Tượng đài truyện tranh một thời
Captain America đã từng là một nhân vật huyền thoại xuất hiện trong những cuốn truyện tranh của Marvel. Anh luôn xuất hiện với hình ảnh là một chiến binh yêu nước và tài chỉ huy xuất sắc, cùng với đó là vô số chiến công. Captain America đã tạo nên một cơn sốt của thời đại và mau chóng trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Marvel.
Tuy nhiên, nhân vật anh hùng này dần dần mất đi vị thế của mình, đơn giản vì những lí tưởng của Cap trở nên lỗi thời trong mắt độc giả. Trong khi màn ảnh và chính truyện tranh đã sản sinh ra những nhân vật phức tạp đa đoan hơn, "Đội Trưởng Mỹ" vẫn ôm thứ lý tưởng cứng nhắc trên trang truyện ngày nào.
Mọi chuyện càng trở nên thảm hại hơn trong bộ phim ra mắt năm 1990, nhân vật Captain America của Matt Salinger bị đánh giá là tệ đến không thể tệ hơn từ diễn xuất tới kỹ xảo. Thất bại của phim càng làm trầm trọng thêm cho tình hình tài chính của Marvel trước khi bị buộc phải sáp nhập vào ToyBiz năm 1998.
Cái gì đến cũng phải đến: Captain America hồi sinh!
Trước năm 2011 thời điểm "Captain America: The First Avenger" được ra mắt, rất nhiều fan Marvel từng băn khoăn liệu nhân vật "vang bóng một thời" trong các bộ truyện tranh của Marvel này có thể bắt kịp được với thời đại và trở lại là đội trưởng quốc dân được nước Mỹ yêu quý hay không.
Hành trình của Captain America từ lúc lựa chọn phục vụ cho đất nước cho tới khi trở thành người lãnh đạo cho The Avengers để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Cuối cùng thì câu trả lời của họ đã được giải đáp thỏa đáng nhờ vào diễn xuất của nam tài tử Hollywood Chris Evans cùng cách xây dựng nhân vật tài tình của studio truyện tranh. Steve Rogers dần trở lại vị trí là một trong những siêu anh hùng kinh điển đầu thế kỉ, một chiến binh luôn luôn thực thi công lý trong một xã hội đầy những phức tạp và toan tính.
Từ một thanh niên ngập tràn lý tưởng, Steve Rogers đã bị cuộc đời "phũ vào mặt" khi anh tỉnh dậy sau giấc ngủ đông dài mấy chục năm, mọi người thân quen đều đã thay đổi còn bản thân người bạn Bucky trở thành kẻ thù không đội trời chung. Đến khi đưa được Bucky trở về thì Cap lại phải đối mặt với những mâu thuẫn trong nội bộ The Avengers, những kẻ thù mới xảo quyệt và mạnh mẽ hơn... Thay vì lòng yêu nước một màu, giờ đây ngập tràn trong nhân vật Captain America là sự mới mẻ, khả năng thích nghi với những điều kiện chiến đấu và cục diện trận địa thay đổi không ngừng.
Trải qua hàng loạt những nhiệm vụ, những trận chiến, cả những lần bị phản bội bởi bạn bè và chính phủ, thứ mà anh từng liều chết để bảo vệ, những mơ mộng và lý tưởng ngây thơ về công lý của Cap bị phá vỡ, thay vào đó, anh dần trở nên chai sạn và trưởng thành hơn.
Cách đây không lâu, bản thân Chris Evans cũng đã bộc bạch về sự thay đổi này. Trong một cuộc phỏng vấn, anh tâm sự:
"Tôi nghĩ Cap là người công tư phân minh. Tôi nghĩ anh ấy sẽ tiếp tục vỡ mộng khi anh ấy trở nên già hơn (gần trăm tuổi rồi còn gì nữa). Sau mỗi phần phim, anh ấy dần học được rằng thế giới sẽ chẳng bao giờ hoạt động theo cách mà anh ấy nghĩ, và tôi nghĩ đó là lí do tại sao lại có sự liên kết giữa anh ấy và Black Widow. Black Widow đã chứng kiến nhiều thứ hơn anh ấy, và có phần dày dặn hơn; vì vậy, tôi cho rằng bản thân Cap ngưỡng mộ điều đó và đang cố học hỏi từ chính Black Widow.
