IMDB 6.3/10
Em và Trịnh: Nhẹ nhàng và đậm chất lãng mạn
Em và Trịnh, bom tấn được kỳ vọng gây bão phòng vé Việt năm 2022. Bên cạnh chất thơ và sự hoài cổ, Em và Trịnh còn mang đến một hình dung mới mẻ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cùng thegioibluay khám phá cách Em và Trịnh đã khắc họa cuộc đời của Trịnh Công Sơn như thế nào nhé!
Tình yêu vốn là nguồn cảm hứng lớn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Đằng sau những bản tình ca bất hủ, chuyện tình và giai thoại về các “nàng thơ” trong cuộc đời vị cố nhạc sĩ luôn được công chúng quan tâm tìm hiểu. Chuyện tình của Trịnh vì vậy đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo để đạo diễn Phan Gia Nhật Linh làm nên Em và Trịnh. Bộ phim đã được “thai nghén” gần 5 năm và chuẩn bị trình làng khán giả vào 17.6 tới đây.
Poster chính thức của Em và Trịnh.
Kịch bản
Mạch phim Em và Trịnh được xây dựng theo phong cách đan xen giữa thực tại và quá khứ. Bộ phim có biên độ thời gian rộng khi kéo dài từ những năm 1960-1990. Em và Trịnh mở ra bằng cuộc gặp gỡ giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuổi trung niên (NSƯT Trần Lực) và cô sinh viên người Nhật Bản Michiko (Nakatani Akari) tại Paris. Vì đang nghiên cứu luận văn thạc sĩ đề tài âm nhạc phản chiến của Trịnh, Michiko không quản ngại vượt ngàn dặm xa đến Việt Nam để được trò chuyện, tìm hiểu sâu hơn về người nhạc sĩ mà cô yêu mến. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi cùng Michiko đã làm xới tung lên miền ký ức của Trịnh Công Sơn về những mối tình đã đi qua cuộc đời mình.
Cô sinh viên Michiko, mối tình thời trung niên của Trịnh Công Sơn.
Ngược dòng quá khứ, khán giả được gặp gỡ chàng thanh niên Trịnh Công Sơn (Avin Lu), rồi lần lượt làm quen với những nàng thơ: Bích Diễm, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly. Từng cuộc tình cứ thế dần dà được tái hiện đầy mơ mộng và hoài niệm trên màn ảnh, với đầy đủ các cung bậc tình yêu từ cảm nắng, đắm say, cho đến hờn giận, chia ly. Thực chất, nội dung của Em và Trịnh không có gì quá đặc biệt. Bộ phim chỉ nhẹ nhàng và bình thản như một dòng sông ký ức chảy qua tâm thức con người. Thứ làm nên sức hút của Em và Trịnh là cách kể chuyện bằng hình ảnh và âm nhạc.
Bích Diễm và Dao Ánh, hai nàng thơ nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn.
Hình ảnh và âm nhạc
Em và Trịnh có sự đầu tư lớn về mặt hình ảnh. Để tạo cảm giác hoài niệm, đạo diễn đã chọn sử dụng khung hình 4:3 cùng tông màu chủ đạo ngả vàng ấm áp. Khi thưởng thức Em và Trịnh, dễ hiểu vì sao kinh phí dành cho bộ phim này có thể lên đến con số 50 tỷ. Bởi lẽ, bối cảnh được thiết kế với quy mô lớn, kéo dài từ Huế đến Sài Gòn rồi Lâm Đồng. Đoàn phim cũng không ngại đặc tả những đại cảnh làm toát lên phong cảnh, lối kiến trúc đặc trưng của thời đại. Từng khung hình được chăm chút và dàn dựng có ngụ ý. Phim cũng cài cắm hiệu quả nhiều chi tiết biểu tượng gắn liền với tính cách nhân vật.
Chuyến du hành thời gian được dẫn dắt bởi thứ âm nhạc vừa lãng mạn, vừa man mác suy tư của Trịnh Công Sơn. Mỗi một bài hát được lồng ghép hợp lý vào các tình tiết như lời dẫn chuyện, nói lên tâm tư của các nhân vật. Những ca khúc như Mưa hồng, Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Ướt mi, Nhìn những mùa thu đi… lần lượt vang lên, đưa khán giả vào không gian bay bổng, say sưa của tình ái.
Phân cảnh kể chuyện độc đáo bằng âm nhạc và hình ảnh trong Em và Trịnh.
Khi bước vào giai đoạn nhiều thăng trầm của thời đại, những ca khúc trong tuyển tập Da vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Ta đã thấy gì trong đêm nay, Đại bác ru đêm… cũng được tái dựng mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ. Tuyến nội dung phản chiến vì vậy cũng trở nên giàu cảm xúc hơn. Phần âm nhạc, dưới bàn tay “nhào nặn” của nhạc sĩ Đức Trí cùng nhạc sĩ Tuấn Bách đã làm nên linh hồn rất riêng cho Em và Trịnh.
Diễn xuất
Đến với Em và Trịnh, người xem được chiêm ngưỡng hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cả hai giai đoạn trẻ và trung niên. Với sự thể hiện của Avin Lu cùng NSƯT Trần Lực, mỗi phiên bản Trịnh đều có nét riêng. Tuy nhiên nhìn chung, cả hai đều tạo được cảm giác gần gũi. Phần lớn các diễn viên trong Em và Trịnh đều diễn tròn vai. Riêng Hoàng Hà (vai Dao Ánh) và Bùi Lan Hương (Khánh Ly) là hai nhân tố sáng nhất phim. Lối diễn xuất mộc mạc, đong đầy cảm xúc của hai nữ nghệ sĩ thực sự rất khó tìm thấy trong làng điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại.
Hoàng Hà tạo nên dấu ấn đặc biệt với vai diễn Dao Ánh.
Tổng kết
Em và Trịnh có thể được xem như một tác phẩm điện ảnh dễ thương và chỉn chu, nhưng không xuất sắc. Bởi quá ôm đồm hệ thống nhân vật, câu chuyện thời đại mà phim mang đến cảm giác dàn trải, chưa tạo được khoảnh khắc đắt giá nào in sâu vào tâm trí người xem. Những cảm xúc đến và đi cũng bị lưng chừng do không đủ thời gian bồi đắp cho từng tuyến nhân vật. Ngoài ra, vẫn tồn tại vài phân cảnh tình tứ dàn dựng chưa khéo, mang đến cảm giác gượng gạo. Vì vậy, tổng thể phim chỉ dừng ở mức gợi mở chứ chưa đào sâu.