IMDb : 7.7/10
4K UHD BLU-RAY
'Argo' - Nấc thang đưa Ben Affleck lên thiên đường Oscar
Điều gì đã khiến bộ phim tưởng như chỉ nằm ở dạng tiềm tàng đã bứt phá ngoạn mục cuối chặng đua, trở thành bộ phim đáng xem nhất năm qua?
Gai góc, kịch tính và có những trường đoạn hấp dẫn đến nghẹt thở - đó dường như là lời mô tả về một siêu phẩm bom tấn hành động Hollywood chứ không phải nói về một tác phẩm đoạt Oscar Phim hay nhất từ Viện Hàn lâm. Song đó là sự thực, khi bộ phim được đề cập tới là Argo - một tác phẩm mang màu sắc chính trị được dựa trên những sự kiện có thật vào năm 1979 tại Iran đã nhận được vinh dự cao nhất của Oscar sau khi càn quét một loạt giải thưởng trước đó.
Do tài tử Ben Affleck làm nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch kiêm thủ vai chính, Argo là góc nhìn từ phía Hollywood về cuộc khủng hoảng con tin tại Iran thời điểm cuối năm 1979 đầu 1980. Khi đó, những người nổi dậy tại thủ đô Tehran đã tấn công đại sứ quán Mỹ và giữ hơn 50 người tại đây làm con tin. Sáu nhà ngoại giao đã may mắn trốn thoát được cuộc vậy hãm và tới lẩn trốn tại nhà đại sứ Canada Ken Taylor (Victor Garber thủ vai).
|
Ben Affleck đóng vai chính kiêm đạo diễn Argo.
|
Trước tình hình chính trị căng thẳng như vậy, chuyên gia giải cứu của CIA là Tony Mendez (Ben Affleck) đã được triệu tập nhằm đưa ra phương án đưa những nhà ngoại giao về nước an toàn, điều vô cùng khó trước những cặp mắt dò xét và hệ thống an ninh nghiêm ngặt tại Tehran. Tony đã có một kế hoạch táo bạo khi đề xuất việc cho những nhân viên ngoại giao giả làm... đoàn làm phim Hollywood, tới Iran để quay bộ phim viễn tưởng Argo. Với sự trợ giúp của những nhà làm phim đích thực như Lester Siegel (Alan Arkin), John Chambers (John Goodman), Tony đã đơn thân độc mã tới Tehran để phổ biến về nội dung Argo và đưa sáu nhà ngoại giao khỏi đây. Một nhiệm vụ mà dù chỉ một sai sót nhỏ nhất cũng đủ khiến cả 7 người thiệt mạng.
Nếu trước lễ trao giải Quả cầu Vàng (13/1) năm nay, Argo vẫn chỉ được xem như một ứng cử viên tiềm tàng và những tác phẩm được chú ý nhất tại các lễ trao giải là Lincoln, Les Miserables hay Zero Dark Thirty thì cán cân đã dần được dịch chuyển sau đó. Ben Affleck được tôn vinh tại giải Quả cầu Vàng với giải Phim cùng Đạo diễn xuất sắc trước khi chiến thắng hàng loạt giải tiền Oscar như DGA, BAFTA... Và việc Argo được đăng quang tại Oscar 2013 không có gì là bất ngờ, bởi bộ phim sở hữu quá nhiều yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa".
|
Bộ phim đậm chất lịch sử này được chính phủ Hoa Kỳ hết lời khen ngợi.
|
Thứ nhất, chủ đề của bộ phim rất dễ nhận được sự ưu ái từ Viện Hàn lâm nói riêng và dư luận Mỹ nói chung. Với Viện Hàn lâm, gồm 6000 người làm và đam mê lĩnh vực điện ảnh, ý tưởng dùng một bộ phim để giải cứu con tin quả thực đầy hấp dẫn, chưa kể tới việc Hollywood cũng được đề cập tới như một “vị cứu tinh” chính trị khi Tony Mendez tới đây để học hỏi. Người thực hiện “phim lồng trong phim” này là Ben Affleck, một tên tuổi từng vấp ngã nhiều lần thời trẻ song đã trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây ở tư cách một đạo diễn - đúng phong cách “người hùng” được ưa thích của ban tổ chức.
