IMDb : 6.0/10
'Wonder Woman 1984' khắc họa một nước Mỹ chia rẽ, kiệt quệ vì lòng tham
Bộ phim mới nhất của nữ thần chiến binh nhà DC mang đến năng lượng tích cực giữa thời khắc tăm tối của nhân loại.
Chuyện phim diễn ra vào năm 1984, 66 năm sau sự kiện Thế chiến thứ nhất trong phần đầu tiên. Lúc này, Diana (Gal Gadot) đã là một phụ nữ hiện đại, thành đạt, hằng ngày bí mật giúp đỡ mọi người trong vai trò
Wonder Woman. Nhờ một phép màu đặc biệt, nữ thần chiến binh có dịp tái ngộ chàng phi công Steve Trevor (Chris Pine) tưởng chừng đã qua đời trong tai nạn máy bay. Giờ đây cả hai phải cùng đương đầu với kẻ thù mới là Maxwell Lord (Pedro Pascal) và Barbara Minerva (Kristen Wiig).
Trong lúc những phim anh hùng đua nhau khai thác mảng hài hước và nội dung dán nhãn R, đạo diễn Patty Jenkins vẫn trung thành với lối kể chuyện truyền thống: tập trung vào quá trình trưởng thành của nhân vật, đề cao tình yêu, niềm hi vọng và truyền tải thông điệp giàu tính nhân văn. Nội dung Wonder Woman 1984 không mới nhưng kịch bản được xây dựng tới nơi tới chốn nên tạo cảm giác tròn trịa, vừa vặn. Thời lượng phim dài đến 2 tiếng rưỡi mà vẫn đủ khả năng giữ chân khán giả đến những phút cuối cùng nhờ đạo diễn biết cách duy trì tiết tấu và phát triển xung đột một cách từ tốn, bài bản.
Wonder Woman 1984 có hàng loạt dẫn chứng lịch sử minh họa cho lòng tham không đáy của con người như giấc mơ đổi đời kiểu Mỹ, cơn sốt “vàng đen”, cuộc chạy đua hạt nhân, từ đó bộ phim chỉ ra mối liên hệ giữa nước Mỹ trong quá khứ và hiện tại
|
Định hướng của Patty Jenkins cho bộ phim rất rõ ràng. Dùng một câu chuyện theo mô típ “giải cứu
thế giới” rất kinh điển, bà lồng ghép những câu thoại, phân cảnh thể hiện sự sáng tạo riêng và bộc lộ quan điểm về thời cuộc, nữ quyền, ví dụ cảnh Barbara Minerva bị quấy rối khi đi làm về đêm khuya chắc chắn là một cảnh mà các khán giả nữ có thể đồng cảm.
Dù câu chuyện lấy bối cảnh năm 1984 nhưng phim vẫn rất
thời sự nhờ những chi tiết gợi liên tưởng đến tình hình xã hội hiện tại. Giống như phần 1 trước đó, Patty Jenkins lần nữa đặt
Wonder Woman vào tâm điểm của những hỗn loạn lịch sử, cụ thể ở đây là Chiến tranh lạnh, khi căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô đang leo thang khiến thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng vì lo sợ cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ nổ ra. Qua đó, người xem có dịp nhìn lại thời đại mình đang sống: Liệu thời đại của chúng ta tốt đẹp hay tồi tệ hơn cột mốc 1984 kia? Hành động của mỗi người tác động thế nào đến thế giới?... là những câu hỏi mà khán giả phải tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình. Và hành trình trưởng thành của nữ thần chiến binh chính là hành trình hàn gắn, chữa lành những đau thương, mất mát của nhân loại.
Những khoảnh khắc đẹp đẽ của cặp đôi Diana - Steve giúp bộ phim nhẹ nhàng hơn
|
Mối tình đầy vấn vương, tiếc nuối giữa Diana và Steve là chất xúc tác xuyên suốt hành trình đó. Nhờ chuyện tình của họ mà khán giả được chứng kiến một Wonder Woman “người” hơn, cũng biết đau buồn, ích kỷ, khổ sở vì yêu chứ không phải một nữ thần bất khả chiến bại. Có thể nói đạo diễn và biên kịch đã rất khéo đưa chàng phi công năm nào “hồi sinh” trở lại nhưng vẫn đảm bảo cốt truyện không quá vô lý. Nếu trong phần trước, Steve là người dẫn dắt một Diana ngây thơ bước vào xã hội loài người thì bây giờ có sự đảo chiều thú vị, chính Diana lại là người giới thiệu Steve đến với thế giới tương lai.
