IMDb : 8.1/10
Điện ảnh Nhật Bản nổi tiếng với những bộ phim khai thác các chủ đề thường thức, thậm chí nhỏ nhặt, nhưng lại có góc nhìn duy mĩ đầy tính nghệ thuật. Đặc biệt hơn, trong chúng luôn tồn tại một thứ “linh hồn Nhật Bản”, với sự trân trọng những giá trị truyền thống và văn hóa quốc gia. Okuribito là một bộ phim như thế.
Okuribito (danh từ ghép từ “Okuru” và “Hito”, nghĩa là “Người đưa tiễn” ) kể câu chuyện một nhạc công cello mất việc trong dàn nhạc giao hưởng, phải trở về quê nhà sinh sống và kiếm việc làm mới. Tại đây, anh vô tình nhận công việc trở thành nạp quan sư (nokanshi) - những người chuyên chuẩn bị, trang điểm cho người chết trước khi nhập quan. Đối diện với một công việc đặc biệt, anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau xung quanh cái chết. Để rồi khi dần nhận ra sự thiêng liêng và cao quí của nghề nghiệp, anh kiên trì làm việc và cống hiến bản thân mình. Chính nghề này đã làm xoay chuyển toàn bộ cuộc sống của anh, khiến anh có cơ hội nhận ra những giá trị tình cảm thiêng liêng nhất.
Okuribito là một bộ phim đơn giản, không có cân não, không có kinh dị, thậm chí còn có phần hài hước dù xoay quanh khá nhiều cái chết. Tình tiết quá dễ đoán và tâm trạng nhân vật không quá phức tạp, nhưng trái lại, phim có được độ tinh tế và trữ tình rất đậm chất Nhật Bản. Thấm đượm văn hóa truyền thống Nhật, với đậm nét triết lý phương Đông.
Về nội dung, ba chủ đề chính được khắc họa trong phim là: công việc, gia đình và cái chết. Cả ba xuất hiện đan xen, hòa quyện vào nhau trong cuộc sống của nhân vật chính, Kobayashi Daigo. Chúng đều được đưa ra một cách vô cùng tự nhiên, như những bài học đánh dấu bước ngoặt đời người. Những triết lý trong Okuribito đến với người xem cũng theo những cách rất nhẹ nhàng, giống như một câu chuyện nhỏ cũng có thể dạy cho ta một bài học lớn.
Nghề nghiệp nào cũng xứng đáng được tôn trọng
Trong phim, ban đầu nhân vật chính Daigo là một nhạc công cello chuyên nghiệp. Anh những tưởng đã đạt được ước mơ nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên sau khi mất việc, anh không chỉ cảm thấy buồn phiền, mà còn sinh ra một loại cảm giác như được giải thoát.
“Tôi nghĩ đó là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình, nhưng vì một vài lý do, tôi cảm thấy thanh thản khi bỏ lại chiếc cello để ra đi.
Như thể đột nhiên tôi được phóng thích khỏi bị ràng buộc.
Điều mà tôi đã tin là giấc mơ của cuộc đời mình, hóa ra không thực sự là điều tôi mơ ước”
Bài học này thật ra rất đơn giản, đó là khoảng cách giữa đam mê và một công việc thật sự. Một chi tiết mở đầu khá nhỏ nhặt, nhưng đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa quan trọng với những người trẻ tuổi. Đó là được làm công việc mình mơ ước có thực sự khiến ta hạnh phúc ? Đôi khi bỏ việc lại giúp ta tìm thấy chính mình.
Và rồi duyên nợ đã dẫn Daigo tới một nghề vô cùng đặc thù : Nạp quan sư (Nokanshi). Nói về nghề này, nó bao gồm việc khâm liệm người chết, thanh tẩy và trang điểm thi hài. Sao cho người chết sẽ ra đi trong trạng thái hoàn hảo và xinh đẹp nhất. Ở Nhật Bản, quan niệm truyền thống cho rằng nghề này vô cùng ô uế. Việc động chạm vào thân thể người khác mang theo nhiều thứ xấu xa, và nạp quan sư bị toàn xã hội ghẻ lạnh, khinh thường. Tương tự như việc coi thường người dọn phân hay người quét rác.
