Tài năng của Hầu Hiếu Hiền, đạo diễn bậc thầy người Đài Loan thì không còn gì phải bàn cãi. Ảnh hưởng phong cách của “thiền sư” trong điện ảnh Ozu Yarujiro ở thời kỳ đầu làm phim, song Hầu Hiến Hiền đã mau chóng tìm được ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình và theo thời gian, ông được công nhận là tượng đài của dòng phim nghệ thuật đương đại. Tên tuổi Hầu Hiếu Hiền bắt đầu được thế giới biết đến khi bộ phim A city of sadness của ông trở thành tác phẩm nói tiếng Hoa đầu tiên giành được Sư tử vàng tại LHP Venice 1989. Cùng với The Puppet master và Good men good women, A city of sadness đã tạo thành bộ ba tác phẩm xoay quanh số phận người Trung Quốc và Đài Loan trong những biến động lịch sử của thế kỷ 20. Trong đó, The Puppet master là tác phẩm đầu tiên có công đưa Hầu Hiếu Hiền lần đầu đặt chân đến LHP Cannes và tại đây, ông đã giành được giải thưởng của ban giám khảo. Ông cũng là đạo diễn châu Á hiếm hoi từng được bảy lần đề cử tại LHP Cannes. Thế nên, khi xuất hiện ở những LHP tầm cỡ thế giới, cái tên Hầu Hiếu Hiền hiển nhiên được xem là một bậc lão thành và chuyện ông được vinh danh với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes hẳn là chuyện sớm muộn.
Đồng hành với Hầu Hiếu Hiền lần này không ai khác chính là nữ diễn viên Thư Kỳ. Sau 3 lần cộng tác với Hầu Hiếu Hiền mà cả ba tác phẩm cũng đều tham gia tranh giải tại LHP Cannes, từ Millennium mambo năm 2001, Three times năm 2005, cuối cùngThe assassin 2015 cũng đã đem về tin vui cho cặp đôi đạo diễn - diễn viên này. Cả một thế hệ vàng của điện ảnh Hoa ngữ bao gồm: Củng Lợi, Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc... đều được sự dìu dắt của lứa đạo diễn xuất sắc như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Hầu Hiếu Hiền, Lý An, Vương Gia Vệ... đem tên tuổi ra khỏi châu lục qua các LHP danh giá. Nhưng phải thừa nhận, thời điểm hiện tại, sự phong phú và bản sắc của nền điện ảnh Hoa ngữ hiện tại so với thế hệ đi trước đã có phần tụt dốc. Để đến được các LHP lớn vẫn là những tên tuổi cũ, chưa kể không ít đạo diễn trong số đó ngày càng đi xuống như Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, ngay cả Vương Gia Vệ cũng đang trên đà lặp lại chính mình; tên tuổi đạo diễn thế hệ thứ sáu thì chỉ lác đác Thái Minh Lượng, Giả Chương Kha... Về diễn viên, hơn một thập niên nay mới nổi bật lên được vài cái tên Chương Tử Di, Thang Duy, Thư Kỳ..., và nếu để đem so sánh thì có lẽ, sự nghiệp của Thư Kỳ là trường hợp đáng chú ý hơn cả. Là một “ca” hoàn trái ngược với Chương Tử Di, người được Trương Nghệ Mưu trải thảm đỏ để tiến vào lãnh địa nghệ thuật trước khi cùng Lý An đến Oscar, Thư Kỳ có xuất thân cực kỳ khó khăn. Quá khứ đóng phim cấp ba là chiếc bóng đeo bám cô, mặc dù đến năm 1996 cô đã nỗ lực đi trên con đường diễn xuất chuyên nghiệp qua bộ phim Viva Erotica. Mãi cho đến năm 2001, vào vai cô gái Vicky trong tác phẩm Millennium mambo của Hầu Hiến Hiền thì cuộc đời cô mới chính thức bước sang ngã rẽ khác. Và sau khi nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Kim Mã năm 2005 qua tác phẩm Three times cũng của Hầu Hiếu Hiền, không chỉ thù lao mà vị thế của Thư Kỳ hoàn toàn được nâng lên. Thư Kỳ của ngày hôm nay đã thành ngôi sao thuộc hàng quốc tế.
Lấy bối cảnh đầu thiên niên kỷ, Millennium mambo kể về một giai đoạn cuộc đời của Vicky, hồi cô còn sống ở Đài Bắc và làm tiếp viên tại một quán bar thời thượng, với một mối tình mang nhiều dằn vặt. Bên cạnh việc giữ tiết tấu chậm rãi như phong cách quen thuộc của mình và những cú máy dài thường xuyên, rất nhiều cảnh trong Millennium mambo Hầu Hiếu Hiền đã sử dụng nhiều góc quay mới lạ. Điển hình nhất là cảnh Vicky và Hao Hao trong căn hộ, ông đã đặt máy quay “chết” một chỗ, trực diện chiếc bàn ngoài phòng khách, bên tay trái thấp thoáng gian bếp và bên tay trái là một mảng phòng ngủ. Khi nhân vật ra khỏi khung hình, chiếc máy không hề đuổi theo mà tiếp tục đứng yên và ghi hình những gì lọt vào tầm quan sát. Rồi Vicky và Hao Hao đi vào phòng ngủ, lúc họ cãi nhau, họ âu yếm, tất cả mọi hoạt động thầm kín diễn ra trong đấy, chiếc máy vẫn giữ khoảng cách xa xa bên ngoài phòng khách. Đó là cách Hầu Hiếu Hiền giữ thái độ công bằng với câu chuyện ông đang kể. Trước sau như một, Hầu Hiếu Hiền không hề có ý định phán xét cặp đôi trong phim kia, tuổi trẻ của họ, tình yêu của họ, sự bồng bột của họ, ông đều không lên tiếng khen chê hay tô vẽ. Ông chỉ làm mỗi công việc đơn thuần là kể chuyện. Ông tôn trọng cái thế giới nằm bên ngoài khung hình ấy, sự riêng tư của kẻ khác và những điều người ta muốn giữ kín. Vốn dĩ, bản thân cái quyết định chọn Thư Kỳ của ông đã đồng nghĩa với việc không phán xét rồi. Điểm này ở Hầu Hiếu Hiền khá là gần gũi Ozu Yarujiro. Phải tỉnh táo và tài năng đến một độ nhất định, người đạo diễn mới có thể nhìn cuộc sống sáng tỏ như vậy.