Những thứ đầu tiên đập vào mắt của Cap là sự sụp đổ của hệ thống chính trị, sau đó là sự phản bội và bỏ mặc của bạn bè. Theo tôi thì, khi hàng loạt những chuyện như vậy xảy ra, nó sẽ phá hủy một phần tư tưởng của một người, và sau đó rất có thể anh ta sẽ trở nên lạnh lùng hơn."
Ngoài việc thay đổi diện mạo trông phong sương, dày dạn với bộ râu quai nón và mái tóc vuốt đúng chuẩn "daddy", Captain America trong Avengers: Infinity Warcũng sẽ thay đổi cả về tư tưởng để có thể "nuốt trôi" được khái niệm có một lão già ngoài hành tinh phá banh Trái Đất để kiếm được vài viên đá quý. Vì thế trước thềm Infinity War, hãy cùng điểm lại quãng thời gian 7 năm cầm khiên của Steve để có thể hiểu rõ hơn về những gì mà Cap đã trải qua thôi nào.
1. Captain America: The First Avenger (2011)
Có thể nói, bộ phim là một phép thử cho nhân vật Captain America. Việc đưa Chris Evans vào vai diễn này cũng là một điều khá mạo hiểm, khi mà nhân vật Cap dần lùi về tiềm thức quá khứ của người Mỹ trong khi nam tài tử Chris Evans lại được biết tới nhiều nhất với vai Human Torch nhí nhố không ra dáng người lính chút nào.
Tuy nhiên Marvel đã thành công khi Captain America: The First Avenger mau chóng trở thành phim siêu anh hùng solo hay nhất trước thềm The Avengers và kiếm về bộn tiền cho hãng. Cái hay của phim là ở chỗ, đạo diễn đã biết cách đưa những sự kiện đời thực vào trong phim để phát triển.
Quá trình "lột xác" của Captain America - Steve Rogers
Steve Roger, một sản phẩm của chương trình Siêu quân nhân trong thế chiến hai, từ một chàng thanh niên gầy còm mau chóng trở thành vũ khí chiến tranh của chính phủ Mĩ. Anh mong muốn được dốc hết sức để phụng sự tổ quốc nhưng cuối cùng, hóa ra công lý cho tất cả mới là thứ anh thực sự theo đuổi. Đây là một nét đổi mới, Cap giờ đây không còn là một Cap rập khuôn với lòng yêu nước và kỉ luật sắt đá, Cap đã trở nên độc lập và cuốn hút hơn, khi anh hầu hết tự đưa ra quyết định từ giải cứu Barnes đến tự ý tiêu diệt HYDRA.
Tuy nhiên, cốt truyện không chỉ dừng lại ở đó. Ngay sau khi tìm được lý tưởng cho mình, khi anh cảm thấy ngập tràn sự tự tin để bảo vệ cho những gì mình tin tưởng thì tai nạn ập đến khiến anh chìm vào giấc ngủ đông. Cuối phim, Cap lại một lần nữa tỉnh dậy nhưng lần này là sau 75 năm bị đông cứng mà không hề hay biết về chuyện gì đã diễn ra. Một cái kết như thế có thể nói là rất hoàn hảo và ngay lập tức, tạo cảm giác tò mò cho người xem. Rõ ràng, hành trình của anh chỉ vừa mới bắt đầu.
Phải đợi đến tận hai năm, khán giả mới có câu trả lời cho tương lai của Cap, đó là biệt đội Avengers và tổ chức S.H.I.E.l.D. Lần này, anh không còn đóng vai chính nữa mà thay vào đó anh phải học cách làm việc nhóm.
