IMDb : 6.0/10
Những vụ máy bay mất tích bí ẩn trên phim
Đã có những “thảm họa” hàng không kinh hoàng được chuyển tải lên màn ảnh dưới những góc độ phản ánh khác nhau.
Amelia (2009)
“Amelia” làm về cuộc đời người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử hàng không Mỹ - Amelia Earhart (24/7/1897 - 2/7/1937). Sinh thời, Amelia là một nữ phi công nổi tiếng. Bà là người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Amelia Earhart đã lập nên nhiều kỷ lục trong lĩnh vực hàng không.
Các tác phẩm của bà viết về kinh nghiệm bay đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhất thời đó. Khi thực hiện chuyến bay vòng quanh trái đất năm 1937, Earhart đã bất ngờ mất tích khi bay qua Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và công sức để tìm kiếm bà nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.
Sự mất tích của Amelia Earhart vẫn còn là câu chuyện bí ẩn gây tranh cãi cho đến tận hôm nay. Cuộc đời, sự nghiệp và sự biến mất không để lại dấu vết của nữ phi công Amelia Earhart đã khiến tên tuổi bà luôn được người ta nhắc đến cho tới tận hôm nay.
Bộ phim tiểu sử “Amelia” đã dựng lại cuộc đời của Amelia Earhart - một trong những biểu tượng vĩ đại và bí ẩn nhất của lịch sử ngành hàng không.
Close Encounters of the Third Kind (1977)
Chiều ngày 5/12/1945, 5 chiếc chiến đấu cơ của Mỹ đang tham gia buổi huấn luyện trên không thì bất ngờ mất tích trên biển. Vụ mất tích này khiến người ta về sau càng thêm đồn đại về Tam giác Bermuda bởi thực tế vị trí 5 chiếc máy bay gặp nạn rất gần với khu vực đặc biệt này.
Sau 1,5 tiếng bay lên bầu trời, các phi công tham gia buổi huấn luyện bắt đầu báo cáo về mặt đất rằng họ bị mất phương hướng, không thể nhận ra mình đang ở đâu. Người làm nhiệm vụ huấn luyện ngày hôm đó vốn là một phi công rất dày dặn kinh nghiệm, tuy vậy, chính anh cũng bị mất phương hướng khi các la bàn đồng loạt hỏng một cách bất ngờ.
Thời tiết càng lúc càng xấu, không thể xác định vị trí, lại không thể tìm được nơi đáp xuống, cuối cùng, tất cả 5 chiếc máy bay đã lao xuống biển khiến cả 14 phi công đều thiệt mạng.
Điều đáng sợ hơn chính là một trong những chiếc máy bay được phái đi tìm kiếm 5 chiếc máy bay gặp nạn cũng biến mất một cách bí ẩn, sau này, người ta tìm thấy những bằng chứng cho thấy có lẽ chiếc máy bay cứu hộ này đã phát nổ ngay trên không trung. Tất cả 13 người có mặt trên máy bay tìm kiếm cứu nạn đều được cho là đã thiệt mạng.
“Close Encounters of the Third Kind” là một bộ phim khoa học giả tưởng do Steven Spielberg biên kịch và đạo diễn. Phim có những trường đoạn nhắc tới đội bay Flight 19 nhưng thay vì cái kết bi thảm, phim đã đưa lại một cái kết tươi sáng, đậm chất “giả tưởng”, đó là đội bay bị lạc ra ngoài không gian vũ trụ và sau đó được những người ngoài hành tinh tìm thấy, giúp đỡ trở về trái đất.
Bộ phim khi đó chỉ mất 20 triệu đô la tiền đầu tư sản xuất nhưng đã đại thắng ngoài phòng vé và thu về 338 triệu đô la, phim được các nhà phê bình khen ngợi và nhận được đề cử tại giải Oscar.
Trailer phim “Close Encounters of the Third Kind”
“Alive” (1993)
Năm 1972, một chiếc máy bay của hãng hàng không Uruguay cất cánh, chở 45 hành khách và phi hành đoàn. Trên chuyến bay còn có một đội bóng bầu dục. Chuyến bay tử thần đó đã đâm vào dãy núi Andes vì thời tiết xấu khiến 12 người thiệt mạng ngay sau khi tai nạn xảy ra.
Trong những ngày sau đó, thêm 6 người chết. Sau một trận lở tuyết xảy ra đúng tại địa điểm máy bay rơi - nơi những người sống sót đang nương náu ở đó, lại thêm 8 người nữa thiệt mạng…
Sau cùng, chỉ còn lại 16 hành khách sống sót, họ sống bằng cách ăn thịt những người đã chết bởi tới tận 72 ngày sau khi máy bay rơi, người ta mới biết thông tin về số phận những nạn nhân còn sống sót.
Thực tế 2 trong số 16 hành khách sống sót đã quyết định chủ động thực hiện một chuyến hành trình dài 10 ngày đi ra khỏi vùng núi Andes, họ đã may mắn gặp được người dân địa phương và được đưa tới gặp chính quyền để người ta cử đội cứu hộ tới giải cứu những người vẫn còn đang mặc kẹt trong núi.
Câu chuyện kinh hoàng và có thật này đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh “Alive” (1993).
Trailer phim “Alive”
Flightplan (2005)
“Flightplan” (2005) không nói về một vụ máy bay mất tích nhưng lấy bối cảnh trên máy bay để khắc họa một câu chuyện ly kỳ, giật gân về một hành khách bị mất tích ngay trên máy bay.
“Flightplan” xoay quanh nữ nhân vật chính Kyle Pratt (do nữ diễn viên Jodie Foster đảm nhiệm), cô là một kỹ sư hàng không người Mỹ làm việc tại Đức. Chồng của Kyle vừa mới qua đời trong một vụ tai nạn, cô quyết định đưa chồng về an táng ở quê nhà - nước Mỹ.
Trên chuyến bay trở về Mỹ, Kyle đem theo cô con gái Julia 6 tuổi. Sau khi chợp mắt trên máy bay, Kyle thức dậy và phát hiện ra cô con gái nhỏ đã biến mất. Cô bắt đầu trở nên hoảng loạn và yêu cầu đội bay tìm con gái cho mình.
Không có hành khách nào trên máy bay nhớ là đã nhìn thấy cô bé Julia, người ta cũng không tìm thấy thông tin nào về sự có mặt của cô bé trên chuyến bay đó, Kyle cũng không tìm thấy bất cứ món đồ hay giấy tờ nào của Julia để có thể chứng minh sự mất tích của con mình là sự thật.
Mọi người bắt đầu nghi ngờ về câu chuyện của Kyle, cho rằng sau cái chết đột ngột của chồng, cô bắt đầu có dấu hiệu tâm thần, mất trí.
Đối mặt với sự nghi ngại và thái độ bất hợp tác của mọi người, Kyle càng trở nên tuyệt vọng và mất kiểm soát, khiến mọi người càng có lý do để tin rằng cô mới chính là mối đe dọa đối với sự an toàn của các hành khách khác trên chuyến bay.
Ngay cả bản thân Kyle cũng không còn tin vào chính mình nữa, cô cho rằng mình có thể đã bị loạn trí giống như mọi người nói thật. Chuyến hành trình về quê hương để chôn cất chồng bỗng trở thành chuyến hành trình ác mộng.