IMDb : 6.0/10
Ấn Quỷ – The Unholy phép màu niềm tin hay một lời nguyền đáng sợ
The Unholy gia nhập những phim kinh dị kinh điển của “ông trùm kinh dị” Sam Raimi
The Unholy chính là bộ phim kinh dị tiếp theo gia nhập gia tài đồ sộ của Sam Raimi. Tác phẩm được “ông trùm kinh dị” chuyển thể từ tiểu thuyết Shrine của nhà văn được mệnh danh Stephen King Anh Quốc là James Herbert. Với bộ phim lần này, Sam Raimi trở lại với thế mạnh vốn có là quỷ nhập kết hợp trừ tà ghê rợn.
The Unholy xoay quanh câu chuyện một cô bé câm điếc bẩm sinh Alice (Cricket Brown) bất ngờ có lại khả năng nghe và nói. Cô tuyên bố mình được ban phước lành khiến hàng trăm nghìn người tin tưởng. Thế nhưng, họ không biết rằng mình đã rơi vào bẫy của một thế lực hắc ám nhằm chiếm lấy linh hồn của những kẻ mù quáng.
Ngoài kịch bản gốc thú vị, The Unholy còn phát huy được thế mạnh của Sam Raimi thông qua tạo hình gây ám ảnh của ác ma với móng tay sắc ngọn, gương mặt biến dạng trong các đoạn trailer. Đồng thời, phim cũng tạo ra bầu không khí nghẹt thở, chết chóc khắp thị trấn hệt như những gì ông đã làm trong 30 Days of Night hay Don’t Breathe.
Sự góp mặt của Jeffrey Dean Morgan làm nhiều người nhớ đến The Possession khi nam diễn viên vào vai một người cha phải chiến đấu với quỷ dữ để cứu con gái. Trong tác phẩm lần này, Jeffrey đóng vai trò là người điều tra và bảo vệ Alice khỏi ác ma. Với đủ mọi yếu tố kinh dị đặc trưng, The Unholy hứa hẹn sẽ là một trong những bộ phim rùng rợn nhất của “ông trùm kinh dị” Sam Raimi.
Sam Raimi - cha đẻ của loạt thương hiệu kinh dị đình đám
Ở Việt Nam, khán giả đa số biết đến Sam Raimi thông qua bộ ba phim Spider-Man đình đám, mở đầu cho sự trở lại của dòng phim siêu anh hùng thời hiện đại. Thế nhưng, ông vốn bắt đầu sự nghiệp với dòng phim kinh dị và là cha đẻ của hàng loạt thương hiệu ghê rợn.
Tác phẩm đầu tay The Evil Dead của Sam Raimi trở thành thương hiệu kinh điển
Từ năm 16 tuổi, vị đạo diễn tài ba đã làm những thước phim đầu tiên cùng người bạn Bruce Campbell. Ở Đại học, cả hai cùng Robert Tapert thực hiện Within the Woods (1978) - phim ngắn kinh dị 32 phút nhưng thu về tới 375.000 USD.
Ba năm sau, bộ ba này cho ra lò bộ phim kinh dị kinh điển The Evil Dead (1981). Sam Raimi tiếp tục thực hiện tác phẩm thứ ba là Crimewave (1985) cùng anh em nhà Coen. Ông bắt đầu thử nghiệm đưa yếu tố hài vào phim kinh dị thông qua Evil Dead II (1987) và Army of Darkness (1992).
Vốn là một fan của siêu anh hùng, Sam thử nghiệm kết hợp thêm màu sắc kinh dị khi cho ra mắt Darkman (1990). Cũng vì niềm đam mê này, vị đạo diễn được mời thực hiện Spider-Man (2002). Sắp tới đây, Sam Raimi sẽ cầm trịch Doctor Strange In The Multiverse Of Madness - bộ phim siêu anh hùng kinh dị đầu tiên của MCU.
Loạt phim kinh dị sáng tạo và ám ảnh của Sam Raimi
Năm 2002, ông cho ra mắt Ghost House Pictures chuyên thực hiện phim kinh dị với đủ mọi phong cách khác nhau. Sau loạt phim đầu tay Evil Dead xoay quanh yếu tố quỷ nhập xác và chặt chém máu me, Sam đổi hướng sang phim kinh dị rùng rợn là The Grudge (2004).
The Grudge do Sam Raimi sản xuất nổi tiếng không kém gì Ju-on
Đây là tác phẩm làm lại từ Ju-on nổi tiếng Nhật Bản cũng của đạo diễn Takashi Shimazu. Loạt phim có chỗ đứng riêng so với nguyên tác, cũng như gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới. Sam còn đứng sau bộ ba phim kinh dị ăn khách khác là Boogeyman, lấy cảm hứng từ "ông kẹ" trong tủ quần áo.
Năm 2009, Sam Raimi cầm trịch Drag Me to Hell và đạt điểm số 92% trên Rotten Tomatoes. Bộ phim về đề tài quỷ ám được đánh giá là rùng rợn và điên rồ nhất năm. Phim thắng giải Phim kinh dị xuất sắc tại Scream Awards 2009 và Saturn Awards 2010.
Drag Me To Hell được coi là một trong những phim kinh dị nhất lịch sử
Năm 2012, Sam kết hợp với Jeffrey Dean Morgan thực hiện The Possession. Phim thu về 83 triệu USD so với kinh phí chỉ 14 triệu và được nhiều nhà phê bình nhận xét là một trong những tác phẩm trừ tà xuất sắc nhất.
Năm 2015, Sam Raimi làm lại phim kinh dị kinh điển Poltergeist. Một năm sau đó, ông cho ra mắt siêu phẩm Don’t Breathe. Không hề có máu me, cũng chẳng có thế lực siêu nhiên nhưng phim lại khiến khán giả phải nín thở bởi ý tưởng thông minh và cách làm phim sáng tạo, kịch tính.