Xét về sức mạnh, Cap không thể so sánh được với Hulk hay Thor, khiên của anh cũng không thể xịn bằng giáp của Iron Man; thứ duy nhất khiến anh nổi bật có lẽ chính là tuổi đời. Vậy nhưng, điều đó không có nghĩa là vai trò của Cap bị mất đi. Kinh nghiệm, óc phán đoán và kỹ năng lãnh đạo đã khiến Cap trở thành người đội trưởng dẫn dắt cho The Avengers đối đầu với những kẻ thù hung hiểm.
Cap vẫn rất thành công trong vai trò là thủ lĩnh tinh thần, mặc dù phải chiến đấu bên cạnh một vị thần, một con quái vật xanh lè và một gã tỉ phú kiêu ngạo.
Giải quyết thành công mâu thuẫn trong nhóm, phân chia công việc cho từng người, đưa ra những nhận định đúng về Loki,.... Steve đã chứng minh mình là một chỉ huy giỏi. Tuy nhiên, trong trận chiến đầu tiên sau khi tỉnh dậy này, anh cũng dần khám phá ra những bí mật mới về tổ chức HYDRA, cựu thù của mình. Anh dần nhận ra, thế giới xung quanh mình đã thay đổi rất nhiều. Băn khoăn, xen chút lo lắng là chuyện đương nhiên, vì hành trình của Cap vẫn còn rất dài.
Nếu The Avenger đã chứng minh được Cap không chỉ là công cụ tuyên truyền của Marvel thì đến Winter Soldier, bản thân Cap cũng đã cho thấy anh không đơn thuần là một siêu anh hùng bất tử, cũng không phải là kẻ khờ dại theo đuổi công lý hay một chuẩn mực đạo đức thuần túy. Đây cũng là một phép thử xem Steve Rogers sẽ thích nghi với thế giới mới như thế nào. Lần này, Cap vẫn tiếp tục chạy nhảy và cầm khiên như những năm 45 nhưng với tấm lòng trĩu nặng và đầy ngờ vực, một phần là do bị Tony Stark giáo huấn về chủ nghĩa anh hùng hồi đánh nhau với Loki.
Bảy mươi năm đã trôi qua, mớ lí tưởng của Cap đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, vấn đề với Cap là, anh ta luôn luôn cần có một thứ gì đó cao cả, một tổ chức nào đó phục vụ lợi ích mọi người để theo đuổi và hòa nhập. Anh ta gần như được lập trình như vậy. Vì thế, Cap phải lựa chọn một lần nữa.
Trong suốt cả phần phim, anh liên tục bị phản bội bởi tổ chức của mình cũng như bị tấn công bởi người bạn thân, Bucky; anh dần nhận thấy được sự phức tạp của thế giới này cũng như sự trỗi dậy của HYDRA. Tuy nhiên, cái hay của phim nằm ở chỗ, mặc cho bao nhiêu biến cố, Cap vẫn là Cap, trọng tình nghĩa và chân thành. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ở những phút cuối phim khi anh thà hi sinh tính mạng còn hơn là giết Bucky.
Có thể thấy, ẩn sâu trong vẻ ngoài mạnh mẽ và hào nhoáng, Cap vẫn rất đáng thương và tội nghiệp, chẳng có gì đau xót hơn khi cả thế giới xung quanh phút chốc sụp đổ trong chốc lát như trong Captain America: Winter Soldier.
