Trang chủ > Phim mới > Blu-ray 2D

B3687. Three Colors - Blue - Ba Sắc Màu: Xanh 2D25G (DTS-HD MA 5.1)

Mã phim: B3687
Đạo diễn: Krzysztof Kieslowski
Diễn viên: Juliette Binoche, Zbigniew Zamachowski, Julie Delpy
Kịch bản:
Size: 25 GB
Ngôn ngữ: English
Phụ đề: English - Vietnamese

 IMDb : 8.0/10

 

RED, WHITE & BLUE TAM BỘ KHÚC SẮC MÀU CỦA CUỘC SỐNG

 

Bộ ba phim của Kieslowski lấy cảm hứng từ lá cờ Pháp, cả về màu sắc và nội dung, cụ thể là ba lý tưởng của Cách mạng Pháp, tự do, bình đẳng và bác ái, ý tưởng mà có một ảnh hưởng lớn về tư tưởng văn hóa châu Âu và Mỹ. Về lựa chọn của mình với cấu trúc các phim theo cách này, ông nói: "Khi bạn làm việc với [các giá trị] trong thực tế, bạn không biết làm thế nào để sống cùng chúng. Con người có thực sự muốn tự do, bình đẳng, bác ái không? Hay đó chỉ là cách nói? "Nhưng không giống như bộ ba phim khác, ba phim này gắn kết với nhau theo một cách phức tạp mà chỉ có thể được hiểu khi xem toàn bộ.

 

 

1. Three Colors Triology- Tam bộ khúc sắc màu của cuộc sống

Với những ai yêu điện ảnh, xem lại Three Colors Triology của đạo diễn danh tiếng người Ba Lan Krzystof Kieslowski giống như tìm nhớ về bức ảnh cũ kĩ của chính mình hồi thập niên 90, với những kiểu tóc, trang phục, điệu bộ của những năm đầu thập kỷ cuối cùng của thế kỷ
trước.

 

Three Colors Triology tượng trưng cho ba màu trên lá quốc kỳ Pháp: xanh, trắng, đỏ. Mỗi màu là biểu trưng cho một câu chuyện đời thường xảy ra trong bối cảnh xã hội châu Âu đương đại. Không quá nhiều ẩn dụ, đơn giản, gợi hình, không lên gân, không đánh đố và giàu cảm xúc, Three Colors truyền tải đầy đủ tinh thần của những cá thể trong một nhóm xã hội, không khái quát vấn đề cũng không đi sâu vào tiểu tiết, mà chỉ đơn giản thuật lại những câu chuyện đời thường bằng ngôn ngữ điện ảnh. Bộ ba phim đại diện cho ba thuộc tính mang tầm phổ quát: tự do, bình đẳng, bác ái. Cấu trúc nội dung mang màu sắc chính trị vĩ mô (như cảnh anh chồng trong Blue viết hẳn một bài hát ca ngợi sự thống nhất của châu Âu) – tất nhiên một phần vì kinh phí làm phim do chính phủ Pháp tài trợ. Tuy vậy, ý nghĩa sâu xa của Three Colors sâu sắc, hỗn mang và cá nhân hơn. Đó là câu chuyện về những con người khác nhau sống ở những thành phố khác nhau với những trăn trở đời thường, những góc khuất của tình yêu, cô đơn và cả sự mất mát. Ai ở đâu cũng phải vật lộn với những cuộc chiến nội tâm của riêng mình. Mỗi chi tiết trong phim là mỗi câu chuyện nhỏ góp phần tạo nên một chuyển điệu đa sắc về cuộc sống đương đại tại xứ sở châu Âu đầu thập niên 90

 

Three Colors - Blue

 

