IMDB 7.5/10
‘Triangle of Sadness’ - Phim hay nhất tại Cannes 2022 có gì đặc sắc?
- Trong lịch sử điện ảnh, không thiếu những tác phẩm châm biếm giới siêu giàu nhưng với những gì mà đạo diễn Thụy Điển - Ruben Ostlund thể hiện trong Triangle of Sadness (Tam giác buồn chán), tại sao tác phẩm này lại lên ngôi cao nhất tại Liên hoan phim Cannes 2022?
Một “đòn đánh” trực diện thâm sâu
Bergman Ingmar - đạo diễn huyền thoại của điện ảnh Thụy Điển từng có một trong những phát ngôn nổi tiếng: “Tôi không muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật để mọi người ngồi xuống bàn tán về tính thẩm mỹ của nó… Tôi muốn tạo ra thứ gì đó như một đòn đánh họ, đánh trúng cái sự thờ ơ của họ, thiêu cháy nó để kéo họ ra khỏi chính sự tự mãn của mình”.
Những người hâm mộ Bergman có thể tự hào vì một trong những hậu bối của ông - Ruben Ostlund đã phát huy tinh thần đó một cách chuẩn chỉnh, qua Triangle of Sadness, tác phẩm vừa giành được Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2022.
|
Triangle of Sadness - bộ phim giành được Cành vọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2022 |
Triangle of Sadness kể câu chuyện về những kẻ có tiền nhưng “không có não” bị bỏ lại tại một vùng đảo hoang. Những người này sau đó đã xây dựng một xã hội mới tại vùng đảo này, nơi tiền bạc không có giá trị và nhan sắc “lên ngôi”. Từ đó, bộ phim bộc lộ những khóc khuất đằng sau sự giàu có, nổi tiếng của một tầng lớp người trong xã hội.
Phim theo chân một nam người mẫu tên là Carl (Harris Dickinson) và Yaya (Charlbi Dean), cô bạn gái “tin đồn” của anh ta, một ngôi sao mạng xã hội. Cả hai đều là những “bậc thầy sống ảo”, luôn phô trương bộ mặt xa hoa trên mạng, nên dù không giàu có, họ lại được mời tới du thuyền trị giá 250 triệu USD, nơi toàn những con người thuộc giới thượng lưu, của cải nhiều không đếm xuể.
|
Bộ đôi nhân vật được hòa mình vào cuộc sống thượng lưu |
Nửa đầu, phim đi vào những tình huống nhỏ hài hước xảy ra trên du thuyền, mà ở đó, các nhân vật thể hiện tầm ảnh hưởng của địa vị xã hội. Chàng người mẫu và nàng hotgirl không khỏi choáng váng trước cuộc sống sang chảnh được giới nhà giàu bày ra trước mắt, cho họ những ảo tưởng về hai chữ “quyền lực”, đến từ những nhân vật mang hình mẫu có lẽ khá quen thuộc ngoài đời: một cặp vợ chồng già người Anh lịch thiệp hóa ra là nhà sản xuất vũ khí, một tỷ phú công nghệ cô đơn - người tự xưng là “kẻ hoàn hảo” nhất nước Nga, một nam tước trong ngành phân bón với những mánh khóe kiếm tiền “kinh tởm”.
Nhưng qua thời gian lưu lại trên du thuyền với những tình huống phát sinh, người xem sẽ được thấy những người giàu cũng chỉ là những con người bình thường, với những khía cạnh rất đời thường. Và tới lúc đó, không chỉ có hai nhân vật chính, chúng ta cũng ngay lập tức bị “vỡ mộng”.
|
Cuộc sống người giàu được phơi bày không như những gì hay tưởng tượng |
Ruben Ostlund không hề phải dùng bất cứ chất liệu nào quá cao siêu, ông muốn bộ phim hài của mình như một cú đánh trực diện vào các nhân vật, hay ngay cả chính khán giả, bằng việc xây dựng tình huống đóng vai trò then chốt của cả phim một cách đơn giản, dễ hiểu, nhưng một khi ngẫm lại mới thấy Ostlund đã rất tinh tế và có tư duy thâm sâu ra sao.