Trong Okuribito, sự kì thị này được thể hiện qua cách người bạn cũ nhìn vào Daigo, hay cách người vợ gạt tay anh ra và nói “Dơ dáy!” khi phát hiện ra công việc của chồng. Chỉ một câu thoại của người chú nói với cậu trai đã gây tai nạn cho cháu mình, đã hạ thấp đầy khinh miệt nghề nạp quan như một sự trừng phạt của kẻ tội đồ.
“Cậu có thể chuộc được lỗi lầm không? Cậu có thể làm công việc của anh chàng kia trong nốt phần đời còn lại và chuộc lỗi lầm không?”
Định kiến về nghề này thậm chí còn nặng nề đến độ chính bộ phim Okubito cũng bị nghi ngại và coi thường, xếp chót bảng những bộ phim được mong đợi trước khi ra mắt. Tuy nhiên, thẳng thắn đương đầu với những ghét bỏ ấy, bộ phim vẫn kiên định với ý tưởng khắc họa một nghề nghiệp đầy tính nghệ thuật và xứng đáng được tôn trọng.
Nghề nạp quan sư trong Okubito hiện lên rất chi tiết, chỉn chu và tinh tế. Những hình ảnh nạp quan được khắc họa song song với hành động Daigo chơi cello. Giống như sự khẳng định, nap quan là một nghệ thuật, và nạp quan sư cũng chính là những nghệ sĩ. Từng thao tác công việc đều đẹp mắt, gọn gàng và cẩn thận.
Hơn cả một công việc, nghề nạp quan còn thể hiện tư tưởng Phật giáo và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Họ luôn thể hiện một sự quan tâm, chuyên chú đầy thành kính và tôn trọng với từng người đã khuất. Hình ảnh những nạp quan sư làm việc với cả tâm hồn, lặng yên với sự trang nghiêm trong từng ánh mắt đã lột tả xuất sắc tấm lòng đầy tâm huyết cũng như sự tôn trọng của họ với cả người chết và người còn sống.
“Để hồi sinh một cơ thể lạnh giá và ban cho một vẻ đẹp vĩnh hằng, cần có sự bình tĩnh và tỉ mỉ.
Và hơn bất cứ thứ gì, điều này cần tràn đầy lòng yêu thương.
Để bày tỏ sự vĩnh biệt và đưa tiễn người đã khuất.
Không khí yên tĩnh và mọi hành động đều thành kính.”
Cảnh người bạn và vợ Daigo thay đổi suy nghĩ về nghề nghiệp của anh khi anh chuẩn bị cho bà cụ phòng tắm hơi đã đánh dấu bước ngoặt trong cả bộ phim. Có thể Daigo chỉ làm theo những động tác chuẩn bị sẵn, nhưng anh luôn mang theo tình cảm trân trọng trong từng thao tác. Những sự quan tâm nhỏ nhặt, như việc anh thắt lại chiếc khăn yêu thích cho bà cụ, lại dễ dàng nêu bật được sự coi trọng và yêu thương anh dành đến bà. Chỉ bằng cảnh phim này, người ta tìm thấy sự đồng cảm và chấp nhận với Daigo, với những nạp quan sư đang cần mẫn làm việc từng ngày.
Theo một cách rất Nhật Bản, Okuribito thể hiện sự tôn trọng với một nghề nghiệp vốn dĩ bị coi thường, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Triết lý trọng tâm chỉ đơn giản là : khi bạn coi trọng một công việc thì nó đã là đáng tôn trọng, và chính sự cần mẫn làm việc một ngày nào đó sẽ làm cho người khác hiểu ra và cũng coi trọng công việc ấy.
Những suy nghĩ về cái chết
Cái chết có thể nói là chủ đề xuyên suốt và quan trọng nhất trong Okuribito. Việc sử dụng chủ đạo những màu sắc thanh khiết như sắc trắng, sắc xanh, hay chiếu sáng rõ ràng cho những cảnh khâm liệm đã biến một bộ phim nói về cái chết trở nên ấm áp và gần gũi. Khác với nguyên tác hồi kí mà bộ phim lấy ý tưởng, Okuribito không tập trung vào khía cạnh mang màu sắc tôn giác của cái chết, mà chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng và gần hơn với cuộc sống. Đó chính là khắc họa cái chết thông qua cái nhìn của người còn sống
Người Nhật cũng như nhiều nước Á Đông quan niệm cái chết không phải là sự kết thúc, mà là một khởi đầu mới. Giã từ thế giới này, người chết sẽ bắt đầu tồn tại ở một nơi nào khác, hay lại tiếp tục đầu thai có một cuộc sống mới. Trong phim, ông già làm nghề hỏa táng sau cả một đời chiêm nghiệm đã ví cái chết như một cánh cửa mở tới một thế giới khác.
