Không nhịn được cười với "Cừu quê ra phố"
IMDB: 8.1/10
Shaun the Sheep là một series phim hoạt hình còn khá mới, ra mắt năm 3/2007. Cừu Shaun ban đầu chỉ là một nhân vật phụ trong một bộ phim ngắn ra mắt từ năm 1995 nhưng được nhiều khán giả yêu thích nên được làm cho hẳn một loạt phim riêng.
Bối cảnh của loạt phim này chỉ quanh quẩn ở một nông trại nhỏ nhưng rất cuốn hút khán giả với những câu chuyện, tình huống hài hước, thông minh của cừu Shaun và đám bạn cừu, chó, lợn, bò…Đầu năm nay thì hãng Aardman Animations cho ra mắt bộ phim dài đầu tiên về chú cừu Shaun.
Truyện phim kể về kế hoạch nghịch ngợm quá đà của Shaun khi vô tình khiến chiếc xe và ông chủ (đang ngon giấc bên trong) bị lăn vào thành phố. Để “chuộc tội”, Shaun lên kế hoạch giải thoát cho ông chủ và đưa bầy cừu về nhà.
Trước hết phải nói qua một chút về Aardman Animations. hãng này có phong cách làm phim theo hướng cổ điển là stop-motion chứ không làm phim 3D vi tính như trào lưu hiện nay. Đổi lại, phim của hãng này đều có chất riêng, xem rất thú vị như Chicken Run, Wallace & Gromit hay Flushed Away. Shaun the Sheep movie cũng được làm theo phong cách này.
Cách thể hiện của Shaun the Sheep movie không khác nhiều so với series phim. Những điều khác là Shaun và bạn hữu có một câu chuyện dài hơn, một cuộc phim lưu lớn hơn và bối cảnh cũng trải rộng ra tận thành phố.
Phim vẫn giữ nguyên phong cách hài hước, dí dỏm như trong series. Đó là cái hài nhẹ nhàng, đáng yêu, tự nhiên kiểu Anh chứ không quá cường điệu hoặc mạnh mẽ, dữ dội như nhiều bộ phim hoạt hình của Mỹ. Cái hài này xuất hiện trong những hành động bình thường của các nhân vật và cách các nhân vật xử lí hậu quả do mình gây ra.
Điểm cuốn hút của Shaun the Sheep movie còn nằm ở cách tạo hình các nhân vật trong phim. Tất cả đều rất ngộ nghĩnh, dễ thương, đáng yêu và gần gũi, từ nhân vật phản diện cho đến chính diện. Mỗi nhân vật đều có cái hồn riêng thể hiện cá tính của mình. Nhân vật trung tâm đương nhiên vẫn là chú cừu bé nhỏ Shaun với vẻ ngoài lém lỉnh, tinh nghịch, nhanh nhẹn đôi khi có phần tinh quái.
Một điểm đặc biệt ở bộ phim này là hoàn toàn không có phụ đề. Tất cả lời thoại của các nhân vật chỉ là những tiếng u ơ, ê a hoặc tiếng cừu tiếng chó. Nhưng khán giả vẫn có thể hiểu được tất cả những gì nhân vật muốn truyền đạt do cách dựng phim và ý đồ kịch bản rất tốt
20 nghệ sĩ đã phải làm việc liên tục trong 10 tháng để có được 85 phút của 'Cừu quê ra phố'. Mỗi tuần họ thực hiện chừng 40-50 cảnh quay chỉ để tạo ra chừng 2 phút rưỡi xuất hiện trên phim. Và mỗi nghệ sĩ đều cố gắng làm được chừng 3 giây ghi hình mỗi ngày. Càng nhiều nhân vật, nhiều chuyển động xuất hiện trong 1 cảnh quay thì công việc càng phức tạp và nặng nề. Nói vậy để thấy công sức tạo nên một bộ phim hoạt hình theo phong cách stop-motion nhiều đến mức nào.
Có thể hình dung về khối lượng công việc và độ phức tạp của 'Cừu quê ra phố' qua các con số. Những con rối bé xíu chỉ cao chừng 16cm được đặt vào từng bối cảnh, làm từng chuyển động tỉ mỉ đến mức một chuyên gia hoạt hình phải mất đến cả ngày chỉ để có được 2 hay 3 giây ghi hình.. Hai giây là thời lượng trung bình mà các họa sỹ dựng cảnh phải hoàn thành trên phim trong một ngày. Shaun The Sheep Movie cần tới mười tháng để quay và một năm trước để chuẩn bị.
Trong thời gian tiền sản xuất Shaun The Sheep Movie, các nhà làm phim hoạt hình đã dự thảo tới 79,237 kịch bản trước khi bắt tay vào dựng bộ phim. Các nhà làm phim đã sử dụng 80 mét lông cừu để tạo ra bầy cừu bạn thân của Shaun. Số lượng này chỉ ngắn hơn chiều cao của tháp đồng hồ Big Ben có 16m. Người ta phải dùng một thứ keo xịt chế tạo riêng phun lên bộ lông để giữ cho lông của Shaun trông thật tuyệt, trước mỗi lần quay phim.
Mỗi con rối cần tới 16 tuần để thực hiện từ lúc phác thảo đến khi hoàn thành. Có tới 354 con rối bao gồm 57 con người, 116 con cừu, 29 con chó, 6 con gà, 12 con heo, 8 con chim, 7 con gián và những động vật khác gồm 2 con mèo, 2 con vịt, 1 con gà trống, 2 con bò đực, 1 con bò cái, 2 con dê, 2 con nhím, 1 con cá vàng, 1 con tắc kè, 1 con rùa, 1 con nhện, 1 con bướm và 2 con tôm hùm.được sử dụng trong toàn bộ quá trình quay phim. Số lượng khung hình dựng thủ công trong bộ phim hoạt hình Shaun The Sheep Movie là 549,777.
Và công sức của các nhà làm phim đã được đền đáp xứng đáng khi họ đã cho ra một bộ phim làm hài lòng mọi đối tượng khán giả, dù là người lớn hay trẻ con, thích hay không thích phim hoạt hình. 'Cừu quê ra phố' nhận được hầu hết lời khen từ giới phê bình với 100% giới phê bình trên Rotten Tomatoes cho 'Cừu quê ra phố' nhận xét tích cực. Trang IMDB chấm 8.1/10 điểm. Đây có thể nói là bộ phim hoạt hình xuất sắc mở màn 2015.
Không phải là phim hoạt hình bom tấn của Hollywood với những bối cảnh hoành tráng, kỹ xảo hoa mắt hay kinh phí 'khủng' nhưng 'Cừu quê ra phố' dù chỉ có chi phí 8 triệu USD lại thu hút người xem bởi những khung hình bình dị, những tình huống chân thực và thông điệp sống rõ ràng. Rằng chỉ khi đánh mất những giây phút yên bình và hạnh phúc bên nhau thì người ta mới hiểu được giá trị của chúng. Hơn hết là bài học về sự đoàn kết, hy sinh, tinh thần tập thể và cả lòng trung thành.
TRAILER