Nửa sau của phim xoay quanh cách thức vật lộn của các vị khách giàu có và đoàn thủy thủ trên một hòn đảo hoang vắng, sau khi du thuyền bị tấn công. Lúc này, giữa tình cảnh khốn đốn, nguy nan, những con người vốn rất tự hào, kiêu hãnh mới nhận ra rằng thực ra, tất cả họ đều không có những kỹ năng cơ bản để có thể sống sót dù chỉ vài ngày trong điều kiện thiên nhiên hoang dã. Giờ đây, tất cả sinh mệnh của họ đặt vào tay người phụ nữ làm nhiệm vụ... cọ rửa toilet, dọn dẹp vệ sinh trên du thuyền….
“Kẻ khiêu khích” tại Cannes đã lên ngôi như thế nào?
Sau khi The Square của Ruben Ostlund giành được Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2017, giới mộ điệu đã không ngần ngại gọi ông là “kẻ khiêu khích”, với sự châm biếm đầy xáo trộn của nghệ thuật bôi nhọ thế giới và đặt câu hỏi về niềm tin cốt lõi của xã hội văn minh.
Người phụ nữ cọ toilet sẽ chẳng bao giờ được những người giàu có kia để mắt đến, nhưng trong tình cảnh khốn cùng khi bị bỏ lại trên hoang đảo, đây lại là người duy nhất trong nhóm biết bắt cá, biết nấu nướng. Người phụ nữ cọ rửa toilet trở thành trưởng nhóm, được quyền chỉ huy tất cả những người còn lại, vai vế hoàn toàn đổi khác khi họ ở lại trên hòn đảo hoang.
Đạo diễn Quentin Tarantino từng nói rằng: “Nếu phim của tôi có 1 triệu người xem, tôi hy vọng họ thấy 1 triệu cách xem khác nhau”. Ostlund dĩ nhiên không làm việc chăm chỉ để “ngụy trang” theo hướng như câu chuyện ngụ ngôn về sự đảo ngược xã hội mà ông đang thực hiện: những người sống sót giàu có hóa ra là vô dụng, để lại người dọn vệ sinh đi bắt cá, đốt lửa và phải chịu trách nhiệm với tất cả mọi người. Có thể bạn sẽ đoán được tất cả đang hướng đến đâu, dường như là cái giá phải trả của địa vị và danh vọng, nhưng cũng không ngoại trừ Ostlund đang muốn nêu ra thực trạng vẫn đang tồn tại hàng ngày: khi giới tỷ phú hiện giờ chẳng khác nào những “trùm tư bản”, những kẻ cai trị mới trong xã hội ngày nay.
Nghĩ thế nào là cảm nhận của bạn, còn Ruben Ostlund thì lại cứ thích “khiêu khích” khán giả xem phim của ông, làm họ cười liên tục vì tình huống trong phim nhưng biết đâu, họ cũng đang tự cười chính bản thân mà chẳng hay biết?
|
Ruben Ostlund chỉ đạo trên trường quay |
Nếu ở The Square, Ruben Ostlund có góc nhìn tương đối mới của một người da trắng về toàn bộ lịch sử Thụy Điển khi mà làn sóng người nhập cư trong vài thập kỷ qua đã làm thay đổi bộ mặt và tính năng động của người dân cũng như góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Thì với Triangle of Sadness, ông lại muốn khắc họa những điều cơ bản nhất thuộc về bản năng con người. Trên bục nhận giải Cành cọ vàng, Ostlund chia sẻ: “Khi bắt đầu làm bộ phim này chúng tôi có một mục tiêu là cố gắng tạo ra một tác phẩm thú vị cho khán giả và mang đến một câu chuyện kích thích tư duy. Chúng tôi muốn khán giả được giải trí. Chúng tôi muốn họ đặt câu hỏi cho chính mình. Và chúng tôi cũng muốn sau buổi chiếu phim khi ra về họ có gì để nói về nó”.
|
Ruben Ostlund trên bục nhận giải |
TRAILER