Như thường lệ, những cuộc team-up của Marvel luôn luôn thu hút sự chú ý đến từ khán giả. Lần này, Cap vẫn tiếp tục được đóng vai trò là lãnh đạo của biệt đội Avenger. Anh hết lần này đến lần khác lập công, từ tiêu diệt hoàn toàn HYDRA cho đến ngăn chặn lần tiến hóa tiếp theo của Ultron, và cuối cùng là tập hợp và dẫn dắt đội Avenger mới với Vision, Scarlet Witch, Falcon và War Machine sau sự nghỉ hưu của Tony Stark.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chính trực và kiên quyết bảo vệ cái tốt như mọi khi, Cap lần này gần như là một con người khác vậy. Đáng ra phải lo lắng tìm kiếm Bucky thì anh lại nhởn nhơ đi cứu thế giới với suy nghĩ về việc lập gia đình, vốn trái ngược hoàn toàn với những gì anh em nhà Russo kì công gây dựng trong Winter Soilder. Mạch truyện của Cap khá rời rạc và thiếu sự liên kết. Đây có thể chỉ đơn thuần là một bước đệm sắp tới cho Civil War, khi hàng loạt những mâu thuẫn bắt đầu nhen nhóm lên trong đội Avenger. Dẫu sao thì Cap vẫn rất đẹp trai và cool ngầu, và vai trò của anh trong vũ trụ Marvel là điều không thể bàn cãi.
Lần này, có thể nói cuộc nội chiến bắt đầu từ một nguyên nhân rất sâu xa, trách nhiệm của nhóm Avenger cho những thiệt hại về người và của sau các cuộc đụng độ nảy lửa của họ. Bản tính kiêu ngạo đã khiến Tony đẩy mọi thứ đi quá xa, và đó chính là lí do dẫn đến bản hiệp định Sokovia. Vị tỉ phú thiên tài đã chấp nhận sự giám sát đến từ chính phủ, và đương nhiên điều này ngay lập tức mâu thuẫn với Cap, một người luôn chiến đấu vì thứ gì đó cao cả hơn. Khai thác được điểm yếu này, Baron Zemo, một kẻ có khao khát tiêu diệt nhóm Avenger, đã lợi dụng Bucky để khoét sâu thêm mối bất hòa.
Có thể nói, Civil War là cuộc chiến giữa các siêu anh hùng nhưng nó cũng là cuộc nội chiến bên trong Cap, giữa một bên là trách nhiệm với nhóm siêu anh hùng và một bên là tình bạn với Bucky.
Tuy nhiên, có lẽ lần này Cap đã hơi mù quáng, hành động của anh gần như là chủ quan và có phần thiên về tình cảm, khác hẳn với Cap cương trực và sáng suốt ở những phần trước. Chính sự cứng đầu đó đã khiến Iron Man bị tổn thương và vô tình gây ra mối chia rẽ nội bộ. Cuối cùng thì, bản tính của Steve vẫn không hề thay đổi, anh vẫn sẽ xả thân vì những gì mình cho là đúng, chỉ khác về mặt lí tưởng theo đuổi mà thôi. Không có ai là người thực sự thắng, có lẽ trừ Zemo.
"Có thật là thất bại không", đó là cách Zemo đáp trả lại Everett Ross khi bị chế giễu những phút cuối.
Captain America: Civil War là ví dụ cho thấy một Captain America cũng sẽ có những ưu tiên riêng, những lúc để tình cảm lấn lướt như tất cả mọi người. Bucky là người thân duy nhất thực sự còn ý nghĩa với Steve, là cầu nối giữa anh và quá khứ, là người mà anh thề sẽ không bao giờ từ bỏ và cùng đi theo đến cuối con đường.
Một người hùng của nước Mỹ sẵn sàng chống lại nước Mỹ để bảo vệ cho những gì mình yêu mến, điều đó không khiến anh mất đi hình tượng người hùng. Civil War, một mặt làm bàn đạp cho Avengers: Inifinity War còn cho thấy một nhân diện rất "người" của Cap nơi anh đập bỏ trách nhiệm hành động theo trái tim. Ủng hộ hay phản đối Cap, bộ phim để cho người đọc tự lựa chọn.
Vai trò sắp tới của Cap trong Infinity War chắc chắn sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, qua một số cảnh trailer cũng như việc bản thân Chris Evans đã hết hợp đồng với Marvel, số phận của Cap vẫn đang là ẩn số. Tuy nhiên, dù có chuyện gì xảy ra, chắc chắn anh vẫn sẽ luôn luôn là một tượng đài bất tử trong giới siêu anh hùng, với bản tính chính trực và sẵn sàng hi sinh tất cả cho mọi người.