IMDb : 7.5/10
Tái Hiện Cuộc Đời Vua nhạc Rock and Roll Elvis Presley do đạo diễn Baz Luhrmann thực hiện
Nội dung phim Elvis kể về những khía cạnh trong cuộc đời cũng như âm nhạc của Elvis Presley (Austin Butler đóng) thông qua lăng kính về mối quan hệ phức tạp của ông với người quản lý Tom Parker (do Tom Hanks thủ vai). Hãy cùng đến với bài viết review phim Elvis nhé.
Tôi trước giờ vẫn là fan cứng của thể loại phim biopic (phim tiểu sử) của các nghệ sĩ nhạc rock nên từ khi xem trailer của phim Elvis trên Youtube, tôi đã “me” ngày phim ra rạp để rủ vợ đi xem. Từ khi 2 bộ phim Bohemian Rhapsody (2018) và Rocket Man (2019) đạt được thành công vang dội trên thế giới (ở Việt Nam thì không), dòng phim biopic này ngày càng được đầu tư kỹ lưỡng và hoành tráng với nhiều bộ phim về những huyền thoại âm nhạc thế giới đang lần lượt chờ ra mắt. Tôi dự đoán, trong tương lai, thể loại phim này sẽ còn tiếp tục ăn khách vì tiềm năng của nó còn rất rộng lớn.
Sau khi check lịch chiếu phim Elvis tại rạp CGV gần nhà, tôi chỉ tìm được một suất chiếu duy nhất vào lúc 9:45 sáng chủ nhật bên cạnh vô số những suất chiếu liên tiếp nhau của “Em và Trịnh”. Cũng như đối với “Bohemian Rhapsody” và “Rocket Man trước đây, lần này vợ chồng tôi cũng như là “bao trọn rạp” cùng với một cặp bạn trẻ khác.
Với cái đà này, tôi sợ các rạp phim ở Việt Nam trong tương lai sẽ không tiếp tục đặt mua những bộ phim biopic khác vì khả năng lỗ vốn khi chiếu rất cao. Đến lúc đó chắc tôi sẽ buồn lắm. Thôi, chuyện đó tính sau. Điều “tích cực” là chỉ với chưa tới 200.000, tôi có thể “bao nguyên rạp xi nê” để xem bộ phim mình yêu thích. Sang vậy thôi còn muốn gì nữa?!!
Sau đây là tới phần review phim Elvis và có chút spoil nhẹ. Bạn nào muốn xem phim mà không bị spoil thì skip phần này nhé (nếu tò mò thì cứ đọc thoải mái rồi đi xem cũng được!!).
Review phim Elvis
Với thời lượng 2 tiếng 40 phút, Elvis dĩ nhiên không dành cho những người chưa bao giờ nghe tới cái tên King of Rock and Roll nhưng đối với người hâm mộ thì bộ phim này vẫn hơi nhanh và chưa “đã” lắm.
Điều đặc biệt là bộ phim được kể lại qua góc nhìn của “đại tá Tom Parker”, ông bầu của Elvis Presley, người vừa có công phát hiện và lăng xê tài năng của Elvis lên hàng siêu sao và cũng là người bóc lột Elvis cho tới lúc chết bằng những hợp đồng béo bở mà hơn 50% lợi nhuận đều rơi vào túi của ông ta.
Có thể chia bộ phim làm 3 phần: (1) Elvis Presley thời chưa nổi tiếng, (2) Elvis Presley trở thành siêu sao và (3) Elvis trở thành công cụ kiếm tiền của Tom Parker với chuỗi biểu diễn vắt kiệt sức tại khách sạn International ở Las Vegas.
Vì là người dẫn chuyện nên thời lượng của “đại tá Tom Parker” xuất hiện trong phim ngang ngửa với Elvis Presley nếu không muốn nói là thậm chí còn nhiều hơn một tí khiến bộ phim có thể được đổi tên thành “Tom Parker và Elvis Presley” cũng không quá đáng. Tuy nhiên, điều này không làm bộ phim trở nên bớt lôi cuốn hoặc thiếu đi sự liền mạch vì sự nghiệp, đỉnh cao của vinh quang cũng như cái chết của Elvis gần như gắn liền với cái tên Tom Parker này.
Vì cốt truyện chủ yếu xoay quanh Tom Parker và Elvis Presley nên những nhân vật khác trong phim gần như rất mờ nhạt, không để lại một ấn tượng gì đặc biệt (trừ màn trình diễn khá xuất thần của diễn viên đóng vai Little Richard hát bài Tutti Frutti ở đoạn đầu của phim).
Diễn xuất của Tom Hanks trong vai Tom Parker
Diễn viên gạo cội Tom Hanks đóng vai Tom Parker với ngoại hình già nua, béo phị (để vào vai Tom Parker, Tom Hanks có lẽ đã phải tăng hơn 30kg) và tham tiền. Là một nhà kinh doanh có tầm nhìn xa và nhiều thủ đoạn, một tay đại bịp khét tiếng và một gã đam mê cờ bạc, “đại tá Tom Parker” đã biến một chàng Elvis lái xe tải vô danh thành một Elvis siêu sao ca nhạc và điện ảnh, biểu tượng vĩ đại của ngành giải trí.