“Chết không có nghĩa là chấm hết, mà là rời bỏ hiện tại để hướng tới bước tiếp theo.
Thực sự là một cánh cửa.
Là một người gác cổng. Tôi đã đưa tiễn rất nhiều người.
"Lên đường mạnh giỏi nhé, hẹn gặp lại", tôi sẽ nói như vậy”
Đó không chỉ là những gì đợi ở phía trước, mà còn là những thứ đã bị bỏ lại phía sau. Khi chết, ta giã từ cả một cuộc đời với những mối quan hệ và tình cảm với mọi người. Người chết có thể đã hoàn thành sứ mệnh với cuộc sống, nhưng những người ở lại thì sẽ chẳng thể nào quên được sự tồn tại của người ấy. Đối diện với cái chết của người thân, mỗi người lại có những cảm xúc thật khác nhau.
Ấy là cảm giác tự hào của ông bố với người con chuyển giới, là sự tiếc thương của người chồng tưởng chừng lạnh lùng lại gục khóc ngay bên quan tài vợ, là sự giày vò của người mẹ có đứa con mất đi do tai nạn, hay sự vui vẻ chấp nhận của gia đình có người bà người cha đã có một cuộc sống trọn vẹn. Với riêng Daigo, còn là sự nghẹn ngào vỡ òa khi anh mãi mới lại cảm nhận được hơi ấm thực sự từ cha mình.
Tất cả đều đơn thuần mà thấm thía, lại chỉ có những khi đối diện với cái chết mới có cơ hội để thành thật nhận ra. Cái chết, lúc này còn là cơ hội để sống thật với tình cảm dành cho người đã khuất.
Okuribito mang đến những trải nghiệm chân thật hiếm hoi về “sự mất người thân” với không chỉ là sự đau buồn và rầu rĩ, mà tràn đầy những cung bậc tình cảm khác nhau. Chính điều ấy lại ngấm ngầm thể hiện sự trân trọng cuộc sống một cách sâu sắc. Như thể khi đã đối diện với quá nhiều cái chết, ta sẽ càng thêm yêu cuộc sống, càng quý trọng từng khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Một bộ phim lấy chủ đề về cái chết, ngạc nhiên thay lại mang thông điệp tươi sáng và thấm thía đến vậy về cuộc sống.
Gia đình luôn trong tim mỗi người
Lồng ghép trong một câu chuyện giản dị của Okuribito chính là những mối liên quan đến tình cảm gia đình. Hình ảnh ẩn dụ về viên đá cảm xúc, cùng với triết lý vô ngôn phản ánh sự tồn tại vĩnh cửu và lặng lẽ của tình cảm gia đình mà chẳng cần phải được nói ra.
Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất trong phim là khi Daigo khâm liệm cho bố mình. Khoảnh khắc viên đá cảm xúc của anh rơi ra từ bàn tay cứng ngắc của người cha, tình cảm như lại nhen nhóm trong lòng Daigo. Với diễn xuất tuyệt vời của Motoki Masahiro, tuy không nói một lời nào nhưng ánh mắt và gương mặt Daigo lại thể hiện một chút hoảng hốt và hoang mang. Qua từng thao tác thành tạo của đôi tay, gương mặt anh không còn giữ được vẻ nghiêm cẩn và trang trọng thường thấy, mà đôi mắt đã ngập tràn nỗi bi thương. Anh xúc động nhận ra gương mặt bố mình, với hình dung về những tình cảm gia đình ấm áp thời thơ bé. Dường như mọi lỗi lầm đều chẳng còn quan trọng nữa, một câu duy nhất Daigo thốt lên chỉ là tiếng gọi “Bố” từ tận đáy lòng. Hành động trao viên đá cảm xúc của mình cho người vợ và áp nó lên bụng cô thể hiện tình cảm sâu nặng Daigo dành cho đứa con tương lai. Thứ tình cảm gia đình anh đã được nhận lại từ bố mẹ, giờ đây sẽ tiếp tục trao cho gia đình nhỏ của mình.
