Khi tìm ý tưởng làm phim, tôi nghĩ đến những điều buồn bã, vì nỗi buồn chứa kịch tính. Nhưng đời tôi chẳng có chuyện gì quá buồn. 'Con mất cha đấy', mẹ tôi nói. 'Nhưng con không nhớ ông ấy nên chả buồn gì cả', tôi đáp. 'Thế mới buồn con ạ', mẹ nói".
Đạo diễn Dan Scanlon của Onward (Truy tìm phép thuật) nói với Vanity Fair.
Mất cha khi 1 tuổi, Dan Scanlon không có ký ức về tình phụ tử. Đó là lỗ hổng vĩnh viễn suốt thời thơ ấu của ông. Cho đến một ngày, ông nghe được cuốn băng hiếm hoi thu lại giọng nói của người cha. Cha chỉ nói "chào" và "tạm biệt", chẳng có gì nhiều nhặn.
Nhưng với đạo diễn Scanlon, hai từ của cha còn hơn là không có một ký ức nào. Kỷ niệm nhỏ nhoi đó giúp đạo diễn lên ý tưởng cho Onward, và được truyền tải vào phim trong một phân cảnh xúc động.
Cảnh nhân vật chính Ian nghe đoạn băng giọng nói của cha, từ đó khao khát tìm lại hình hài cha - Ảnh: PIXAR
Ước mơ về người cha không bao giờ gặp
Tạo hình người cha trong Onward, được cậu con trai Ian (Tom Holland lồng tiếng) hồi sinh nhờ phép thuật, lại thiếu mất phần thân trên. Không mặt, không tay, chỉ có cặp chân và đôi giày thân thuộc, nhưng "người cha phiên bản không hình hài" này vẫn có ý thức và ký ức.
Tạo hình này có thể kỳ dị trong mắt nhiều người, là yếu tố gây tranh cãi của Onward (liệu trẻ con có thấy đáng sợ?), nhưng ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Mỗi đứa con mất cha như Ian đều có một lỗ hổng ký ức như vậy, hình hài người cha trong họ sao có thể toàn vẹn. Ian lắng nghe cách người lớn kể về cha cậu, để góp nhặt nên những mảnh hình hài của cha.
Người cha không hình hài nhưng tâm trí vẫn vẹn nguyên trong Onward - Ảnh: PIXAR
Nhân vật trung tâm của Onward là Ian - cậu học trò 16 tuổi rụt rè, sống nội tâm và tự ti. Còn Barley (Chris Pratt lồng tiếng) - anh trai cậu - có tính cách đối lập: sôi nổi, quậy phá, quyết liệt. Điểm chung của cả hai là sống rất tình cảm và yêu thương mẹ.
Đến ngày sinh nhật thứ 16 của Ian, người mẹ Laurel (Julia Louis-Dreyfus) tiết lộ món quà do người cha để lại cho hai anh em trước lúc qua đời. Đó là cây quyền trượng phép thuật gia truyền.
Gia đình Ian và Barley vốn là dòng dõi yêu tinh, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, loài yêu tinh đã rời xa gốc gác và sống như người bình thường. Điều người cha mong muốn là hai người con có thể dùng cây quyền trượng để đưa ông trở về trong vòng một ngày, cũng như giúp hai con trở về với nguồn cội của mình.
Ian và Barley nhận món quà đặc biệt từ cha, cũng là cây quyền trượng đưa hai anh em về với nguồn cội của loài yêu tinh - Ảnh: PIXAR
Onward là ước mơ của Dan Scanlon về một cuộc hội ngộ ông không bao giờ có. Chỉ trong thế giới tưởng tượng, đứa con mồ côi mới có thể gặp lại cha. Đầy mơ mộng, nhưng phim vẫn đặt giới hạn thực tế khi Ian chỉ đưa cha về để nói lời từ biệt, chứ không phải giúp người chết sống lại, làm đảo lộn quy luật sinh tử.
Vẫn xúc động, nhưng đẳng cấp Pixar đã phai nhạt?
Hành trình của Ian và Barley trên chiếc xe cà tàng Guinevere để tìm đến xứ sở phép thuật - nơi Ian có thể làm phép hồi sinh người cha trong một ngày, là một hành trình đẹp. Nhưng cuộc phiêu lưu này đi vào lối mòn: cả hai liên tục vấp ngã, rút ra bài học, rồi vấp ngã, rồi bất hòa, rồi lại nhận ra giá trị của tình thân.
Theo New York Times, đó là những "bài học máy móc". Tốt, nhưng rập khuôn và không đạt đẳng cấp Pixar. Không có những triết lý thực sự cao cả hay hình tượng gây choáng ngợp. Thật đáng buồn khi phải nói vậy về một bộ phim dễ mến như Onward, nhưng khi đến cả Pixar cũng đi vào lối mòn, ta biết đó là vấn đề nghiêm trọng.
Cặp anh em Ian và Barley rất dễ thương, nhưng điều đó là chưa đủ với một phim của Pixar - Ảnh: PIXAR
Theo giới phê bình, Onward là một phim tốt nhưng khá nhạt nhòa so với các tác phẩm nổi tiếng của hãng hoạt hình chuyên đoạt Oscar. Thời đỉnh cao, Toy Story, Finding Nemo, WALL-E, Up, Inside out, Coco... của Pixar từng là chuẩn mực phim hoạt hình ở cả tạo hình, đồ họa, câu chuyện, nhân vật, tính triết lý và tính nhân văn.
Chuẩn mực Pixar giúp hãng xếp chiếu trên trong giới hoạt hình. Phim Pixar nổi tiếng "lấy nước mắt khán giả", nhưng theo cách rất sâu sắc và có chiều sâu văn hóa.
Gần đây, Coco là một ví dụ điển hình khi xưởng phim này đã cất công tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa tâm linh và âm nhạc truyền thống của người Mexico. Coco ra đời đúng lúc nạn phân biệt chủng tộc với người Mexico đang diễn ra nặng nề trên đất Mỹ, nên ngoài giá trị nghệ thuât, phim còn có giá trị xã hội.
Những lần bất hòa giữa hai anh em là chi tiết tốt để phim khai thác sâu thêm về giá trị của tình thân - Ảnh: PIXAR
"Onward có thể kém so với các tác phẩm kinh điển của Pixar, nhưngphim sử dụng hiệu quả công thức của xưởng phim này. Nếu xét riêng, Onward là cuộc phiêu lưu hoạt hình vui nhộn, ấm áp và rực rỡ" là ý kiến phê bình được nhiều đồng thuận trên Rotten Tomatoes.
Các hình ảnh trong Onward:
Ian nhận ra năng lực sử dụng cây quyền trượng phép thuật, một món quà của loài yêu tinh - Ảnh: PIXAR
Người mẹ Laurel lo lắng khi các con dấn thân vào nguy hiểm - Ảnh: PIXAR
Ian và Barley tìm đến quán rượu Nhân Sư, nơi có tấm bản đồ tìm đến miền đất phép thuật - Ảnh: PIXAR
Một phân cảnh khi ba bố con tìm được sự đồng điệu về tâm hồn - Ảnh: PIXAR
Nữ cảnh sát Specter (Lena Waithe lồng tiếng), sinh vật một mắt đồng tính trong Onward - Ảnh: PIXAR
Hành trình của ba bố con Ian gây nhiều xúc động, để lại ấn tượng về tình anh em và tình phụ tử - Ảnh: PIXAR