Kịch bản phim dung hòa khéo léo giữa yếu tố giải trí và tính thời sự
Diễn xuất của Gal Gadot cũng thăng hạng đáng kể nhờ những cảnh bộc lộ cảm lộ cảm xúc bằng mắt. Tiêu biểu là khi Barbara Minerva hỏi Diana phải đánh đổi điều gì để sở hữu sức mạnh vô song, nàng không nói một lời mà chỉ đáp lại bằng đôi mắt long lanh ngập tràn nỗi buồn.
Và loạt phim
Wonder Woman sẽ trống vắng lắm nếu thiếu
Chris Pine. Rõ ràng Gal Gadot không phải kiểu diễn viên có thể độc diễn chiếm trọn màn ảnh nên vẫn cần tài tử sinh năm 1980 sát cánh bên cạnh. Nét diễn duyên dáng của Chris Pine khiến bộ phim bớt nặng nề hơn rất nhiều. Anh cũng giỏi xoay sở trong những cảnh Wonder Woman ra chiến đấu còn mình lùi lại làm hậu phương để bạn gái tỏa sáng. Mối quan hệ giữa họ được thể hiện một cách tuyệt vời không chỉ qua các phân cảnh yêu đương, mà còn qua những lúc Steve đỡ Diana đang bị thương đi khắp thành phố hoang tàn, hỗn loạn vì xung đột hoặc khi anh thuyết phục Diana hành động theo lẽ phải.
Nam diễn viên Pedro Pascal tự nhận xét nhân vật mình giống Gordon Gekko trong phim Wall Street (1987)
|
Bất ngờ hơn cả là vai phản diện của Pedro Pascal không dựa trên nguyên mẫu truyện tranh DC như người hâm mộ từng đồn đoán, mà là sáng tạo riêng trong kịch bản. Gã doanh nhân xảo quyệt Maxwell Lord vốn là một ngôi sao truyền hình
giải trí, luôn thốt ra những phát ngôn đầy chất châm biếm về cách làm giàu nhanh chóng, thành công trong tầm tay - cũng là một phần trong văn hóa Mỹ thập niên 1980, khi truyền thông khiến con người thời đó tin rằng mọi thứ trên đời chỉ cần “muốn là được”. Đồng hành cùng Maxwell, vai nhà đá quý học Barbara Minerva có ít đất diễn hơn nhưng vẫn được Kristen Wiig thể hiện tròn trịa.
Kristen Wiig trong tạo hình Barbara Minerva
|
Dù vậy, cốt truyện Wonder Woman 1984 quá tham vọng nên không tránh khỏi những hạt sạn trong cách triển khai. Hạt sạn lớn nhất là hàng loạt chi tiết phô và giáo điều, như cách Wonder Woman cảm hóa tên ác nhân chỉ bằng lời nói khiến khán giả khó lòng thấy thuyết phục. Và tại sao lúc nào cũng có vài đứa trẻ xuất hiện vào thời khắc quan trọng để Wonder Woman phải xông ra giải cứu? Các nhân vật trẻ em được đưa vào phim một cách hết sức khiên cưỡng, đôi khi chỉ để tô điểm cho bản tính hướng thiện, lòng tốt của nhân vật chính.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển tâm lý của phe phản diện có hơi chóng vánh, chẳng hạn sự chuyển biến tâm lý của Barbara Minerva từ một phụ nữ bình thường trở thành Cheetah hay quá trình hồi tâm chuyển ý của gã Maxwell Lord chỉ diễn ra trong tích tắc.
Điểm trừ của phim là những pha hành động tua chậm bị nhận xét là 'sến'
|
Cảnh hành động đôi khi vẫn còn gượng gạo do lạm dụng hiệu ứng slow motion quá đà như phần đầu. Thế nhưng điểm sáng là những trường đoạn chiến đấu khắc họa được thể lực và sự lăn xả của Wonder Woman, thay vì những cảnh đánh nhau phô diễn hình thể như thường thấy trong phim hành động có vai chính là nữ.
Sau khi xem phim, ta có thể hiểu tại sao Warner Bros. quyết định đưa Wonder Woman 1984 ra rạp vào thời điểm cuối năm thay vì dời sang 2021. Tất cả quy tụ trong yếu tố: đúng lúc, đúng thời điểm. Vì những cảm xúc, sự kiện đề cập trong phim sẽ trở nên lỗi thời, mất đi sức hấp dẫn và tính thời sự nếu được chiếu vào năm sau. Với thông điệp tươi sáng, lạc quan, Wonder Woman 1984 là bộ phim lý tưởng để khép lại 2020, như một liều thuốc vực dậy tinh thần người dân trên khắp thế giới sau một năm đầy những mất mát.