Sau phim cuối cùng Red, đạo diễn Kieslowski chính thức kết thúc nghiệp chỉ đạo và qua đời hai năm sau đó. Là một người có đời sống cá nhân nhiều đau khổ với bệnh tật và mất mát, nhưng phim của ông luôn là những áng hài hước nhẹ nhàng, ý nhị, dù tảng băng chìm của
sự lạc quan hài hước bất đắc dĩ ấy tràn ngập đắng cay. Sự hài hước được thể hiện rõ nhất trong White (1994), kể về một anh thợ làm đầu người Ba Lan nhớ quê hương quay quắt giữa lòng Paris, quyết định đi lậu để được trở về nhà bằng cách chui vào một chiếc vali. Nhưng
chẳng may chiếc vali lại bị ăn trộm, khi mở ra thì bọn trộm chỉ thấy một gã đàn ông nhỏ thó nằm trong đó. Chúng đánh anh lăn lên lộn xuống, anh vừa cười vừa khóc nói với chính mình : “Home at last!” Có lẽ do tính chất vui tươi này mà White không được đánh giá cao bằng hai phần còn lại, nhưng là phim mang lại giải Đạo diễn xuất sắc cho Krzysztof Kieślowski tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 44.

 

Blue (1993) là câu chuyện về một người phụ nữ mất chồng con trong một tai nạn ô tô. Sau một thời gian vật lộn với cơn khủng hoảng, cô gọi cho một người bạn từ lâu thương mến cô. Họ làm tình. Nhưng sự va chạm xác thịt cũng không giải quyết được những lỗ hỏng trong cô. Cô chuyển đến ở tại một góc phố vô danh giữa lòng Paris, cuộn mình lặng im, không tiếp xúc với ai, không ai biết đến cô. Nhưng tại đây, cô lại gặp phải người tình của người chồng quá cố.

 

Three Colors - Red

 

Red (1994) được xem là phim hay nhất trong bộ ba xoay quanh câu chuyện cô người mẫu bán chuyên nghiệp Valentine và một anh luật sư sống ở đầu kia con phố. Một lần, cô chạy xe đâm phải chú chó của một ông thẩm phán về hưu. Khi tìm đến nhà, ông già dửng dưng và lạnh lùng bảo cô giữ lấy con chó. Ông thẩm phán là một người quái dị. Hằng ngày, ông ta nghe trộm điện thoại nhà hàng xóm và quan sát mọi hoạt động của họ qua ô cửa kính. Khi còn trẻ, ông có một mối tình dang dở nên từ đó cứ ôm mãi nỗi buồn. Mặc dù ban đầu khá thô lỗ với Valentine nhưng dần dần ông cởi mở hơn và chia sẻ với cô câu chuyện của mình. Valentine rướn mình chăm chú nghe ông kể, như nghe một lời tự thú. Càng lúc cô càng nhận ra câu chuyện của ông là phiên bản đảo ngược của chính mình: trong khi ông và người yêu xa cách nhưng vẫn một lòng thương nhớ, thì cô vẫn ngày ngày gọi điện thoại cho người yêu mình ở Anh quốc, nhưng cảm giác như tình yêu của họ đã không còn độ đàn hồi nữa. Ở một vũ trụ khác, khi tuổi tác tương đồng có lẽ ông thẩm phán và cô sinh viên Valentine đã yêu nhau.


Ba cuộc sống, ba sắc màu, ba câu chuyện rất mực đời thường xảy ra ở ba không gian và thời gian khác nhau giữa lòng châu Âu. Ba câu chuyện với cấu trúc đơn giản nhưng gợi cảm và thách thức giác quan người xem. Blue quá u buồn và cô độc, tô đậm bầu không khí u ám của sự giằng xé nội tâm. Red không dễ xem, nó khiến khán giả phải tự xâu chuỗi những hành vi của nhân vật mới có thể hiểu được. Rõ ràng, trong bộ ba thì White là phần phim sáng sủa và dễ xem hơn cả, mạch truyện lôi cuốn và khán giả dễ dàng nắm bắt sự việc, diễn biến của phim.