Okuribito là một bộ phim thật nhẹ nhàng, có đôi phần dí dỏm, nhưng từng chi tiết nhỏ nhặt lại tinh tế mang theo triết lý nhân sinh đơn giản mà cao đẹp. Như một bản nhạc dịu dàng, những tình cảm đời thường cứ thế sưởi ấm trái tim người xem qua từng thước phim đậm chất thơ.
Departure - Khúc nhạc tiễn đưa
Một phần hết sức tuyệt vời mà không thể không nhắc tới trong Okuribito là phần âm nhạc với sự tham gia của Joe Hisaishi, nhà soạn nhạc tài năng đã làm nên giai điệu da diết của nhạc phẩm chủ đề Departure. Phong cách âm nhạc huyền ảo và đầy tâm tình của Joe Hisaishi đã trở thành huyền thoại với những tác phẩm hoạt hình Ghibli, lại thật sự thổi hồn cho giai điệu của chiếc cello trong Okuribito.
Mỗi khi tiếng nhạc vang lên, đều chứa đựng nhiều tâm tình với cuộc sống. Một giai điệu dịu ngọt đầy những tiếc nuối, hay nét trầm tư với tình yêu cuộc đời. Khúc nhạc đẹp và sâu lắng như chính bộ phim của nó. Khi tấu lên, những nốt ngân vang như lời tạm biệt đầy yêu thương.
Mở nhạc lên và lặng lẽ suy ngẫm và cả một cuộc đời, dễ dàng cho ta cảm giác thật yêu thương, trọn vẹn và đầy đủ. Giống như cái cách bộ phim đã nhẹ nhàng lay động những tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn người xem
‘Departures’ - triết lý vô thường của người Nhật
Bộ phim từng mang về cho điện ảnh Nhật Bản giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” năm 2008 là một cuộc khởi hành kỳ lạ với bất kỳ ai đã xem.
Ở thời cổ đại, trước khi phát minh ra chữ viết, con người tìm và trao những viên đá để bày tỏ cảm xúc bên trong. Viên đá có bề mặt nhẵn nhụi sẽ tượng trưng cho một tâm hồn bình lặng, yên ả. Viên đá có bề ngoài thô ráp, xù xì sẽ ám chỉ nỗi lo lắng, bất an. Daigo đã giữ bên mình một viên đá như thế bởi đó là kỷ vật duy nhất người cha anh để lại trước khi ra đi.
Bắt đầu từ triết lý về sự vô ngôn đó, Departures đưa người xem đến với rất nhiều cuộc khởi hành mà nhân vật chính Daigo (Masahiro Motoki) phải chứng kiến trong đời. Đó là cuộc khởi hành sang thế giới bên kia của những người chết mà anh phải làm công việc khâm liệm.
Khai thác một đề tài hết sức đời thường, giản dị, Departures đã khiến không ít người trầm trồ khi bộ phim được xướng tên tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar năm 2008. Điều gì đã khiến bộ phim của đạo diễn Yojiro Takita vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá khác như Waltz with Bashir hay The Class để mang về cho Nhật Bản một tượng vàng Oscar năm ấy?
Nếu có một bộ phim nào đó nói về văn hoá Nhật và triết lý phương Đông một cách tinh tế và sâu sắc thì hẳn nhiều người sẽ nhắc đến Departures. Hơn ở đâu hết, chúng ta được chứng kiến quan niệm đề cao gia đình và lối ứng xử tình nghĩa của người phương Đông. Những xung đột cha con, những ẩn ức về một gia đình rạn vỡ thuở thơ ấu đã ám ảnh Daigo cho tới khi cậu trở thành một người đàn ông trưởng thành.
Tưởng như lòng thù hận người cha bội bạc, bỏ rơi cậu thuở nhỏ đã chia cắt vĩnh viễn tình cha con. Nhưng đến khi lật dở bàn tay cứng đờ của người cha trước giờ khâm liệm, vẫn thấy viên đá nhỏ xíu cậu trao cho cha ngày nào, mọi xa cách bỗng dưng được nối lại, những kỷ niệm bỗng chốc ùa về. Nghĩa tử vẫn là nghĩa tận. Không gì có thể chia rẽ được tình cảm gia đình, tình máu mủ huyết thống.