Chính Tom Parker chắp cánh cho Elvis và cũng chính Tom Parker đã cắt đi đôi cánh đó và cầm tù Elvis bằng những hợp đồng biểu diễn siêu lợi nhuận ở Las Vegas để biến Elvis thành cỗ máy in tiền cho lão.
Với ánh mắt và nụ cười gian xảo cùng với điếu xì gà thường trực ngậm trễ bên khóe miệng, khó ai có thể tưởng tượng rằng “đại tá Tom Parker” tham tiền và xảo trá ấy lại là Tom Hanks, người gần như gắn liền tên tuổi của mình với vai diễn kinh điển chàng khờ Forrest Gump trước đây. Diễn xuất của Tom Hanks thực sự chưa bao giờ làm người yêu điện ảnh thất vọng.
Austin Butler trong vai Elvis gây nhiều bất ngờ
Austin Butler vào vai Elvis Presley khá thuyết phục mặc dù lúc đầu tôi hơi không tin tưởng vào diễn xuất của Austin Butler trong vai Elvis vì ấn tượng của tôi về cậu này là gương mặt “quá teen” kiểu boy band qua những bộ phim truyền hình như Hannah Montana hay Sex and the City với diễn xuất không thực sự ấn tượng.
Khi xem trailer phim trên Youtube, tôi lại càng cảm thấy là đạo diễn đã cast sai người vì gương mặt của Austin không giống Elvis. Nhưng Austin đã lột xác hoàn toàn hóa thân một cách trọn vẹn thành một Elvis đầy quyền như một vị thần trên sân khấu nhưng lại bất lực không thể làm chủ được bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống cá nhân của mình mà hoàn toàn bị lão cáo già Parker chi phối.
Càng về cuối phim Austin càng diễn tốt, nhất là từ màn Christmas comeback special năm 1968 trở đi cho đến thời kỳ Elvis Presley “đóng đô” ở Las Vegas. Phần Austin Butler trình diễn bài “If I Can Dream” thực sự xuất sắc đến mức nó khiến tôi phải về tìm phần video của bài gốc để xem đi xem lại nhiều lần khi về nhà.
Âm nhạc hồi ức
Làm phim về Elvis mà không kể đến phần âm nhạc thì quả thực là thiếu sót. Người hâm mộ chắc chắn sẽ thích phần nhạc phim với những ca khúc gắn liền với tên tuổi của Elvis như “Hound Dog”, “Blue Suede Shoes”, “That’s Alright Mama” hay “Jailhouse Rock”.
Đặc biệt những bài như “Are You Lonesome Tonight?” hay “Suspicious Mind” được lồng vào những cảnh quay rất “đắt” khiến cho những bài hát vốn quen thuộc với người hâm mộ bỗng mang một tầng ý nghĩa mới.
Tôi đặc biệt ấn tượng với đoạn Elvis Presley hát câu “We’re caught in a trap and I can’t walk out” trong bài “Suspicious Mind” trên sân khấu Vegas qua nhiều góc quay khác nhau khi Tom Parker “sang tay” Elvis cho ông chủ khách sạn International bằng một hợp đồng 5 năm đáng giá triệu đô để trả các khoản nợ cờ bạc khiến Elvis không thể thực hiện được những chuyến lưu diễn bên ngoài nước Mỹ như mong muốn.
Những điều còn thiếu để “đã” hơn
Tuy nhiên, có thể là do thời lượng bộ phim quá dài nên tôi vẫn có cảm giác một số đoạn làm hơi vội. Hai mươi phút đầu phim khá rối vì tình tiết quá nhanh lại đan xen nhiều tình tiết flashback khiến người xem nếu không chú tâm xem sẽ bị lost một tí.
Buổi trình diễn đầu tiên của Elvis Presley trên chương trình Ed Sullivan show không hề được nhắc đến cũng như thời gian đóng phim Hollywood từ năm 1962-1965 của Elvis cũng chỉ lướt qua, gói gọn trong vòng chưa đầy 2 phút.
Thời gian Elvis thu âm cho Sun Records với những ngôi sao nhạc rock da trắng tiên phong khác như Jerry Lewis, Roy Orbisons hay Johnny Cash cũng khá thú vị nhưng hoàn toàn không được nhắc tới trong phim (chắc đỡ phải cast mấy vai này).
Một điều lạ nữa là biệt hiệu “the King” không hề được nhắc đến một lần nào trong phim cũng như ca khúc nổi tiếng “Love Me Tender” cũng không hề xuất hiện.
Sẽ thú vị hơn nếu có một cảnh Elvis Presley phản đối việc the Beatles đến nước Mỹ vì sợ “bốn gã tóc dài xứ Liverpool” sẽ làm hư hỏng giới trẻ Mỹ (mà trên thực tế Elvis cảm thấy danh tiếng của mình bị the Beatles đe dọa). Đoạn phim này nếu thêm vào sẽ làm nổi bật sự bất an bên trong của Elvis.