‘Những Kẻ Khát Tình’: Phụ Nữ Đẹp Và Đáng Sợ Nhất Đều Là Khi Yêu
Từng giúp Sofia Coppola thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes năm nay, “The Beguiled” mang đến câu chuyện gay cấn, đậm tính dục vọng giữa bối cảnh thời nội chiến nước Mỹ.
Lần đầu ra mắt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 hồi tháng 5, The Beguiled của Sofia Coppola cùng dàn sao hút hồn bao gồm Nicole Kidman, Kirsten Dunst và Elle Fanning trở thành tâm điểm khi mang đề tài chiến tranh, nhưng được kể thông qua góc nhìn của người phụ nữ.
Câu chuyện về góc khuất nước Mỹ thời kỳ nội chiến từng được khán giả biết đến vào năm 1971 qua tác phẩm cùng tên do đạo diễn Don Siegel thực hiện. Khi ấy, câu chuyện kể xuôi về một anh lính phương Bắc, vô tình lạc đến ngôi trường nữ sinh của kẻ thù ở miền Nam. Sau nhiều chèn ép, cám dỗ đến từ giáo viên tới nữ sinh, anh nhận lấy kết cục bất hạnh.
Cũng là nội dung ấy, hậu duệ của “ông trùm” Francis Ford Coppla đã kể lại câu chuyện theo điểm nhìn mới. Những nạn nhân của chiến tranh được tái hiện sống động trong một tác phẩm đầy ẩn ức, kịch tính, lấy góc nhìn từ phái đẹp.
Cuối cùng, The Beguiled giúp Sofia Coppola trở thành người phụ nữ thứ hai giành giải Đạo diễn xuất sắc trong lịch sử Liên hoan phim Cannes.
The Beguiled được làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1971 và mới giúp Sofia Coppola được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes 2017.
The Beguiled lấy bối cảnh miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến, khi tiếng súng văng vẳng ngoài bìa rừng âm u. Trong lần đi hái nấm, một nữ sinh của trường tư thục (Oona Laurence) bắt gặp một người lính phương Bắc (Colin Farrell) bị thương nằm lại giữa rừng.
Sau một hồi đắn đo, cân nhắc, cô bé quyết định đưa gã đàn ông thuộc phe kẻ thù về trường để cứu chữa vết thương. Ít ai ngờ rằng hành động đã mở đầu cho hàng loạt rắc rối, phiền toái tại ngôi trường hẻo lánh, nằm cô lập bên lề cuộc chiến đẫm máu.
Dấu ấn nghệ thuật của Sofia Coppola
Một điểm nhấn nổi bật, góp phần khẳng định tài năng của nữ đạo diễn Sofia Coppola là việc tạo dựng thành công bầu không khí vừa u ám, vừa nên thơ của vùng quê miền Nam nước Mỹ giữa thời buổi chiến tranh.
Bao quanh ngôi trường tư thục hẻo lánh vẫn là những đám lính đi tuần, là tiếng súng giữa buổi trưa yên tĩnh. Nhưng đằng sau hàng rào sắt, cuộc sống yên bình của nhóm nữ sinh và cô hiệu trưởng vẫn diễn ra đều đặn: họ thêu thùa, đọc sách, chơi đàn, hái nấm, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn…
Nữ đạo diễn Sofia Coppola rất thành công trong việc tạo ra bầu không khí u ám, căng thẳng trong ngôi trường nữ sinh nơi viên hạ sĩ của quân đội miền Bắc bất đắc dĩ phải trú ngụ.
Sự đối lập giữa những mảng màu tối, u uất từ sâu thẳm rừng xanh và những mảng màu sáng ấm, rực rỡ của bầu trời trong ánh mắt đám thiếu nữ mới lớn đầy đam mê đã tạo nên chỉnh thể cân đối. Chiến tranh có thể rất khốc liệt ngoài kia, nhưng đó là câu chuyện của đàn ông. Còn phía sau cánh cổng sắt, cuộc sống của người phụ nữ vẫn đều đặn trôi đi.
Giữa bối cảnh ấy, sự xuất hiện của một hạ sĩ phương Bắc bị thương đã làm khuấy đảo cuộc sống thường nhật của những cô gái vốn quen với sự êm đềm, đài các. Người lính đến không chỉ mang theo khuôn mặt sợ hãi, kinh hoàng của chiến tranh, mà còn đem tới làn gió mới, hơi thở mới, đầy thôi thúc, vẫy gọi.
Bản thân mỗi cô gái vốn chỉ sống trong sự bình yên và đám sách vở nhàm chán không thể lập tức định nghĩa hàng loạt cảm giác lần đầu mình cảm thấy trong đời.
