mozart được đánh bóng rực rỡ ngay cả trong những suy nghĩ đầy tự tôn của Salieri. Không ngừng đưa vào những điều mới lạ, phá vỡ những tiền lệ cũ trong âm nhạc, những tác phẩm của Mozart tuy ban đầu bị ngăn cấm nhưng sau đó vẫn khiến người nghe phải choáng ngợp. Thứ âm nhạc ấy được khẳng định là tuyệt phẩm. Nó làm hài lòng ngay cả những kẻ phản đối, khiến họ vẫn không đừng được mà thưởng thức và say mê nó.
Chính vì tài năng của Mozart là thứ tuyệt đối với Salieri nên kì vọng của ông ta vào con người anh là khá cao. Giả sử Mozart cũng thật đứng đắn và đạo mạo, cũng đầy khí chất như thứ âm nhạc thánh thần của anh, có lẽ Salieri đã không ghen ghét đến vậy. Thế nhưng cuộc đời anh lại là một nỗi đáng thất vọng.
“Đấy là Mozart đó.
Chính là cái sinh vật bẩn thỉu cười khúc khích vừa bò ra trên sàn”
Mozart, dưới cái nhìn của Salieri thậm chí còn chả được coi là người. Salieri đầy khinh khi gọi Mozart là “cái sinh vật kia” (“the creature”) hay “con khỉ biểu diễn” (“performing monkey”). Trước lối sống hết mình và buông thả, cùng với thái độ nhạo báng vô phép vô thiên của anh, Salieri dường như luôn cho rằng Mozart chẳng bao giờ xứng đáng với âm nhạc.
Qua từng thước phim, cuộc sống của Mozart có vẻ diễn ra khá bê tha và đầy lạc thú. Anh ta tiêu tiền mà chẳng thèm bận tâm, đến độ từ giàu có đến mức khánh kiệt và nợ nần chồng chất phải viết nhạc kiếm từng đồng để sống. Cái máu vui chơi của Mozart kéo dài triền miên hết đêm này tới đêm khác, ngay cả khi cuộc sống đã xuống dốc không phanh.
Có thể nói, cái nhìn mang theo khinh bỉ của Salieri với đời tư của Mozart tuy có phần cay nghiệt chủ quan, nhưng lại thẳng thắn phê phán những góc không đẹp trong cuộc đời của bậc thiên tài. Lạnh lùng mà phán xét, những đau khổ cuối đời của Mozart là do những thói xấu và sự buông xuôi cho hoàn cảnh của chính anh.
Thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan hơn thì Mozart được khắc họa như đứa trẻ không bao giờ lớn. Anh vui vẻ hồn nhiên nhiều lúc như hâm như dở. Mozart tràn đầy cái tự tin cao ngạo vào tài năng của mình và cái ham mê bất tận với những cuộc vui. Ở Mozart luôn thể hiện sự tìm tòi đầy hiếu kì trong sáng tạo nghệ thuật. Như một đứa trẻ đầy ham thích với âm nhạc, anh viết nhạc chỉ duy theo sở thích, gần như bất chấp quan điểm nghệ thuật đương thời. Điều này thật sự biến thứ âm nhạc của Mozart trở thành đỉnh cao, nhờ ngập tràn sự tươi sáng và hạnh phúc. Tuy nhiên càng về sau, nó càng nhuốm màu đau khổ. Cuối cùng, kết thúc cuộc đời của một thiên tài âm nhạc như thế cũng thật sự bi thương. Một huyền thoại sau này lay động cả thế giới, cuối cùng lại vùi thây trong một ngôi mộ chôn chung sơ sài và tạm bợ. Cái chết vô danh vẫn mãi chẳng thể nào được tưởng thưởng.
Nói về mối liên hệ đặc biệt giữa Salieri và Mozart, phần lớn là dựa trên sự ghen tị ghê gớm của Salieri. Tất cả xuất phát từ tư tưởng tự nhục, cho rằng chính Mozart đang nhạo báng mình. Salieri tự thấy mất mát khi cho rằng Mozart đã giành lấy người con gái mà mình yêu, Mozart chế nhạo tác phẩm của mình, Mozart chiếm lấy vị trí của mình. Trong khi đó, chính Mozart lại chẳng có biểu hiện gì là cố ý làm thế. Nhưng điều khiến Salieri đố kị Mozart nhất chính là thứ “âm nhạc của Chúa”. Đỉnh cao của âm nhạc lại được trao vào tay một kẻ lông bông điên rồ, trong khi ông nỗ lực cả đời cũng biết rằng không thể đạt tới. Nỗi ghen tức này thậm chí còn khiến Salieri quay sang ghét cả Thiên Chúa, và thậm chí từ bỏ đức tin sâu nặng với cảm giác bị phản bội.