Câu chuyện của Argo được đặt tại Iran đầu thập niên 80, nhưng hơn ba thập niên đã trôi qua, nó vẫn còn nguyên tính thời sự. Sự xung đột của Iran đối với các nước phương Tây, nhất là thời gian gần đây bởi chiến dịch phát triển vũ khí hạt nhân, mối đe dọa đến với các nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài (vụ nổi dậy năm ngoái tại Lybia khiến đại sứ Mỹ cùng 3 nhân viên thiệt mạng)... vẫn là một vấn đề đầy nhức nhối, và Argo - tác phẩm đề cao vai trò và năng lực của người Mỹ - được ra đời quá đúng thời điểm.
|
Liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin tại Iran, Argo bị cấm chiếu ở đất nước chiến sự đẫm máu này.
|
Vẫn dựa trên những sự kiện có thật nhưng Ben Affleck đã tôn vinh khả năng của CIA trong chiến dịch giải cứu, dù không quá lớn so với thực tế nhưng đủ để nước Mỹ cảm thấy tự hào. Thêm nữa, người trao giải Oscar năm nay không phải là một tên tuổi làng điện ảnh như thông thường mà là Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, và sau khi Argo đoạt giải thì tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tỏ ra rất hài lòng, còn phía Iran cho rằng đây là “Oscar nặng tính chính trị” nhất lịch sử.
Đến giữa thập niên 90, khi mà vụ giải cứu con tin đã xảy ra gần hai thập kỉ, toàn bộ chi tiết chiến dịch mang tên thật là “The Canadian Carper” này mới được chính phủ Mỹ hé lộ cho dư luận, mãi tới năm 2012 mới được đưa lên màn ảnh. Điều đó đồng nghĩa với việc Argo có nhiều yếu tố mới, cuốn hút với những ai chưa được rõ về câu chuyện, một lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh giải Oscar như Lincoln (cuộc đời tổng thống Mỹ được nhiều người dân nước này thuộc nằm lòng), Zero Dark Thirty (vụ tiêu diệt Bin Laden đã được báo giới khai thác rất nhiều kể từ tháng 5/2011), Life of Pi (chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Yann Martel), Silver Linings Playbook (chuyển thể từ sách của Matthew Quick) hay Les Miserables (quá quen thuộc qua nguyên tác của Victor Hugo và vở nhạc kịch Broadway).
|
Một cảnh trong phim Argo.
|
Với quá nhiều yếu tố thuận lợi như vậy, Ben Affleck như được “dọn đường” tới giải Oscar và nam tài tử đã thực sự làm được một bộ phim xuất sắc - yếu tố cần thiết cuối cùng - để “không phụ lòng” Viện Hàn lâm. Hơn nửa đầu Argo có tiết tấu chậm rãi và có phần nặng nề khi Ben giới thiệu cho khán giả tình hình các con tin và những khó khăn về mặt chính trị của Mỹ với Iran. Để rồi sau đó, bộ phim dần trở nên hấp dẫn hơn khi người xem được theo bước của Tony Mendez tới Hollywood để làm ra phim giả Argo. Những trường đoạn sau đó có tiết tấu, mật độ căng thẳng được đẩy cao dần khi Tony tới Iran gặp gỡ các con tin và đưa họ ra ngoài đường phố để giống như một đoàn làm phim thật. Sự gay cấn được nâng lên tới mức tột độ tại sân bay Iran, với hơn 10 phút xứng đáng được xem như kịch tính bậc nhất điện ảnh thế giới năm 2012. Khán giả, đặc biệt là những ai chưa biết trước kết cục của cuộc giải cứu, sẽ phải nín thở theo dõi số phận của phái đoàn Mỹ xem liệu họ có thể trốn thoát an toàn hay không. Đó chính là nút thắt đáng chú ý nhất của “Argo” và cũng là nấc thang cuối cùng đưa Ben lên “thiên đường” Oscar.
Làm ra một bộ phim chính trị mà vẫn đầy hấp dẫn, với sự lồng ghép của những cảnh quay Hollywood cùng những đoạn phim tư liệu, lại sở hữu những yếu tố thuận lợi như vậy, giải Oscar Phim hay nhất cho Argo là hoàn toàn xứng đáng. Ngay cả khi gạt qua yếu tố thời điểm và sự ưu ái của Hollywood với nội dung tác phẩm, đây vẫn là một tác phẩm hay và đáng xem hàng đầu của thế giới trong năm qua.