IMDb : 6.2/10
Personal Shopper: Thông Điệp Bí Ẩn Từ Thế Giới Bên Kia
Sau sự thành công với vai diễn phụ trong Cloud of Sils Maria, Personal Shopper (tựa Việt: Trợ Lí Thời Trang) là sự kết hợp hoàn hảo thứ hai của đạo diễn Oliver Assayas và cô tiểu thư của Twilight - Kristen Stewart. Bộ phim còn mang về cho Assayas giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes
Mang dáng vẻ của một bộ phim “chống lại việc phân loại”, Personal Shopper xóa nhòa đi những ranh giới giữa các thể loại phim. Cả bộ phim, Olivier đã tạo lên một Maureen "đa sắc thái" luôn chuyển động một mình, lạc lõng ở thế giới con người, nhưng luôn sợ hãi, tò mò về thế giới “bên trên” của những linh hồn. Một phép dựng song song chỉ về một nhân vật, một tuyến tính, điều song song chính là dạng sống mà cô tiếp xúc, là người hay là ma?
Nói về một bộ phim đã kinh qua liên hoan phim danh tiếng Cannes, sẽ có rất nhiều góc độ chuyên môn để “mổ xẻ”, nhưng trong bài viết sẽ tập trung vào việc phân tích về thế giới mà Olivier đã miêu tả trong phim.
“Câu chuyện là những vấn đề xoay quanh nhân vật, còn chủ đề là vấn đề của thế giới họ sống”
Vấn đề của những con người
Điều đầu tiên để nói về con người trong Personal Shopper về cách khai thác và xây dựng các nhân vật rất riêng rẽ và cô độc. Dễ để người xem nhận ra được sự cô lập về không gian của Maureen - cô trợ lý thời trang kiêm nhà ngoại cảm. Mọi cố gắng về những tương tác thực tế của cô đều bị khước từ dù đó là bạn trai, sếp, hay cả hồn ma của người anh của cô,… Song song với đó, những nhân vật phụ trong phim luôn xuất hiện với dáng vẻ tiều tụy và căng thẳng, họ mang theo mình những nỗi lo vô hình của một tương lai vô định.
Bối cảnh của Personal Shopper là ở thời hiện đại, cũng là lúc xã hội đã quá quen với những thể thức liên lạc công nghệ cao, và trong phim những hình ảnh này cũng được khai thác triệt để. Phần lớn thời lượng phim là những dòng tin nhắn Imess trao đổi qua lại giữa Maureen và một người vô danh kì bí. Trong khi đó, Maureen dường như vô vọng trong việc tiếp xúc với những người khác, thông thường thì họ chỉ liên lạc với cô qua những mẩu tin nhắn, gọi điện hay video call. Hiếm khi người xem bắt gặp Maureen tương tác quá nhiều với người thật trong thế giới của cô, chỉ trừ người chị dâu “hụt” luôn ở bên cô để san sẻ nỗi đau từ cái chết của người anh.
Vấn đề của những bóng ma
Yếu tố về ngoại cảm của Maureen chính là điều tạo nên không khí “horror” của phim, nhưng không thực sự tập trung để lột tả sự kinh sợ, Personal Shopper có vẻ chú ý hơn đến việc xây dựng về dấu hiệu liên lạc của những linh hồn mơ hồ này. Vì lời hứa với người anh song sinh quá cố, Maureen cố gắng liên lạc với linh hồn của anh, nhưng cô chỉ nhận được những dấu hiệu nhạt nhòa và cũng chẳng định rõ được liệu đó có phải anh mình không?
Phim có đề cập đến một thể thức để liên lạc với linh hồn (qua đoạn phim về Victor Hugo) như một dạng ngôn ngữ được mã hóa. Maureen, với năng lực của một nhà ngoại cảm, vẫn hồi hộp mỗi khi bắt gặp những dấu hiệu đó của những bóng ma. Điều thôi thúc người xem cũng như Maureen đi tiếp như là tìm kiếm sự xác nhận đó là Lewis, người anh quá cố của cô. Nhưng dường như tất cả cô tìm thấy chỉ là sự mô hồ về nỗi cô đơn của những linh hồn này.
Lời kết
Khi nhìn nhận vào hệ thống nhân vật của Personal Shopper, dễ nhận thấy có một sự tương đồng giữa người vô danh quấy rầy Maureen qua tin nhắn, và linh hồn thường hay đùa giỡn với cô bằng những dấu hiệu. Không kết luận hai nhân vật này có phải là một không, nhưng nó dẫn người xem đến một cái tứ mới, một câu hỏi cho sự tồn tại của con người trong thế giới hiện đại khi họ như những bóng ma, vật vờ, chán nản với sự sống cố gắng liên lạc bằng những thông tin đã mã hóa.
Olivier Assayas đã rất thành công trong việc liên kết những cảnh quay để tạo lên một không khí đứt gãy của xã hội, nơi con người đã quá xa rời nhau. Trong suốt 105 phút phim, người xem được trải nghiệm cùng Maureen trong nỗi cô đơn nhân đôi khi có thể liên hệ với cả hai thế giới.