‘Chàng vợ của em’: Charlie Nguyễn - Thái Hòa tái lập phong độ đỉnh cao
Tác phẩm mới của bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa có thể không mang nhiều nét đột phá so với cá nhân họ, nhưng đó là màn phục hồi phong độ mạnh mẽ của cả hai sau “Fan cuồng”.
Charlie Nguyễn tái ngộ Thái Hòa, và chiêu mộ thêm Phương Anh Đào cho Chàng vợ của em sau thất bại của Fan cuồng.
Charlie Nguyễn luôn nằm trong nhóm đạo diễn “mát tay” của điện ảnh Việt. Lần lượt Để Mai tính, Long ruồi hay Tèo Em do anh trực tiếp thực hiện, hoặc Em chưa 18trong vai trò nhà sản xuất, đều đạt doanh thu cao và được công chúng ghi nhận.
Song hành với Charlie Nguyễn thường là Thái Hòa, nhưng bộ đôi bỗng dưng trở nên “mất thiêng” khi mạo hiểm chọn đề tài xuyên không - âm nhạc với Fan cuồng hồi mùa hè năm 2016.
Trong khoảng hai năm qua, Charlie Nguyễn không có tác phẩm nào mới trên cương vị đạo diễn, còn Thái Hòa cũng chẳng để lại được dấu ấn qua Vệ sĩ Sài Gòn (2016). Cả hai quyết định trở lại bằng Chàng vợ của em. Tác phẩm thuộc dòng hài - lãng mạn quen thuộc từng đưa bộ đôi tới thành công.
Chọn thể loại hài - lãng mạn quen thuộc, thậm chí là an toàn đối với sự nghiệp, Charlie Nguyễn quyết định xây dựng tác phẩm mới trên cái nền là chủ đề nóng bỏng của xã hội hiện đại: bình đẳng giới.
Câu chuyện xây dựng trên nền chủ đề bình đẳng giới tính
Song, mọi chuyện hoàn toàn khác đối với Mai (Phương Anh Đào). Xinh đẹp, mạnh mẽ, giàu có, nhưng đổi lại, cô gái luôn bận rộn trăm công nghìn việc tại công ty, hàng ngày phải đối đầu với “đám đàn ông ở công ty”.Từ trước tới nay, người Việt vốn quen với hình ảnh người phụ nữ lúi húi trong bếp, phục vụ cơm nước cho chồng con, còn người đàn ông thì ra ngoài xã hội làm việc, kiếm tiền.
Mai bận đến nỗi không có thời gian chăm sóc chó cưng, nhà cửa thì bừa bộn, và bản thân không còn khái niệm “bữa cơm gia đình”. Người phụ nữ hiện đại, sành điệu ấy chẳng cần bất cứ đấng mày râu nào chu cấp kinh tế, nhưng lại khao khát một “chàng vợ” có thể thay mình tề gia nội trợ, làm hậu phương vững chắc cho cô thỏa chí tung hoành.
|
Mai và Hùng trong phim rất khác với hình ảnh thường thấy của đàn ông và phụ nữ trong xã hội Việt Nam. |
Song, trong cái xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, Mai biết tìm đâu một người đàn ông chấp nhận làm “cái bóng” sau lưng cô?
Đúng lúc đó, Mai có cơ duyên gặp gỡ hai anh em Hùng (Thái Hòa) và Ngọc (Thanh Trúc). Chàng trai mở một tiệm sách cũ tại nhà, hàng ngày chăm sóc cô em gái bướng bỉnh.
Nếu như Mai rất ghét Hùng vì toàn gặp anh trong hoàn cảnh trớ trêu, thì cô lại vô cùng tin tưởng Ngọc, giao cho cô bé công việc dọn dẹp nhà cửa. Do bận học, Ngọc bèn đùn đẩy trách nhiệm đó cho anh trai, và rốt cuộc chính Hùng mới là người thường xuyên tới nhà Mai thu dọn, chăm sóc thú cưng, nấu nướng, và an ủi cô qua điện thoại.
Nhưng dù sớm hay muộn, bí mật rằng chính Hùng là “chàng vợ” suốt bấy lâu cũng sẽ lộ ra, và đưa Mai tới khoảnh khắc quyết định của cuộc đời cô.
Khéo léo lồng ghép thông điệp tình thân
Người xưa có câu “đàn bà xây tổ ấm”, nhưng cả Mai và mẹ cô đều vì mải miết theo đuổi sự nghiệp riêng mà bỏ quên thiên chức đó. Thiếu vắng tình cảm gia đình, thiếu đi hơi ấm chăm sóc của người phụ nữ, từ ngôi nhà cho đến trái tim những đứa con đều lạnh lẽo, quạnh hiu.Không chỉ đơn thuần khắc họa câu chuyện tình cảm giữa Hùng và Mai, hay câu chuyện nữ quyền và bình đẳng giới, Chàng vợ của em còn khéo léo lồng ghép thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình.
