Thoạt nhìn vào phần tóm tắt nội dung của Stand By Me, tôi tin chắc rằng có nhiều khán giả đã bỏ qua bộ phim xuất sắc này. Dựa trên cuốn tiểu thuyết The Body của tác giả Stephen King, Stand By Me xoay quanh 4 cậu bé 12 tuổi và hành trình đi tìm... xác chết của một cậu bé khác bị tàu đâm. Quả thật, cuộc hành trình trong phim cũng chỉ có thế, không hơn, nhưng tôi cũng tin chắc rằng, ai đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, sẽ không bao giờ muốn quay trở lại nữa.
Stand By Me mở đầu bằng bối cảnh những năm giữa thập niên 80, nhà văn Gordie Lachance tình cờ đọc một bài báo khiến anh nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Đó là mùa hè năm 1959, ở thị trấn Castle Rock, Oregon, nước Mỹ, Gordie, khi đó vẫn còn là cậu bé 12 tuổi thường xuyên tụ tập với 3 cậu bạn thân là Chris, Teddy và Vern. Một ngày, 4 cậu nhóc quyết định thực hiện cuộc phiêu lưu đi tìm xác của một cậu bé đã chết vì bị tàu đâm nằm đâu đó trong khu rừng. Các cậu bé tưởng tượng ra cảnh chúng sẽ trở thành người hùng trong mắt mọi người khi tìm ra xác chết mà các nhà chức trách cũng chưa thể xác định được.
Khởi nguồn là một trò vui bồng bột của con trẻ, nhưng hành trình của các cậu bé 12 tuổi lại có ý nghĩa nhiều hơn thế. Cuộc phiêu lưu nho nhỏ ấy đã phơi bày con người, tính cách thật của 4 đứa trẻ, phơi bày tình bạn mà chúng dành cho nhau, và cũng là cuộc hành trình mà ở đoạn kết, là nơi chúng giã từ tuổi thơ ngây để thật sự đến với CUỘC ĐỜI.
Điều khiến tôi cảm thấy thú vị nhất ở Stand By Me, đó là cuộc hành trình của 4 cậu trai 12 tuổi rất thực tế và giản dị, không có những câu chuyện phóng đại, những tình tiết thêm thắt để thêm phần kịch tính. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, câu chuyện ấy vẫn rất hấp dẫn và cuốn hút. Và Stand By Me, với riêng tôi, được xếp vào hàng những bộ phim "yêu mà không biết tại sao".
Stand By Me đã xây dựng được những nhân vật thật sự tuyệt vời. 4 cậu bé là 4 cá tính, 4 cuộc đời, 4 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một Gordie từng trải qua cú sốc là cái chết của người anh trai yêu quý; một Chris bị cả thị trấn kỳ thị vì trót ăn trộm tiền sữa; một Teddy bị bố bạo hành và một Vern "phì nộn" luôn bị coi là kẻ thua cuộc thiểu năng. Trong số đó, 2 nhân vật Gordie và Chris được xây dựng rõ hơn và cũng sâu hơn.
Hai cậu bé này cũng thân thiết với nhau hơn trong "bộ tứ". Nếu như Gordie luôn luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ rằng cậu là đứa trẻ thừa thãi, là đứa đáng ra phải chết thay người anh trai luôn được bố mẹ kỳ vọng thì Chris lại mắc kẹt trong những định kiến mà người đời khoác lên cậu. Cậu bé sợ rằng một phút là ăn trộm thì cả đời cũng là ăn trộm, và cậu có làm gì thì cũng chỉ là một Chris con nhà "mạt hạng" bị xã hội coi khinh...
Tình bạn giữa Gordie và Chris lớn lên bằng chính những sự đồng cảm trong hoàn cảnh éo le, bằng những tâm hồn "sứt sẹo" như thế. Thông qua cuộc hành trình của 4 đứa trẻ, những bài học sống, ý nghĩa của tình bạn và những mối quan hệ trong cuộc đời con người cứ thế bộc lộ.
Bạn bè, không phải chỉ là cùng nhau đi chung một con đường, mà còn là cách người này bảo vệ, tương trợ người kia trước khó khăn, nguy hiểm. Bạn bè, không phải là chỉ là trò chuyện, lắng nghe, mà còn phải là người này nhìn thấu được người kia, chỉ ra thế mạnh và điểm yếu, động viên nhau trước mặc cảm tự ti hay những khi tuyệt vọng. Và bạn bè, thật đơn giản, chỉ là khi ta hỏi bạn: "Cậu có nghĩ là tớ lập dị không?"; "Chắc chắn rồi!" - bạn cười to; "Không, nói nghiêm túc, cậu có thấy tớ lập dị không?" - ta lại hỏi; "Có, cậu có. Nhưng sao nào? Ai mà chả lập dị!" - bạn nhún vai nhẹ tựa lông hồng.
Chỉ với 4 đứa trẻ 12 tuổi và một cái xác, những người làm phim đã dựng lên một thế giới nơi những người trưởng thành nhìn vào đó để soi chiếu, và để nghĩ về cuộc đời mình, về những mối quan hệ đã đến và đi, những mối quan hệ còn ở lại. "Bạn bè, nhiều người đến và đi trong cuộc đời ta cũng như những bồi bàn trong nhà hàng" - cậu bé Gordie, mà sau này trở thành nhà văn Gordie Lachance đã viết như vậy trong cuốn sách của mình. Nhưng cũng chính cuốn sách ấy lại kết thúc bằng: "Sau này, tôi không có bất kỳ người bàn nào giống như những người bạn mà tôi từng có vào năm 12 tuổi ấy nữa. Chúa ơi, thật vậy sao?".
Có những khoảnh khắc trong đời ta chẳng bao giờ có thể lấy lại được, cũng có những con người đã từng bước vào cuộc đời ta rồi ra đi vĩnh viễn. Có những người ra đi thật nhẹ nhàng, không khiến ta mảy may xúc động, nhưng cũng có những người khiến ta đau và ta biết ta sẽ nhớ họ, mãi mãi. Bởi thế, hãy trân trọng từng khoảnh khắc được sống của bạn, đặc biệt là tuổi trẻ, hãy kịp nhận ra và trân quý những mối quan hệ, những tình bạn khắc cốt ghi tâm, đừng để khi mất rồi mới biết là quý giá và tiếc nuối...
Có một bộ phim và 4 cậu bé 12 tuổi đã dạy tôi như vậy!
"Stand By Me" cũng đánh dấu sự thành công đầu tiên của River Phoenix (trong vai Chris) - ngôi sao tài năng đoản mệnh được đánh giá là một trong những tên tuổi sáng nhất của Hollywood thời điểm những năm 90. Sau này, sự ra đi của River Phoenix ở tuổi 23 được xem là một trong những sự kiện bi thảm và gây sốc nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp giải trí.