IMDb : 7.5/10
Thiên thần chiến binh "Alita" được tán dương là "chân thực và xúc động hiếm thấy, thách thức kĩ xảo 3D"
Alita: Battle Angel là câu chuyện được dựa trên bộ truyện manga Nhật bản của Yukito Kishiro. Sau khi được đạo diễn Guillermo del Toro mời gọi, James Cameron đã không ngần ngại dành nhiều năm nghiên cứu và phát triển câu chuyện này dưới góc nhìn điện ảnh. Tuy nhiên, do phải tập trung hết công suất vào những phần tiếp theo của siêu phẩm 3D Avatar nên ông đã lui về hậu trường làm nhà sản xuất và nhường lại vị trí đạo diễn cho Robert Rodriguez.
5 sự khác biệt so với nguyên tác giúp "Alita" thoát lời nguyền phim chuyển thể
1. Alita bản manga có xuất thân khác biệt
Một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt trong bộ phim chính là quá khứ của Alita được nhắc đến rất ít trong anime. Bộ phim hoạt hình không có cảnh hồi tưởng đến cuộc chiến của Gally (tên Nhật Bản của Alita) ở Sao Hỏa, môn võ học thất truyền của Panzer Kunst hay cơ thể Berserker. Có thể nói xuất thân của Alita trên anime không thực sự được chú trọng và phản ánh toàn diện. Tuy nhiên, phiên bản điện ảnh lại tập trung vào việc khắc họa quá khứ, từ đó tác động đến cuộc đời nữ chiến binh.
Quá khứ của Alita được lướt qua nhanh chóng trong bộ manga gốc hay các tập ngoại truyện. Chúng chỉ đề cập tên thật của cô là Yoko và Terraforming Wars (cuộc chiến Trái đất và Sao Hỏa) đã xảy ra hàng thế kỉ trước khi câu chuyện chính diễn ra. Alita: Battle Angel đánh dấu đoạn lịch sử này nhưng vẫn còn lu mờ và hé mở ra vào những phần tiếp theo trong tương lai.
Bộ phim cũng làm một câu chuyện ngoài lề cho cây kiếm huyền thoại Damascus của Alita (Rosa Salazar). Trong manga, nó được kết hợp từ 2 thanh kiếm riêng biệt gắn trên cổ tay nữ nhân vật khi tham gia Motorball. Damascus bản điện ảnh là vũ khí của Thợ săn Zapan (Ed Skrein) bị Alita cướp được trong trận đối đầu cuối cùng.
Xét về tính cách, cả hai phiên bản khá giống nhau khi cho thấy Alita là một người vui vẻ, máu lửa và có vẻ ngây ngô trong thế giới mà cô ấy sống (trừ lúc cô nổi điên lên). Sự khác biệt lớn nhất đó chính là trong bộ anime, tác giả đã để Alita trẻ và hoang dại hơn.
2. Mối quan hệ Alita - Ido khác với nguyên tác
Khác với dự đoán, Tiến sĩ Ido (Christoph Waltz) lại rất gần với Ido trong các phiên bản truyện và hoạt hình khi được miêu tả là nhà khoa học tốt bụng như người cha của Alita. Tuy nhiên, Alita: Battle Angel đã khiến cho mối quan hệ cha con giữa Ido và Alita trở nên sâu sắc hơn nhờ vào chi tiết Ido từng có cô con gái tên Alita đã bị giết bởi một cyborg. Ngoài ra, Ido trong bộ phim gần như không bao giờ đồng ý việc Alita trở thành Thợ săn thì Ido trong anime đã chấp nhận khá nhanh.
Một sự thay đổi khác liên quan đến Ido là về nguồn gốc cơ thể Alita. Trong phim, Berserker là cơ thể chiến binh được Alita tìm thấy sau trong một con tàu chiến Sao Hỏa cũ. Còn ở manga, Berserker được Ido tìm thấy trong một chuyến thám hiểm và dùng làm cơ thể đầu tiên cho Alita.