Tuy nhiên, sự ghen ghét khủng khiếp trong tư tưởng lại có biểu hiện khá mờ nhạt và tủn mủn ở hành động. Salieri không thật sự làm phương hại quá nhiều đến chính Mozart, chỉ có những món trả thù thật vặt vãnh và nhỏ nhặt. Lòng đố kị của Salieri xuất phát chính từ sự ngưỡng mộ, nên thay vì cạch mặt Mozart, ông vẫn duy trì một mối quan hệ gần gũi và khăng khít với anh.
Dường như Salieri khó phân biệt rạch ròi giữa một kẻ ngưỡng mộ Mozart và việc coi anh ta là kẻ thù. Điều này giữ Salieri trở thành người thấu hiểu và gần gũi nhất với tư tưởng âm nhạc của chính Mozart. Tới ngay cả giai đoạn cuối đời của Mozart, hành động của Salieri với Mozart cũng nhập nhèm giữa giúp đỡ và trả thù.
“Kế hoạch của ta đơn giản lắm, đến mức nó làm ta phát hoảng.
Đầu tiên, ta phải có bản Cầu Hồn và sau đó, ta phải đạt được cái chết của anh ta.
Ta, đến cuối cùng, sẽ là người cười vào mặt anh ta.
Thứ duy nhất làm ta lo lắng chính là việc thật sự giết chóc.”
Đó là sự gắn kết vừa căm ghét vừa thấu hiểu, giống như giữa Voldemort và Harry Potter vậy. Chỉ có khác bản thân Mozart lại chả may may chú ý đến những đố kị. Anh chỉ đơn thuần tỏa sáng rực rỡ tại vị trí đầy tối cao của một thiên tài, và dùng hết tâm sức để cống hiến cho sự hoàn hảo của âm nhạc.
Chính điều này làm cho Amadeus trở nên thú vị, vì những cảm xúc lên xuống của lòng ghen ẩn chứa cái ngưỡng vọng bao giờ cũng hấp dẫn hơn những tung hô hết lời. Ngay cả khi không quá hứng thú với tiểu sử Mozart, Amadeus cũng mang lại cảm giác hài hước và tươi tỉnh của những chuyện ghen tị vụn vặt đầy hiện đại, đặt trong bối cảnh Châu Âu thế kỉ 18 thật hoa lệ.
Bên cạnh đó, những giá trị về âm nhạc cũng là điểm nhấn quan trọng của Amadeus. Đỉnh cao âm nhạc của Mozart là những trường đoạn opera làm nên nhiều cao trào hùng tráng và tuyệt diệu cho bộ phim. Thậm chí cả khi ta chả thể hiểu được ý nghĩa của chúng, nhưng cảm nhận về âm nhạc vẫn thật choáng ngợp và đầy cuốn hút.
Những vở opera nổi tiếng nhất của Mozart đã xuất hiện trong Amadeus với những giây phút đầy cảm xúc. Chúng ta sẽ bắt gặp lại những trích đoạn nổi tiếng được phục dựng gần như sát nguyên tác nhất. Người xem được truyền cho cái hào hứng trong ý tưởng về màn hòa ca trong “Đám cưới của Figaro” (Le nozze di Figaro), hay bật cười khi nhận ra ý tưởng cho những nốt cao đến rùng mình đầy quen thuộc của đoạn “Queen of the night” vở “Cây sáo thần” (Die Zauberflöte) được xuất phát từ đâu.
Biểu diễn "Queen of the Night" trong Amadeus
Và rồi ở kết thúc, từng nốt nhạc của bản Requiem được hiện hình dần trên trang giấy. Những giai điệu đầy mạnh mẽ và hùng tráng cất lên, giống như cuộc đời của chính Mozart, cũng chẳng giấu được nét thê lương. Khép lại bộ phim là giai điệu cầu hồn đầy tiếc thương cho sự mất mát to lớn của nền âm nhạc thế giới.
Cuộc đời Mozart, được thể hiện dưới một lăng kính hiện đại, trẻ trung và hài hước, đã tạo ra một nguồn cảm hứng thật mạnh mẽ với nhạc cổ điển, đặc biệt là âm nhạc tuyệt diệu của Mozart. Amadeus sẽ mãi là một tượng đài trong những bộ phim vĩ nhân từ trước tới nay vì sự sáng tạo và niềm hứng khởi nó mang lại.