IMDb : 7.5/10
‘Rust and bone’ – Yêu phần thể xác hay đến vì tâm hồn?
Nếu nhìn sơ qua kịch bản của Rust and bone , ta có thể thấy rằng nhân vật của Marion Cottilard là loại vai dễ nhận được nhiều cảm tình từ giới phê bình, đặc biệt là Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Stéphanie, nàng huấn luyện viên cá voi xinh đẹp bỗng nhiên mất cả hai chân sau một tai nạn thảm khốc diễn ra ngay tại sân khấu nơi cô làm việc. Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, Stéphanie thấy mình nằm trơ trọi một mình trong bệnh viện, với một nửa bên dưới cơ thể đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Tất nhiên, đi cùng với sự ra đi vĩnh viễn của đôi bàn chân là công việc, bạn trai và cả một cuộc sống vốn dĩ bình thường. Tấn bi kịch cuộc đời dành cho một người phụ nữ mà khả năng diễn xuất của Marion đã được kiểm định trước đó với La Vie en Rose (2007). “Cuộc đời màu hồng” nhưng đầy nước mắt của nữ danh ca Édith Piaf đã giúp cô trở thành người thứ hai trong một phim nước ngoài chạm đến tượng vàng Oscar cho vai chính xuất sắc nhất. Một chiến tích không hề dễ dàng vì sau Sophia Loren (Two Women,1962), đã 45 năm mà chưa có ai thực hiện thành công.
Thế nhưng, sau khi có mặt ở rất nhiều giải thưởng lớn bé khác nhau với Rust and bone thì Marion Cottilard lại trượt chân ở phút cuối cùng tại bảng đề cử Oscar 2012, để lại bao tiếc nuối dành cho khán giả hâm mộ. Nếu nhìn một cách tổng quát thì điều đó có vẻ cũng dễ hiểu vì trong tác phẩm của mình, đạo diễn Jacques Audiard không chủ định đào sâu vào những nỗi đau mà Stéphanie phải gánh chịu. Thay vì bi kịch hóa số phận của nhân vật, ông lại cố gắng biến bộ phim thành một câu chuyện lãng mạn dành cho người khuyết tật. Ở những phút bốc đồng trong suy nghĩ, Stéphanie đã có ý định kết liễu cuộc đời mình, nhưng may mắn là cô hồi phục rất nhanh sau đó. Cô thu gom quần áo cũ, vứt bỏ những thứ không còn phù hợp và cần thiết với mình như thể chuẩn bị bước vào một cuộc đời mới. Lý do không gì khác ngoài tình yêu, như ai đó đã nói, chẳng có sức mạnh nào thắng được sức mạnh của tình yêu (không phải tôi).
Chàng trai Stéphanie đem lòng yêu thương là Alain, người mà cô vô tình gặp trong một câu lạc bộ. Riêng tình huống này các nhà biên kịch tạo ra có phần khiên cưỡng. Từ việc nàng không bắt taxi mà để cho chàng, vốn đang làm việc trong câu lạc bộ phải lái xe đưa mình về nhà, cho đến khi đã đến tận nơi thì chàng lại chủ động đòi vô nhà nàng, chỉ để chườm đá vào tay. Rồi cả việc Alain cố tình để lại số điện thoại trong khi thực tế là Stéphanie chẳng có lý do gì để liên lạc với anh ta một lần nữa cả. Như vậy, các nhà làm phim mất khoảng gần bốn phút để “ép” hai nhân vật đến gần với nhau. Nhưng nếu không quá khó tính, bạn vẫn có thể bỏ qua bốn phút này để thưởng thức bộ phim.
Thủ vai Alain cũng không hề kém cỏi. Năm ngoái, nam diễn viên người Bỉ Matthias Schoenaerts vừa đảm nhận vai chính trong Bullhead (2011) – bộ phim được để cử ở hạng mục phim nước ngoài xuất sắc nhất, và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Với vai Alain, Matthias giựt giải César đầu tiên cho diễn xuất triển vọng, dù anh đã đóng hàng chục bộ phim trong suốt hai thập kỷ. Nếu so với vai Jacky trong Bullhead thì nhân vật Alain quá đỗi bình thường. Mặc dù ban đầu Alain được xây dựng như một người gặp nhiều biến cố: gà trống nuôi con, không chốn dung thân, phải ở nhờ nhà chị gái. Nhưng khác với Stéphanie thì câu chuyện của Alain như một quả bom nổ chậm mà chỉ bắt đầu bùng phát về sau, chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa anh và đứa con trai năm tuổi.
Nếu như bi kịch của Stéphanie là khách quan thì bi kịch của Alain là do chủ quan. Anh sẵn sàng lấy đồ ăn thừa của hành khách trên tàu để đút cho con ăn, thà xem người ta đánh nhau trên youtube còn hơn quan tâm đến con. Thậm chí, có một cảnh quay, vì tức giận mà Alain quẳng con mình xuống đất như một thứ đồ chơi, chẳng may đầu cậu bé đập vào cạnh bàn, không khỏi khiến người xem cảm thấy xót xa.
Bỏ qua khuyết điểm ban đầu thì cái hay của bộ phim là đã phát triển được hai nhân vật vừa khác nhau lại vừa có những điểm chung, đều bất ổn trong cuộc sống. Rồi theo thời gian, dần dần hai sợi dây khác màu ấy cứ quấn lấy nhau thật chặt. Một người là “rust”, một người là “bone”, hai hình ảnh tượng trưng cho việc Alain là đôi bàn chân mà Stéphanie không thể thiếu vắng trên đường đời. Nghe có vẻ “hoàn mỹ”, nhưng trong suốt hai tiếng đồng hồ của bộ phim, điểm đáng nhớ không phải là những giây phút hai nhân vật chính chuyện trò tâm sự theo kiểu tình cảm thông thường. Họ lại lãng mạn theo kiểu khác: trên giường.
Ở phương diện này, đạo diễn có vẻ rất tập trung khi lặp lại nhiều lần và mô tả khá trực diện. Nhiều đoạn máy quay đưa thẳng đôi chân bị cắt của Stéphanie vào mặt khán giả, ngay cả khi đôi nam nữ đang ái ân. Và cái cách Alain chủ động đề cập đến chuyện tình dục cũng khá thẳng thắng, trong khi Stéphanie còn khá ngại ngùng về hoàn cảnh của mình. Chính sự vội vã này khiến cho người xem và cả nhân vật cũng không hiểu rõ tình cảm thực sự mà họ dành cho nhau.
“Easy come, easy go”. Bằng chứng là Alain sẵn sàng bỏ rơi Stéphanie để chạy theo một cô gái vừa gặp trong câu lạc bộ. Một hành động không đẹp và khó chấp nhận được. Còn về phần Stéphanie, ta thấy tình cảm của cô dành cho những con cá voi có phần sâu đậm hơn cả. Có một đoạn cô ngồi trên xe lăn ở ban công và tự thực hành lại những động tác huấn luyện ca voi khi xưa. Quá nhớ nghề, cô về thăm lại chú cá voi của mình ngay cả khi đó là kẻ đã đem lại nỗi đau cho mình.
Như vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện của hai gương mặt Matthias Schoenaerts và Marion Cotillard chính là điểm thu hút nhất của bộ phim. Ngay cả khi chưa ra rạp, khán giả đã mong muốn cặp đôi này có những phút giây thật đẹp trong phim. Năm nay (2013), cặp đôi sẽ tiếp tục cùng xuất hiện trong Blood Ties của đạo diễn Guillaume Canet, hứa hẹn nhiều điều để mong chờ.