Chiren (Jennifer Connelly) - vợ cũ của Ido - là một nhân vật chỉ xuất hiện trong anime nhưng vai trò y hệt phiên bản điện ảnh. Cô làm việc cho trùm tội phạm Vector (Mahershala Ali) với hy vọng được gửi trở lại thành phố Zalem. Alita: Battle Angel không giải thích nhiều quá khứ của nhân vật mà chỉ nhắc tới chi tiết sự tương đồng giữa Alita và đứa con gái quá cố khiến cô đổi phe vào phút chót.
Số phận thê thảm của Chiren cũng được tái hiện hệt trong phim hoạt hình khiVector giữ lời hứa đưa cô đến Zalem (hay ít nhất là phần nội tạng). Tuy nhiên, phiên bản anime có màn đối đầu cảm xúc hơn khi Ido đến tìm Vector để trả thù cho vợ chứ không phải Alita.
3. Grewishka trong phim là sự kết hợp ba trong một của những nhân vật khác nhau
Anime Battle Angel đã giới thiệu nhân vật Grewcica, một cyborg khổng lồ, là sự kết hợp từ hai ác nhân Makaku và Kinuba trong manga. Nhân vật này trong Alita: Battle Angel được đổi tên thành Grewishka (Jackie Earle Haley), và được kết hợp với một nhân vật thứ ba. Trong phim, Grewishka đã hoàn thành vai trò một nhân vật phản diện thứ cấp với một lượng đất diễn vừa phải và hoàn thành thêm vai trò của một cyborg khác trong anime: Zahriki - tay cận vệ trung thành của Vector.
Đồng thời, bộ phim cũng mượn cảnh Alita lấy máu một chú chó bị Grewishka giết bôi lên mặt từ anime. Trong khi đó, ở bản manga, cô đã sử dụng bùn để bôi lên mặt.
4. Zapan là một trong những kẻ thù đáng sợ nhất của Alita
Nhân vật Zapan trong Alita: Battle Angel có lẽ đã khá quen thuộc với các fan của truyện tranh. Bộ phim đã đi khá sát nguyên tác khi gã cố tình làm bẽ mặt Alita trong quán bar rồi bị cô nàng đánh "sấp mặt". Thay vì đối mặt trực tiếp, gã chuyển sang vu oan cho Hugo (Keean Johnson) tội giết người và buộc Alita phải giết người yêu. Trong cả phim và truyện tranh, nữ chiến binh đều "cắt đầu" Hugo và nhận tiền thưởng nhưng thực chất lại giữ anh chàng còn sống bằng cách kết nối với trái tim máy của mình. Zapan nhận ra điều này nhưng bị cô nàng chém bay mặt khi chưa kịp can thiệp.
Vai trò trong phim của gã thế là hết nhưng phiên bản truyện tranh của Zapan thì trở nên đáng sợ hơn hẳn sau khi tìm thấy cơ thể Berserker thứ hai. Nhưng trong anime, Zapan gần như không xuất hiện. Gã chỉ xuất hiện trong tập đầu tiên để đối đầu với Hugo nhưng từ bỏ truy đuổi khi anh chàng trốn thoát. Trong phần còn lại của anime, vai trò của Zapan do Thợ săn khác là Clive Lee đảm nhận.
5. Vector nguyên tác không phải kẻ phản diện
Trong bản manga, Vector được miêu tả là một tay trùm khét tiếng song bí ẩn, mập mờ và không rõ phe. Trong khi đó, anime và bộ phim Alita: Battle Angel lại xây dựng Vector thành kẻ phản diện toàn phần. Gã đã lừa Chiren và Hugo rằng chỉ cần làm việc cho anh ta, họ có thể trở lại Zalem. Trên màn ảnh rộng, Vector cũng là kẻ dựng lên âm mưu giết chết Alita tại Motorball và khiến cô tìm cách trả thù.
Trong bản manga, Hugo và Alita đã tìm đến văn phòng Vector để trả thù. Tuy nhiên, trong khi Alita đang chiến đấu với tay cận vệ Zahriki thì Hugo đã bỏ chạy vì nhận ra bản thân không thể nào trở lại Zalem. Sau đó, Alita đã để gã sống sót và gặp lại hắn nhiều năm sau đó. Vector trong anime và điện ảnh đều bị giết sau khi hại Chiren, sự khác biệt là người ra tay ở hai bản lần lượt là Ido và Alita.
