IMDb : 7.5/10
Vai diễn Strobl của Kevin Bacon trong tác phẩm đã giúp anh giành được giải thưởng quả cầu vàng cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim
Tui trăn trở dữ lắm mới quyết định đặt tay lên bàn phím để viết bài Review cho phim này, bởi vì đây là một trong những phim khiến Tui không chỉ cảm động mà còn phải nghiêng mình kính cẩn trước vong linh của những người lính đã hy sinh vì quốc gia, dân tộc. Do đó, để thể hiện lòng tôn trọng của mình , Tui quyết định viết bài này bằng tất cả cảm xúc của mình khi vừa xem xong .
Cũng là đề tài phim về lính, nhưng “Taking Chance” lại không hề có những khung trời mịt mù khói lửa lẫn màu máu, cũng không có bóng dáng hàng hàng lớp lớp rào thép gai và những chiến hào ngập tràn xác người như trong các phim chiến đấu tương tự như “ Giải cứu binh nhì Ryans”, “ Ngày độc lập” hoặc mới nhất đây là series phim “ Pacific”. Tất cả đều chỉnh chu và yên lặng đến khắc khoải – sự yên lặng của các nghi lễ và sự tôn trọng âm thầm dưới bộ quân phục thẳng tắp không một nếp gấp được khoác lên mình những người chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trước khi họ được đưa về với gia đình .
Bộ phim kể về những người làm công tác khâm liệm và đưa tiễn những người lính đã hi sinh từ chiến tuyến về với gia đình. Họ là những người báo tin tử, là người chuẩn bị và săn sóc cho những người đã khuất được chỉnh chu và trang trọng hơn để họ có thể phần nào cảm thấy được đối đãi xứng đáng với những gì mình đã hy sinh , và để những người thân còn lại của họ cảm thấy anh em , con cái mình không bị bỏ quên sau những gì đã cống hiến cho nhân dân đất nước. Nhưng điểm nhấn của phim không chỉ dừng ở đó mà là ở thái độ của những con người xa lạ trên chuyến hành trình trở về và cả sự tận tâm của “ người hộ tống” .
Tui phải thừa nhận một điều, Kevin Bacon sinh ra là để đóng vai Đại tá Michael Strobl trong phim này. Khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt buồn của anh luôn khiến người xem phải trăn trở day dứt theo từng phân đoạn đấu tranh nội tâm của anh trong cuộc hành trình mười mấy ngàn cây số cùng với nỗi đau của một người ở lại. Ở anh có nhiều điều tiếc nuối khó giải bày thành lời mà chỉ có thể cảm thông chia sẽ qua ánh mắt và hành động. Nuối tiếc cho cuộc sống quá ngắn ngủi của một chàng trai trẻ 20 tuổi (Binh nhất Chance Phelps sinh năm 1986 ), nuối tiếc cho chính cuộc đời mình vì đã không cống hiến đủ và nuối tiếc cho cả những người thân của người đã khuất.
Cả bộ phim là một cuộc chiến âm thầm của những người ở lại để giành lấy và tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn với sự chia sẻ và cảm thông âm thầm. Họ là những người lính đồng vai chiến đấu cùng Binh nhất Chance, là những người đã chăm sóc anh vào những giây phút cuối cùng, là những người hộ tống như đại tá Michael Strobl, là cả những người xa lạ vô tình họ gặp được trên hành trình về nhà. Tất cả họ, dù ở giai cấp tầng lớp nào, màu da nào, chủng tộc nào, cách thể hiện khác nhau, ngôn ngữ khác nhau thì họ đều ngả mũ nghiêng mình trước một người đã mất. Bằng cách nào đó, giữa những con người xa lạ chưa từng quen biết ấy lại cùng có chung một sự đồng cảm sẻ chia đầy tình người liên kết họ lại với nhau.
Cả bộ phim là một bức tranh với gam màu trầm nhưng ấm áp như một ngọn lửa le lói giữa đêm đông giá lạnh, là tia nắng bé nhỏ ấm áp cuối đông báo hiệu một khởi đầu tươi sáng và tốt đep hơn. Là một khoảnh khắc lặng yên giữa đời thường khi mà tất cả mọi khác biệt dường như hòa làm một tạo nên một tổng thể chung nhất – tình yêu thương đồng loại và sức mạnh hàn gắn vết thương của tập thể. “ Taking Chance” không hề co diễn viên nổi tiếng, cũng không có những cảnh quay hoành tráng, tất cả chỉ là một chuỗi những hành động cao đẹp giữa những con người xa lạ trong cuộc hành trình về quê hương của người lính trẻ – một cô gái bán vé máy bay, một người công nhân bốc dỡ, một vài hành khách xa lạ,
Từng người từng người cứ lần lượt đến rồi đi nhưng tất cả những biểu hiện nhỏ bé của họ cũng đủ làm ấm lòng người đại tá già để ông biết rằng ông không hề đơn độc trong cuộc tiễn đưa này- một cai siết tay nhẹ nhàng, một cái gật đầu đồng cảm, một ánh mắt sẻ chia thông cảm cùng một sự im lặng tôn trọng người đã khuất không lớn lao gi nhưng lại tạo nên một nguồn động lực mạnh mẽ và tiếp thêm niềm tin cho những người ngoài chiến tuyến kia và cả những người đang làm công việc khó khăn nhất trong mọi công việc – trao lá cờ báo tử cho gia đình người đã hy sinh.
Bởi thế, đại tá Michael Strobl đã gần như thức trắng bên quan tài người lính trẻ trong mỗi đêm trung chuyển, như một cách làm quen âm thầm với Chance để ông có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của gia đình anh rõ hơn, từ 1 người xa lạ nhận nhiệm vụ hộ tống, Michael Strobl đã dần dần trở thành 1 người bạn thân thiết của Chance, ông nghe những câu chuyện về anh, về việc anh vui tính và hòa đồng như thế nào, về việc anh dũng cảm hy sinh nhu thế nào để bảo vệ mạng sống của đồng đội mình… Và cuối cùng sau một chuyến hành trình dài, Chance đã được trở về yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của gia đình mình , Michael Strobl lần đầu tiên trong suốt chuyến đi đã để cho nước mắt mình chậm rãi chảy xuôi theo nỗi đau thương mất mát cho cuộc sống ngắn ngủi nhưng xứng đáng của binh nhất Chance Phelps. Ông là người đâu tiên nhìn thấy anh trong bộ quân phục rách bươm đẫm máu, là người nâng niu từng di vật của anh còn hơn chính bản thân mình và ông cũng là người cuối cùng đưa tiễn anh trong bộ quân phục thẳng thớm với 1 cái vỗ nhẹ thân tình – “ Ngủ đi nhé Chance, cậu đã làm rất tốt”
Taking Chance là 1 bộ phim rất đáng để xem và suy ngẫm. No cho chúng ta thấy, trong mỗi con người đều có 1 trái tim và 1 tấm lòng, ngay cả những người lính chai sạn quen đổ máu trên chiến trường họ cũng có những khoảnh khắc đau thương . Ở đây, nước mắt không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà là dấu hiệu của sự đồng cảm sẻ chia những mất mát đau thương. Tình yêu và niềm hy vọng luôn ngự trị trong mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, cho dù đó là ai và là bất cứ nơi nào. Chỉ cần chúng ta giơ tay thì sẽ có 1 bàn tay khác nắm lấy tay ta.