Những hình ảnh quặn lòng về thảm sát Mỹ Lai
Chỉ trong vài giờ, lính Mỹ đã tàn sát hơn 500 thường dân không có vũ khí ở Sơn Mỹ, gây nên một tội ác cực kỳ man rợ.
Thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ là một tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí,
trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể[6]. Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này.
Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam, và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972.
Những báo cáo đầu tiên của các đơn vị lính Mỹ đã tuyên bố rằng "128 Việt Cộng và 22 dân thường" bị giết tại làng sau "cuộc đọ súng ác liệt". Theo báo Stars and Stripes của Lục quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó đưa tin thì "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày". Những báo cáo sau này của phía Việt Nam thì tuyên bố rằng "toàn bộ số người dân bị lính Mỹ giết tại Mỹ Lai đều là dân thường".
Tháp tùng với đại đội Charlie hành quân vào “Làng Hồng” hôm đó có Ronald Haeberle, trung sĩ, nhiếp ảnh viên quân đội Mỹ. Theo thời hạn quân ngũ, Haeberle chỉ còn 11 ngày nữa sẽ được về nước và giải ngũ. Chắc anh cũng không ngờ rằng mình sẽ thành một chứng nhân quan trọng góp phần đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới.
Hôm ấy Haeberle mang theo 3 máy ảnh, 2 chiếc lắp phim đen-trắng và 1 chiếc lắp phim màu. Sau vụ thảm sát, Haeberle nộp 40 bức ảnh đen-trắng cho quân đội, còn 18 bức ảnh màu thì giữ lại cho mình. Mười tám tháng sau, khi vụ thảm sát được phát giác ở Mỹ, Haeberle đã công bố các bức ảnh màu này khiến chính quyền Mỹ hết đường chối cãi. Kèm theo 18 bức ảnh là những lời kể hết sức chi tiết và rõ rệt của tác giả.
Haeberle kể trên tạp chí Mỹ Đời sống (Life): “Tôi đến đại đội C lúc 6 giờ sáng ngày 16/3/1968, trước lúc mặt trời mọc. Không ai giải thích gì cho tôi về cuộc hành quân này. Vừa ra khỏi máy bay trực thăng, tôi đã nghe tiếng súng nổ ran. Liếc sang bên cạnh, thấy những thân người ngã gục, nhưng tôi không quay lại.
Một số thường dân Việt Nam, chắc khoảng 15 người, phần lớn là đàn bà và trẻ con, đang đi trên đường, cách đó chừng 100 thước Anh. Bất thình lình lính Mỹ bắn vào họ bằng súng M.16 và cả súng phóng lựu M.79. Trước cảnh tượng ấy, tôi không dám tin vào chính mắt mình nữa”. Ở một chỗ khác, Haeberle kể, “Ngay phía bên phải, tôi thấy một người đàn bà, đầu chị ta nhấp nhô khỏi một bụi rậm. Tất cả lính Mỹ ở đó lập tức nhằm vào đó mà bắn, bắn mãi không thôi, người ta có thể thấy từng mảnh thịt xương bay lên tung tóe”.
Trung đội 1 của Calley là đơn vị đầu tiên xông vào xóm Thuận Yên và triển khai cuộc tàn sát có kế hoạch, có phương pháp, trong đó lính Mỹ được chia thành nhiều tốp, tỏa đi các hướng, nhóm này thì bắn giết, lùng bắt dân, nhóm khác đốt nhà, giật mìn đánh sập các hầm trú ẩn, nhóm nọ lại bắn giết trâu bò, chặt phá cây cối. Cũng như ở xóm Mỹ Hội thôn Cổ Lũy, lính Mỹ ở đây cũng đạt tới đỉnh cao của sự huỷ diệt. Các bức ảnh của Haeberle đã ghi lại rành rành những cảnh đó.
Lúc lính Mỹ xông vào nhà thì gia đình bà cụ Nguyễn Thị Đốc đang tụ tập bên mâm cơm sáng - chỉ là cơm nguội với củ lang. Lính Mỹ bất thần xông đến, bắn xối vào mâm cơm. 9 người đã chết: gồm chồng bà, vợ chồng người con trai trưởng, đứa con gái và các cháu nội, ngoại. Đứa cháu nội đầu văng lông lốc mà miệng vẫn còn ngậm chặt củ khoai lang.
Chính bà, nhờ bị thương nằm im ở đó và ba đứa cháu nhờ chưa ngồi vào mâm cơm đã thoát chết. Cạnh nhà bà cụ Đốc là nhà ông Đặng, cả 6 người trong gia đình cũng đang ngồi bên mâm cơm thì bị lính Mỹ kéo vào nổ súng bắn chết hết và thiêu rụi luôn căn nhà. Gia đình cụ Lê Lý 7 người đều bị lính Mỹ lùa xuống hầm rồi giật mìn giết sạch. Gia đình ông Liên 5 người, gia đình ông May 6 người, gia đình ông Nguyên 4 người cũng không còn ai sống sót.
Ông cụ Trương Thơ, lúc ấy đã 72 tuổi, bị lính Mỹ tóm lấy râu lôi từ nhà ra sân, bị đánh nhừ tử. Lính Mỹ cắt cả chòm râu lẫn cằm dưới của cụ, xô cụ xuống giếng rồi ném lựu đạn theo. Cụ Mục Lại cũng bị bọn lính vặt râu làm trò cười rồi bị bắn chết. Trong một bức ảnh Haeberle chụp một cụ già ngồi xệp dưới đất, mắt nhìn thẳng căm uất, tác giả kể: “Người đàn ông này đã già và đi lại khó khăn, run rẩy tựa hồ không đứng vững nổi. Ông ta nhìn như muốn kêu lên. Vừa quay đi, tôi nghe hai phát súng nổ”.