Khao khát vượt ra khỏi cái bóng của người mẹ nổi tiếng và cũng để chứng tỏ bản thân, Mai không ngừng lao đầu vào công việc để khẳng định vị thế tại môi trường “toàn đàn ông”. Bề ngoài cứng cỏi là thế, nhưng người đẹp thực tế luôn mệt mỏi vì áp lực và nỗi cô đơn.
|
Sau Nhắm mắt thấy mùa hè, Phương Anh Đào tiếp tục ghi điểm nhờ Chàng vợ của em. |
Do “nàng thơ” mới của điện ảnh Việt là Phương Anh Đào đảm nhận, với ngoại hình xinh đẹp, thông minh, nhưng không kém phần mong manh, nữ tính, nhân vật Mai với nhiều khía cạnh tính cách đối lập rất dễ giành được sự đồng cảm từ khán giả, đặc biệt là phái đẹp.
Ngày nay, rất nhiều phụ nữ phải đương đầu với công việc bận rộn và có tham vọng lớn, khiến họ không còn thời gian cũng như khả năng cáng đáng việc nhà. Không ít người phải chịu sự dằn vặt, trách móc của người thân và xã hội, mà chẳng mấy ai cảm thông cho những gì họ phải chịu đựng.
Có lẽ đến một lúc nào đó, những người chồng, người cha cần phải gạt qua quan điểm phong kiến cổ hủ để trợ giúp đằng sau người phụ nữ của mình, chăm lo cho gia đình thay người phụ nữ.
Đối lập với Mai, nhân vật Hùng của Thái Hòa chủ yếu mang lại tiếng cười cho khán giả bằng những hành động ngốc nghếch, dễ thương. Vai diễn này không đem lại nhiều thách thức cho Thái Hòa, nên anh không tạo ra nhiều đột phá thực sự.
Nếu có điểm gì đáng khen, thì là cách danh hài tiết chế lỗi diễn, không có những pha hài dơ hoặc thô như các phim trước.
|
Thái Hòa vẫn hài hước như thường thấy, nhưng diễn tiết chế đến mức đáng ngạc nhiên ở Chàng vợ của em. |
Khi đứng cạnh nhau, cả ngoại hình lẫn tuổi tác của Thái Hòa đều tỏ ra quá chênh lệch so với Phương Anh Đào. Do đó, sự chuyển đổi nhanh chóng từ ghét sang yêu giữa hai người ở cuối phim vẫn còn hơi khiên cưỡng.
Tuyến nhân vật phụ trong phim đều làm tốt nhiệm vụ, dù đất diễn dành cho họ là tương đối hạn chế. “Soái ca” Hứa Vĩ Văn bình thường đôn hậu, dịu dàng là thế, nhưng trong Chàng vợ của em bỗng trở thành kẻ gia trưởng, đam mê quyền lực với nhiều toan tính thâm sâu.
Hay gương mặt mới Thanh Trúc trong vai cô em gái bướng bỉnh nhưng hoàn toàn không khiến người xem ghét bỏ. Cô bé vừa cứng cỏi, vừa đáng yêu, và luôn tỏ ra rất hiểu chuyện. Những nét tính cách ấy khiến cô em gái của Hùng dễ dàng gây thiện cảm đối với khán giả.
Nỗi cô đơn nơi thành thị
Sau tất cả, thứ lắng đọng sau những tràng cười và cảm xúc nồng nhiệt với Mai - Hùng trong Chàng vợ của em, chính là nỗi cô đơn nơi thị thành của người trẻ.
Dù giàu hay nghèo, dù thành đạt hay chỉ sở hữu tiệm sách cũ, tất cả đều mang một khoảng trống trong lòng. Cách mà Mai nựng chó cưng, dùng thật nhiều tiền và quà tặng quý giá để đền đáp sự chăm sóc của “Ngọc” (thực chất là Hùng), hay cách Hùng “mua chuộc” cô em gái bằng cây đàn piano… đều là phương pháp mà họ dùng để níu giữ chút gần gũi từ người khác.
Suy cho cùng, dẫu mạnh mẽ đến mấy hay đạt được bao nhiêu quyền lực tiền tài, con người cũng không thể chịu nổi cuộc sống cô độc. Chính dòng suy tư ấy giúp tác phẩm trở nên chân thực, thấm thía hơn với những cá nhân trưởng thành tại các đô thị lớn, đặc biệt là những ai đang thiếu thốn tình cảm.
|
Trong cả Hùng lẫn Mai luôn tồn tại một khoảng trống tạo thành bởi nỗi cô đơn. |
Tạo ra bầu không khí dễ chịu ngay từ ban đầu, đạo diễn Charlie Nguyễn đã rất thành công trong việc duy trì điều đó gần suốt toàn bộ tác phẩm. Chỉ có đôi lúc, các đoạn thuyết trình của nhân vật trong phim nghe còn sáo rỗng, hoặc giọng miền Bắc bỗng dưng cất lên vô cùng “lạc quẻ” so với tông chung.
Nhìn chung, Charlie Nguyễn và Thái Hòa không mang nhiều sự đột phá so với chính bản thân đến cho Chàng vợ của em. Họ gần như chỉ lặp lại những gì từng giúp bản thân gặt hái thắng lợi, và tỏ rõ sự am hiểu về thị hiếu khán giả.
Nhưng chỉ cần vậy thôi cũng đủ giúp Chàng vợ của em trở thành cái tên ấn tượng hiếm hoi của điện ảnh Việt kể từ đầu năm.