Một đôi chân dập nát vì bom đạn, một cơ thể vạm vỡ sau lớp áo lính tả tơi, làn da rắn rỏi rám nắng và ám mùi khói bụi, tất cả đánh thức mọi giác quan của những người phụ nữ vốn thiếu thốn tình cảm và khát khao ham muốn. Từ đó, một trận chiến khác nổ ra: cuộc tranh giành nhằm chiếm đoạt người đàn ông duy nhất trong tầm nhìn hạn hẹp của bản thân.
Sự xuất hiện của chàng hạ sĩ John McBurney (Colin Farrell) đã tạo ra một cuộc chiến mới, không tiếng súng nhưng dữ dội không kém giữa những người phụ nữ.
Sofia Coppola bằng bản năng giới tính mạnh mẽ đã diễn tả đầy kịch tính cuộc chiến ấy. Những tiểu thư đài các, đoan trang vốn là chị em, thầy trò thân thiết. Nhưng chỉ trong phút chốc, họ trở thành kẻ thù không đội trời chung, “xù lông xù cánh” để chiếm lấy “con mồi”.
Trên phương diện nào đó, cuộc cứu vớt chàng lính đã tha hoá thành âm mưu cá nhân, vụ lợi. Nhưng ở một góc độ khác, sự xuất hiện của gã đàn ông lạ mặt giúp đánh thức bản năng tự do và hoang dại của nhóm người vốn bị chế độ phong toả, kìm kẹp sau tầng tầng lớp lớp áo váy cầu kỳ, kiểu cách.
Những người phụ nữ ấy không chỉ quyến rũ khi bới tóc, cài trâm, mặc váy thắt eo, tô son đỏ thắm. Họ đẹp nhất khi đam mê, run rẩy, khi đôi mắt choáng ngợp tình yêu và bầu ngực phập phồng khao khát được yêu.
Từ khía cạnh đó, The Beguiled của Sofia Coppola giống như tác phẩm đề cao và tôn vinh phái đẹp, bất kể họ là trung tâm hay ngoài lề của chiến tranh, bất kể họ là nạn nhân hay kẻ ám hại.
Những nàng thơ quyến rũ
Tham gia bộ phim The Beguiled là những gương mặt quen thuộc: Nicole Kidman trong vai cô hiệu trưởng Martha thông minh, bản lĩnh; Kirsten Dunst trong vai Edwina đằm thắm, dịu dàng, nhưng đầy ẩn ức; còn Elle Fanning với nét đẹp trẻ trung, tươi mới là cô nữ sinh trẻ tuổi Alicia, mang trong mình đầy dục vọng bản năng.
Những nàng thơ của Sofia Coppola lẽ ra phải đem tới một câu chuyện kịch tính hơn nữa trong The Beguiled.
Cách làm phim tiết chế, chú trọng lột tả thần thái thay vì tình tiết câu chuyện vốn là phong cách đặc trưng của Sofia Coppola kể từ Lost in Translation, The Virgin Suicides…
Song, với một câu chuyện đậm chất kịch tính như The Beguiled, khán giả có quyền mong chờ nhiều hơn về “cuộc chiến” căng thẳng, kịch tính cả bên trong lẫn bên ngoài cánh cổng trường nữ sinh tư thục.
Nút thắt cuối phim được giải quyết tương đối dễ dàng, khiến nhân vật người lính trở nên mờ nhạt. Lẽ ra chàng hạ sĩ John McBurney phải đóng vai trò quan trọng hơn, khi vừa là gương mặt của chiến tranh, đại diện của kẻ thù, vừa là niềm ước ao, thiếu thốn của phái đẹp.
Dù sao, về tổng thể, Sofia Coppola đã ghi điểm đầy thuyết phục với tác phẩm được làm lại từ một góc nhìn khác, đậm tính nữ về chiến tranh và số phận của những con người nhỏ bé trong lịch sử tàn khốc.
Đó là câu chuyện về cuộc chiến trong sâu thẳm mỗi con người, đặc biệt là những người phụ nữ, giữa bản năng hoang dại và lý trí kiên cường, giữa khao khát tự do và chuẩn mực xã hội, giữa lòng ích kỷ và vị tha, giữa tình yêu và lẽ sống.
Sofia Coppola cùng những nàng thơ của mình đã mang đến một gương mặt khác của chiến tranh theo cách đó, để chứng minh rằng, phụ nữ đẹp nhất là khi yêu, và cũng đáng sợ nhất cũng là khi yêu.