Cùng với tinh thần đó, Departures còn là một ẩn dụ đầy sâu sắc về ý nghĩa của sự sống - cái chết ở đời theo quan niệm và triết lý phương Đông. Người phương Đông cho rằng, chết không phải là kết thúc tất cả mà chết chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới sang thế giới bên kia. Chính vì thế mà cần phải chuẩn bị tẩy uế, thay quần áo mới và trang điểm cho người chết trước khi lên đường. Công việc ấy đòi hỏi không chỉ sự tinh tế, cẩn trọng trong từng hành động mà còn cần hơn hết là tình yêu thương.
Daigo đã phải mất một thời gian để làm quen và học cách làm tất cả công việc của mình bằng tình yêu thương. Mỗi cuộc tiễn đưa đều mang đến cho anh những trải nghiệm và bài học mới về tình cảm gia đình. Có cuộc tiễn đưa trong im lặng, lạnh lẽo. Có cuộc tiễn đưa trong cay nghiệt, cãi vã và có cả những cuộc tiễn đưa hồn nhiên, thanh thản như một lời tạm biệt, chúc lên đường bình an. Daigo đã học cách vượt qua nỗi sợ hãi tầm thường ban đầu để biết trân quý và nâng niu những điều mình có, dù đó là người cha tàn nhẫn hay một gia đình không lành lặn mà anh đau đớn khi nhớ tới.
Mặc dù nói về cái chết, Departures không hoàn toàn mang màu tối tăm, u ám. Ngược lại, người xem sẽ bắt gặp vô vàn khung hình tràn ngập ánh sáng và sự sống thiên nhiên ở xứ sở hoa anh đào. Đó là những cánh đồng tít tắp chim sải cánh bay, những khu vườn xanh mướt hay những đỉnh núi im lìm nằm quanh năm tuyết phủ. Nhịp phim chậm và những khuôn hình tĩnh dường như níu người xem sống chậm lại, thở nhẹ hơn cùng câu chuyện về những cuộc ra đi.
Đặc biệt, sự tinh tế của người Nhật không chỉ hiện lên qua không gian chủ đạo màu trắng với cửa gỗ kéo, đèn lồng đỏ hay nếp sinh hoạt tắm nước nóng. Sự tinh tế còn nằm trong những ẩn dụ đầy sâu sắc về triết lý giữa sự sống - cái chết. Hình ảnh đàn cá hồi bơi ngược dòng để tìm về nơi mình sinh ra rồi chết là một trong những hình ảnh gợi nhiều liên tưởng trong người xem.
Mọi sinh vật rồi cũng đều phải chết. Cái chết cũng là một lẽ thường trong muôn vàn quy luật bất biến của sự sống. Người ta cần chuẩn bị tâm lý để có thể thanh thản thay vì sợ hãi trước cuộc khởi hành đi về miền cực lạc này. Đó là lý do ông già làm nghề thi hành tang lễ hỏa thiêu không nói lời “Vĩnh biệt” với bà chủ tiệm tắm nước nóng mà chỉ đơn giản là “Cảm ơn” và “Hẹn gặp lại”. Đó là cách người Nhật sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc kể cả cái chết, là cách họ tự tại và an nhiên đối diện với cuộc đời vô thường luôn đổi thay, khó đoán định.
Ca khúc chủ đạo trong phim được chơi bởi nhân vật chính Daigo với cây đại vĩ cầm cũng được người xem nhớ đến như niềm khắc khoải dư âm cho đến cuối bộ phim. Đó là bản hoà tấu không lời - Memory - với những giai điệu đẹp, sâu lắng hàm ý như một sự hồi tưởng về những tháng ngày êm đềm, tươi đẹp đã qua. Hình ảnh Daigo ôm cây đàn nhắm mắt say sưa, ngược dòng trở về thời thơ ấu là một trường đoạn xứng đáng để xem lại nhiều lần bất cứ khi nào nhắc tới Departures.
Không quá cầu kỳ về kỹ thuật, không quá phức tạp về cốt truyện, Departures vẫn mê hoặc người xem bởi tính nhân văn và sự tinh tế, sâu sắc của triết lý phương Đông cũng như văn hoá Nhật Bản. Bộ phim về sự “khởi hành” này có thể không phải là bộ phim để xem mua vui lúc giải trí, nhưng hẳn sẽ là một bộ phim ta muốn xem lại bất cứ khi nào lạc lối, mất phương hướng trong đời.