5 cảnh siêu mãn nhãn, không thể bỏ qua trong bom tấn “Alita”
1. Bác sĩ Ido lắp cơ thể mới cho Alita
Khi tìm thấy phần còn lại của một người máy với bộ não và trái tim được bảo quản hoàn hảo, bác sĩ Dyson Ido (Christoph Waltz) đã lấy cơ thể người máy vốn định làm cho con gái để cấy vào người máy kia và lấy tên con gái mình là Alita đặt cho cô bé. Cảnh phim gây cảm động bởi sự tận tâm và dịu dàng của Ido cứ như thể người máy trước mặt là con gái của mình vậy. Trong khi đó, các chi tiết tinh xảo và phức tạp của cơ thể máy từ các bánh răng, bộ truyền động cho tới hình chạm khắc rất chân thật cho thấy độ tận tâm của công ty kỹ xảo Weta Digital.
2. Quang cảnh Zalem từ dưới nhìn lên
Là một trong những thành phố bay cuối cùng còn trụ vững sau The Fall (Cuộc Sụp Đổ), Zalem là ước mơ của những cư dân nheo nhóc trong Thành phố Sắt được đổi đời. Đứng từ những tòa nhà xiêu vẹo dưới mặt đất nhìn lên, Zalem giống như thiên đường mà ai cũng khao khát được trở thành một phần: những tòa nhà sáng bóng, cuộc sống tiện nghi và văn minh tránh xa khỏi "bãi rác" đầy những kẻ cặn bã của Thành Phố Sắt. Hình ảnh tòa thành phố lơ lửng trên bầu trời là một trong những khoảnh khắc không thể quên trong Alita: Battle Angel.
3. Lần đầu chạm trán Grewishka
Trong khi vẫn còn làm quen với cơ thể mới, Alita đã có dịp chạm trán với người máy nguy hiểm Grewishka (Jackie Earle Haley) cùng hai đồng bọn. Tại đây cô đã có dịp trình diễn khả năng chiến đấu đẳng cấp khi với sự trợ giúp của bác sĩ Ido, họ đã hạ gục hai cyborg và khiến cho Grewishka khổng lồ thương nặng tới mức phải bỏ chạy.
Ấn tượng hơn, Alita chỉ sử dụng tay không mà vẫn thắng được những robot vũ trang tới "tận răng".
4. Alita tái đấu với Grewishka
"Cúp đuôi" chạy về để được nâng cấp cơ thể, Grewishka quyết tâm tái đấu với Alita lần này là trên "sân nhà" của hắn. Tại đây cả hai đã có một cuộc chiến dữ dội khi Grewishka có được lợi thế về sức mạnh lẫn địa bàn là khu đường hầm bẩn thỉu và tối tăm. Cảnh chiến đấu đẹp mắt giữa hai cyborg: một to lớn được tích hợp những vũ khí chiến đấu tối tân và một bé nhỏ nhưng "có võ" là một trong những điểm nhấn chính của bộ phim. Cuối đoạn phim còn có cảnh đàn chó máy của Thợ Săn Tiền Thưởng McTeague vào cuộc.
5. Đường đua Motorball
Được coi là tấm vé duy nhất để tới Zalem, Motorball là trò chơi nguy hiểm thu hút sự quan tâm của toàn thể người dân của Thành Phố Sắt. Ngay từ khi tham gia trong giải "ao làng", Alita đã chứng tỏ tiềm năng của mình khi lần lượt hạ gục các đối thủ sừng sỏ chỉ bằng tay không. Được mệnh danh là Thiên Thần Chiến Binh, cô bé cyborg này không những vượt trội về tốc độ mà còn là kỹ thuật chiến đấu trong khi hoàn thành đường đua với các chướng ngại vật nguy hiểm. Cảnh đua tốc độ và đánh bại đối thủ của Alita xứng đáng được coi là một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất phim