Khi sự đổ lỗi không thay đổi được số phận
Biến cố xảy ra đến với Jeff là vì anh đến cổ vũ cho Erin. Nhưng lúc bối rối nhất là khi Jeff đang nằm bất tỉnh trong phòng bệnh thì gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của anh cũng luôn tranh cãi với nhau nhưng không hề đổ lỗi cho Erin dù là một câu nói bóng gió. Và ngay cả khi Jeff tỉnh dậy, anh chỉ hỏi “Erin có sao không?”.
Chỉ những điểm nhỏ ấy, ta có thể thấy được sự nhân văn trong cách sống và có lẽ, họ cũng hiểu việc đổ lỗi không làm cho Jeff có lại đôi chân. Trong câu chuyện này thì Erin vẫn là người đau khổ nhất dù tai nạn xảy ra hoàn toàn không phải ý muốn của cô và cô cũng không hề chủ động mời Jeff đến cuộc thi. Chi tiết này cho thấy tình nghĩa giữa hai người lúc này đã vượt trên cả một mối tình cảm trai gái đơn thuần.
Chúng ta đôi khi phải sống cho người khác
Sau khi Jeff giúp FBI, anh đã trở thành một biểu tượng của Boston, một người hùng. Nhưng không ai hiểu Jeff đang trải qua chuyện gì. Mọi người vui mừng, hò reo khi gặp Jeff nhưng không ai có thể chia sẻ sự mất mát mà anh đang gặp phải.
Những câu nói nửa đùa nửa thật “có anh hùng nào không có chân như tôi”, “thậm chí tôi còn không thể đi lại” khiến ta phải chạnh lòng. Và chính anh đã ôm hết những nỗi đau, sự dằn vặt rồi giấu kín nó thành những tiếng khóc nấc trong đêm nơi phòng kín. Anh không muốn ai biết được nỗi đau thật sự của mình, đặc biệt là người mẹ Patty vì sợ bà phải lo lắng.
Còn về Erin, cô đã bỏ việc, bỏ gia đình để đến chăm sóc cho Jeff. Nhưng những lần say xỉn, cáu gắt của Jeff, và cả những khắc khẩu của giữa bà Patty và cô đã chạm đến mức chịu đựng giới hạn của cô. Thậm chí khi biết Erin mang thai, Jeff lại không hề vui mừng mà lại trách mắng cô. Cô dành tất cả cho Jeff nhưng giờ cuộc sống của Erin dường như bắt đầu lại từ con số 0. Nhưng cô vẫn không hối hận về điều đó, cô sẽ không bỏ đứa con ngay cả khi Jeff muốn, cô làm tất cả vì tình yêu, chứ không phải vì sự thương hại.
Thông qua Jeff và Erin, chúng ta có thể thấy được sự hi sinh vì người khác. Dù là việc giấu đi nỗi đau hay bỏ cả tương lai vì một người đàn ông tật nguyền. Đó là một đức tính tốt đang bị mai một dần trong xã hội sống chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân.
Mỗi chúng ta là một người truyền cảm hứng
Jeff là niềm cảm hứng của rất nhiều người trong suốt bộ phim nhưng chính anh lại không thể tìm ra được mục đích sống. Chỉ đến tận khi Jeff gặp lại Carlos- người đã sơ cứu Jeff vào ngày định mệnh đó, Jeff mới hiểu anh còn sống đã là một đặc ân quá lớn và trở thành nguồn động lực lớn trong anh.
Tiếp đến là sự hy sinh của mẹ Jeff, của Erin, tình cảm của người thân, bạn bè và đồng nghiệp của Jeff, những con người mà cậu không bao giờ ngờ đến được là sẽ dành nhiều sự quan tâm và tình yêu thương cho cậu đến như vậy. Chính những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt, rất giản đơn trong cuộc sống lại có thể thay đổi được cả số phận một cong người.
Năm 2017 có thể gọi là một năm thành công của Jake Gyllenhaal khi mà những bộ phim anh thủ vai đều tạo được dấu ấn. Đặc biệt với thể loại phim tâm lý, tiểu sử lại không dễ nhập vai, nhưng Jake vẫn truyền tải được những nỗi đau, nỗ lực, tuyệt vọng mà Jeff đang trải qua.
Còn Tatiana, cô dường như chỉ có duyên với những bộ phim tâm lý. Và nhân vật Erin đủ đất diễn cho cô giãi bày cảm xúc. Cô thăng hoa cùng nhân vật và cũng đau khổ cùng nhân vật. Và điểm đặc biệt hơn khi cô có vẻ ngoài khá giống với Erin ngoài đời thật.
Một điểm cộng rất lớn ở bộ phim là đã không tạo cảnh nặng nề ngay từ đầu phim vì đạo diễn David Gordon Green đã cố tình cho cảnh máu me của Jeff trong vụ đánh bom vào đoạn cuối của phim. Nhờ vậy, người xem có cảm giác rất thoải mái, không bị ám ảnh bởi những cảnh quá thương đau khi bắt đầu xem một bộ phim tiểu sử.
Đối với những thể loại tiểu sử thì ít nhiều khi xem phim, bạn đã có thể đoán được kết cục bộ phim. Nhưng bộ phim sẽ cho bạn hiểu hạnh phúc không phải là đích đến, hạnh phúc là quá trình. Cuộc sống vốn luôn có những điều kỳ diệu, hãy trở thành người hùng trong chính cuộc sống của mỗi chúng ta.