Hoài Linh lấy nước mắt khán giả trong phim 'Dạ cổ hoài lang'
Nghệ sĩ Ưu tú trút bỏ nét hài quen thuộc để lột tả bi kịch nội tâm của ông già Việt ở trời Tây trong phim chuyển thể từ kịch nổi tiếng.
Dạ cổ hoài lang là dự án được nhiều khán giả trông đợi từ khi công bố trailer hồi đầu năm. Ý tưởng chuyển thể được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ấp ủ nhiều năm trước, khi anh xem vở kịch cùng tên trên sân khấu 5B Võ Văn Tần. Phim khởi quay từ cuối năm 2015, quy tụ các tên tuổi gạo cội như Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, Chí Tài, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hoàng cùng dàn diễn viên trẻ như Đình Hiếu, Will, Oanh Kiều...
Giữ lại hầu hết tình tiết trong kịch bản gốc, phim xoáy vào nỗi lòng của nhiều kiều bào đau đáu nỗi nhớ quê, cùng những mâu thuẫn về tư tưởng giữa thế hệ già - trẻ trong gia đình nơi đất khách.
Ông Tư Lành (Hoài Linh) bán ruộng đất, nhà cửa để sang New York, Mỹ sống cùng con cháu. Giữa thành phố hiện đại, ông cùng Năm Triều (Chí Tài) - người bạn từ thuở niên thiếu - tìm về khung cảnh làng quê qua những dòng hồi tưởng. Lòng ông vẫn chôn chặt mối tình dành cho người vợ quá cố. Trong khi đó, cô cháu Tammy (Trish Le) - người sống ở Mỹ từ nhỏ - ngày càng cảm thấy cách biệt, xa lạ với ông nội về lối sống, tâm tính.
Ở dự án này, Hoài Linh là tên tuổi gây chú ý khi đảm nhận vai chính. Nhiều ý kiến cho rằng Nghệ sĩ Ưu tú là danh hài, lại là gương mặt quen thuộc trên truyền hình dễ gây cảm giác bão hòa cho khán giả. Nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết Hoài Linh là lựa chọn đầu tiên của anh cho vai ông Tư bởi nghệ sĩ toát lên vẻ chất phác của một ông già Nam bộ, cộng thêm lợi thế từng trải nghiệm sống ở nước ngoài nhiều năm. Trong phim, nghệ sĩ tiếp tục phát huy nét duyên diễn xuất với nhân vật từng đem lại cho anh giải Mai vàng năm 2009 ở hạng mục dành cho diễn viên kịch nói.
Chất hài sân khấu được Hoài Linh áp dụng và điều tiết để đưa vào điện ảnh.
Anh thể hiện một lối diễn tưng tửng pha chút lém lỉnh trong cảnh Tư Lành diễn giải chữ nghĩa với người cháu gái và bạn trai cô, hay cách ông pha trò cùng Năm Triều. Kết hợp với người bạn diễn lâu năm, Hoài Linh phát huy khả năng diễn hài thoại. Những câu đối đáp được cài cắm hợp lý trong các phân cảnh, giúp nửa đầu phim vơi bớt cảm giác nặng nề, sướt mướt.
Khả năng nhập vai của Hoài Linh trong những cảnh giàu chất nội tâm tạo nên điểm nhấn cho phim. Trước khi phim công chiếu, nhiều người đặt dấu hỏi về cách danh hài thường áp dụng lối diễn đậm tính kịch, từ đó khiến vai diễn cường điệu, lên gân. Ở phim mới, những cảnh bi được Nghệ sĩ Ưu tú thể hiện tinh tế. Khán giả dễ xao lòng khi thấy khuôn mặt ông Tư quặn lại vì cô cháu gái đòi gọi cảnh sát bắt mình, hay cách nhân vật dáo dác chạy theo xe buýt sau khi trốn khỏi viện dưỡng lão.
Ở những phân cảnh hồi tưởng về quá khứ, người xem thấy được một ông Tư phảng phất nỗi buồn ly hương. Đặc biệt, cảnh nhân vật chính thể hiện nhạc phẩm chủ đề - Dạ cổ hoài lang - tạo cao trào cảm xúc. Không ít khán giả rơi nước mắt với giọng hát nghẹn ngào cùng ánh mắt rưng rưng của Hoài Linh khi lột tả khoảnh khắc Tư Lành nhớ về giây phút người vợ qua đời.
Diễn cạnh Hoài Linh, Chí Tài không làm nên đối trọng về mặt cảm xúc trong những cảnh tâm lý nặng. Ở cảnh bi cuối phim, nhân vật Năm Triều chưa lột tả được cảm giác thảng thốt và đau đớn. Lối diễn của anh cũng không khiến người xem hình dung thật rõ về mối quan hệ khăng khít giữa Tư Lành và Năm Triều. Họ không chỉ là bạn bè, tình địch, mà còn là hai ông già lạc lõng trên đất Mỹ, sống nương tựa vào nhau bằng dòng hồi ức lấp lánh về quê hương.
Điểm khác biệt của phiên bản điện ảnh so với vở kịch gốc là những phân cảnh quá khứ, được thể hiện bởi bộ ba diễn viên Đình Hiếu, Will, Oanh Kiều. Chuyện tình tay ba lồng vào khung cảnh miệt vườn: ao làng, đám rước dâu trên ghe, gánh hát cổ... Đan xen giữa hiện tại - quá khứ là sự đối lập của màu trắng từ tuyết lạnh và sắc xanh của cỏ lá, bầu trời làng quê.
Xuyên suốt phim, thủ pháp điện ảnh của đạo diễn còn mờ nhạt. Lối kể chuyện của phim chủ yếu vận dùng từ kịch bản sân khấu sẵn có, theo lời kể của nhân vật chính. Thử nghiệm hiếm hoi của đạo diễn là sự gợi mở hình dung về không gian với các cú flycam toàn cảnh tuyết trắng xóa hay ruộng lúa mênh mông. Âm nhạc qua bàn tay của Đức Trí góp phần khiến bộ phim mang âm hưởng man mác buồn và phần nào tạo được dư âm.