Với trẻ em, lính Mỹ cũng không chùn tay tàn sát. Một phóng viên khác của quân đội Mỹ cũng đi theo cuộc hành quân là anh Jay Roberts, kể, “Một đứa trẻ nhỏ xíu chỉ mặc một chiếc áo ngắn đang bò lê trên đống xác chết và nắm lấy bàn tay của ai đó, chắc là mẹ nó. Một lính Mỹ đi sau tôi quì xuống và bắn chết nó bằng một phát đạn”.
Một trong các bức ảnh gây niềm thương tâm sâu sắc nhất trong dư luận là cảnh hai em bé nằm sấp trên đường bên một thửa ruộng với lời kể của Haeberle: “Khi hai đứa bé bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để che chở em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai”. Một cảnh tượng thương tâm khác, Haeberle kể: “Một đứa trẻ chập chững bước lại chỗ chúng tôi.
Nó chẳng hề kêu khóc một tiếng”. Haeberle quì xuống chụp ảnh đứa bé. Một lính Mỹ cũng quì xuống bên cạnh rồi “bắn ba loạt đạn vào đứa bé. Loạt đầu đẩy bật nó ra sau, loạt thứ hai hất nó tung lên, loạt thứ ba quật nó ngã sấp. Sau đó tên lính thản nhiên đứng dậy bước đi”.
Đối với phụ nữ, trước khi giết chết một cách man rợ, lính Mỹ đã giở những trò thú vật ghê tởm. Em Phạm Thị Mùi mới 14 tuổi bị nhiều tên lính thay nhau hãm hiếp bên cạnh xác người mẹ vừa bị bắn chết cùng đứa em thơ. Hiếp xong, lính Mỹ đẩy em vào nhà rồi châm lửa đốt.
Mỗi lần Mùi cố bò ra, bọn lính lại xô vào nhà cho đến khi em bị lửa thiêu chết mới thôi. Lửa cũng thiêu cháy luôn xác của mẹ và đứa em thơ bên cạnh. Em Đỗ Thị Nguyệt, hồi ấy 12 tuổi, bị mổ bụng. Bà cụ Trương Thị Dậu 60 tuổi bị hai lính Mỹ hiếp trước khi bị giết.
Một trong những tấm ảnh màu của Haeberle đăng trên tạp chí Mỹ Đời sống số ra ngày 19/1/1970 là cảnh một tốp phụ nữ và trẻ em Việt Nam đứng tụm lại với nhau, kèm lời thuật: “Haeberle và Roberts chăm chăm nhìn bọn lính tiến lại gần một tốp phụ nữ và trẻ em - trong đó có một cô bé độ 13 tuổi, mặc bộ quần áo bà ba đen. Một gã lính Mỹ tóm lấy em và được mấy tên kia giúp sức, lột quần áo em ra.
Chúng lột quần áo cô bé trong khi chung quanh xác đổ, nhà cháy. Mẹ cô bé ra sức cào cấu bọn lính để cứu lấy con. Một tên lính đá đít bà, tên khác tát bà túi bụi. Haeberle nhảy tới chụp ảnh tốp phụ nữ. Trong ảnh ta thấy em bé gái núp sau mẹ, đang tìm cách cài cúc áo nơi ngực. Tôi nghe một loạt đạn M.60 nổ - Roberts kể - và khi chúng tôi quay lại thì cả tốp phụ nữ lẫn con cái họ đều chết cả”.
Sự man rợ của lính Mỹ thể hiện cao độ khi chúng gom dân lại và tàn sát tập thể hàng chục, hàng trăm người cùng một lúc
Khi đại đội Charlie của Medina rút đi, Sơn Mỹ đã chìm trong khói lửa, chết chóc. Lửa tràn thôn xóm, khói cuộn mù trời, máu ngập đỏ lòng mương, lai láng trên ruộng lúa, đường làng. Xác người ngổn ngang ngoài ngõ xóm, trên nền nhà cháy trụi, bên miệng hầm lở sập.
Chỉ riêng ở thôn Tư Cung, trong vòng buổi sáng ấy, lính Mỹ đã giết hại 407 người, hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em. Có 24 gia đình bị giết sạch. Riêng ở con mương cuối xóm Thuận Yên, lính Mỹ đã tàn sát tập thể 170 người.
Nơi Nhà Chứng tích Sơn Mỹ xây dựng gần con mương cuối xóm Thuận Yên hôm nay có một bản kê sau đây với đầy đủ tên tuổi của các nạn nhân của vụ thảm sát năm ấy:
Tổng số người bị sát hại: 504 người. Trong đó có: 182 phụ nữ (có 17 người đang mang thai), 173 trẻ em (có 56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi, 89 trung niên. Về của cải: có 247 căn nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết.
Tuy nhiên, di hại của vụ thảm sát không chỉ có bấy nhiêu. Còn có nhiều người khác mang vết thương khó lòng chữa khỏi về thể chất lẫn tinh thần không thể thống kê nổi. Hậu quả của vụ thảm sát năm nào vẫn còn âm ỉ, nhức nhối trong lòng những người dân quen sống hiền hòa, thầm lặng nơi đây.
TRAILER