 

Three Colors - White


2. Một lát cắt điển hình của điện ảnh châu Âu

Ở Mỹ, điện ảnh được xem là môn nghệ thuật thứ bảy nhưng mang nhiều tính thương mại và giải trí. Các nhà làm phim luôn cân nhắc giữa nghệ thuật và lợi nhuận một cách thực dụng. Nhưng đối với điện ảnh châu Âu tinh thần thượng tôn nghệ thuật được đánh giá rất cao và dòng phim art-house luôn là thể loại chủ lực. Điện ảnh, dù tồn tại ở hình thức nào thì cũng cùng một mục đích: chuyển tải những lát cắt của cuộc sống qua những thước phim. Nhưng dù tương đồng thì điện ảnh châu Âu và Hollywood vẫn có khá nhiều dị biệt.

 

Người Mỹ không thích làm những cuốn phim chậm chạp, họ muốn lôi cuốn người xem trước khi cảm thấy chán. Ở châu Âu, người ta có thể mở đầu phim bằng những đám mây, rồi chuyển tiếp qua một đám mây hình thù khác. Ở Mỹ, đạo diễn sẽ quay một đám mây, nhưng liền sau đó sẽ thấy một chiếc máy bay băng ngang dính phải một quả rocket và nổ tan tành. Người Mỹ ưa chuộng những cú lắc mình điêu luyện trong cốt truyện khiến khán giả phải giật mình, đôi khi liên tục.

 

 

Sau khi điện ảnh ra đời ở châu Âu, việc trình chiếu các đoạn phim cũng nhanh chóng đến với chương trình tạp kĩ trong các hội chợ ở Mỹ. Các nhà kinh doanh Hoa Kỳ nổi tiếng nhanh nhậy bắt đầu tìm cách làm các bộ “phim” này trở nên đặc sắc hơn bằng cách đưa vào các cảnh quay có kịch bản và diễn viên thay cho những cảnh quay đời sống thường nhật. Thành công lớn nhất của xu hướng này là bộ phim thực hiện năm 1903, The Great Train Robbery của đạo diễn Edwin S. Porter. Việc tham gia của các doanh nhân vào địa hạt điện ảnh có lẽ là một trong những tiền đề cho tính thương mại của phim Hollywood trong khi châu Âu vẫn giữ nguyên tinh thần làm phim nghệ thuật vị nghệ thuật từ thuở sơ khai.


Thế mạnh của điện ảnh châu Âu là những đề tài đương đại và phong cách làm phim đậm chất nghệ thuật. Một châu Âu hiện ra trên màn ảnh với đủ sắc thái và nhiều vấn đề nhức nhối, đôi khi khá đen tối. Ở Mỹ, phim thường kết thúc có hậu, hoặc không có hậu nhưng chung một mô-tuýp đặc chất Hollywood. Ở châu Âu, điều đó không cần thiết. Nhà làm phim châu Âu không quan trọng phim sẽ kết thúc như thế nào mà quan tâm đến cách diễn tả tâm lý, nhìn nhận hiện thực khách quan không tô vẽ màu mè nhưng vẫn đậm chất thơ, mang ca tính riêng và tinh thần dân tộc.

 

 

Three Colors Triology là một ví dụ điển hình cho phong cách làm phim đó. Vừa mang ý nghĩa tầm phổ quát nhưng cũng đi sâu sát vào tâm lý nhân vật. Nhẹ nhàng, chậm chạp, không nhiều cao trào nhưng vẫn khiến người xem cảm động vì sự tinh tế rất mực châu Âu. Nhìn chung, dù quan điểm về mỹ học và tư duy khác nhau nhưng cả hai nền điện ảnh chủ chốt của điện ảnh thế giới đều có những thế mạnh và sức lôi cuốn riêng, đều có những tác phẩm đắt giá trên thang giá trị riêng.

 

-
Bạn chưa chọn thiết bị/film nào
0 GB
Hỗ trợ trực tuyến Facebook Messenger Facebook Messenger
(+84)286 680 54 58