IMDb : 6.9/10
‘Người đàn bà dục vọng’ nhìn trực diện cảm xúc con người
Bộ phim đang gây nhiều tranh cãi của Lars von Trier đưa người xem trải nghiệm một chuyến tàu cảm xúc, đi đến tận cùng của tình dục để rồi khó bứt khỏi dư âm của nó.
Khi loạt poster nhân vật trong phim Người đàn bà cuồng dâm ra mắt, nhiều người đã phải vừa cười vừa thở dài cho sự táo bạo tới lố lăng của đạo diễn Lars von Trier. 14 tấm poster nhân vật, mỗi người đều mình trần trong tư thế đạt cực khoái, với dòng tựa “Quên tình yêu đi” (Forget About Love) thách thức. Cùng 8 teaser và trailer hé lộ nhiều chi tiết nhạy cảm, khán giả lại mong chờ một bộ phim lấy đề tài nghiện sex làm nghệ thuật từ một đạo diễn vốn thích trêu ngươi người xem.
|
Chùm poster gây sốc của "Người đàn bà cuồng dâm".
|
Thực tế, Người đàn bà cuồng dâm, cũng như các poster quảng bá cho bộ phim, hài hước nhưng là cái nhìn trực diện về cảm xúc của con người, ở đây là Joe, trong ham muốn nhục cảm. Câu chuyện bắt đầu khi Seligman bắt gặp Joe gục trong căn hẻm gần nhà ông. Cô từ chối để ông gọi xe cứu thương hay người cứu giúp mà chỉ muốn một tách trà pha sữa. Seligman dìu Joe về nhà và lắng nghe câu chuyện về chứng nghiện tình dục của cô từ bé tới hiện tại.
Làm phim về chứng nghiện sex, dĩ nhiên không thể thiếu những cảnh quan hệ trần trụi nhưng nếu Lars von Trier đủ hiểu đề tài nhạy cảm thu hút sự chú ý trong quảng bá ra sao, thì khi vào phim ông rất biết cách khiến người xem cuốn vào mặt kia của chứng bệnh - đó là nạn nhân của căn bệnh ấy.
|
Với "Nymphomaniac", tài tử Shia LaBeouf có vai diễn thử thách nhất trong sự nghiệp
|
Trong câu chuyện Joe kể cho Seligman, cô lấy ý tưởng từ những đồ vật trong phòng rồi biến nó thành những tiêu đề trừu tượng hoặc ngụ ý đơn giản: Mê sảng (Delirium), Tấm gương (The Mirror), Jerôme, Bà H. (Mrs. H). Nhưng khi đi theo câu chuyện đó, những sự kiện liên tục được xen với hình ảnh của ý thức, lúc của Joe, lúc của Seligman. Khi Joe nói về cuộc đua trên tàu hỏa với cô bạn B xem ai làm tình được với nhiều đàn ông hơn trước lúc chuyến tàu chạm đích, trong ký ức Joe là một bảng điểm số còn trong đầu Seligman là một cuộc câu cá bằng ruồi nhân tạo.
Lần lượt như vậy, khi Joe kể về một điểm quan trọng trong “cuộc khám phá các thể loại dương vật” thì Seligman có thể liên tưởng tới một khía cạnh hoàn toàn “sâu xa” như toán học, tôn giáo, văn chương. Những hình ảnh liên kết của họ xuất hiện không báo trước, chỉ có chút thay đổi trong màu sắc hay kích cỡ khung hình. Bộ phim gần như một phiên bản ngắn hơn của Nghìn lẻ một đêmmà người đối thoại với Scheherazade là Robert Langdon.
|
Nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg (phim "Antichrist", "Melancholia") vào vai chính Joe.
|
Seligman tự nhận là một người vô tính trong thiên hướng tình dục, tình yêu duy nhất của ông là những cuốn sách và kỷ vật cất quanh nhà. Chúng là khởi nguồn cho những câu chuyện của Joe và là cách ông phân tích những câu chuyện ấy. Tính cách bướng bỉnh, bất cần của Joe đối lập với sự ân cần, triết lý từ Seligman, cộng thêm cách nhìn nhận tình dục khác nhau của họ tạo thành một đường dây dẫn chuyện thú vị bởi không chỉ tạo ra những bước ngoặt trong hình ảnh, nó còn là những giây phút hài hước khi khán giả có thể cười ồ với sự ngơ ngác của Seligman lúc lắng nghe những hành động thời trẻ của Joe, việc ông vui mừng vì thấy sự liên kết giữa tình dục và nhạc Bach, đổi lại Joe trợn mắt với cái đầu không tưởng của người đàn ông này nhưng cũng thản nhiên mắng Seligman là “nữ tính” vì dùng sai dĩa để ăn bánh.
|
Từ trái qua: nữ diễn viên Charlotte Gainsbourg (vai Joe tuổi trung niên), đạo diễn Lars von Trier, nam diễn viên Stellan Skarsgaard (vai Seligma) và Stacy Martin (vai Joe thời trẻ).
|
Charlotte Gainsbourg và Stellan Skarsgaard đã có sự tung hứng rất đồng điệu trong hai vai diễn. Là những cộng sự lâu năm của Lars von Trier, họ hiểu rõ sự tự do ông dành cho diễn viên và đã tận dụng nó để tạo nên Joe và Seligman sống động, luôn tương tác cho bộ phim tăng tiến. Trong phần hai, khi câu chuyện u ám hơn, nhiều khi khán giả chỉ mong phim quay lại với hiện tại của họ để nghe thêm một ý kiến kỳ quặc nữa của Seligman, để nghe Joe phán: “Đây là cái sự lạc đề tồi tệ nhất của ông tối nay”.
Với một bộ phim dài 4 tiếng (nếu xem liên tục), Lars von Trier biết cách để người xem loại bỏ dần sự e ngại với chủ đề nhạy cảm chính, bắt đầu bộ phim bằng các tình huống đối thoại hài hước về tình dục vừa lôi cuốn vừa khiến khán giả yên tâm theo dõi. Sự kết nối chặt chẽ với lời thoại của nhân vật (nếu Joe nói “như một con mèo” thì một con mèo ngay lập tức hiện ra) khiến khán giả dần đi sâu vào trong tâm tư cô gái ở mọi thời điểm câu chuyện.
|
Charlotte Gainsbourg vào vai Joe - người đàn bà cuồng dâm.
|
Hơn nữa, ở việc trưng bày những hình ảnh Joe liên kết với tình dục, Lars von Trier cũng gắn người xem vào thân thể của Joe. Những phân đoạn quan hệ theo lẽ đó mang nhiều cảm xúc hơn và giúp phát triển nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là một cảnh “đẹp” để chiêm ngưỡng. Nếu không tập trung vào một cận cảnh trên cơ thể, có thể phim sẽ dùng trung cảnh nhưng là nhiều cảnh như vậy liên tiếp, hoặc khi có một số hình ảnh đủ gợi cảm thì màn hình sẽ chia ba theo ý kiến của Joe cho sự đồng đều. Khán giả luôn phải đi cùng Joe trong những cuộc làm tình ấy. Nói cách khác, không những họ không được thỏa mãn chút tò mò, họ còn không thể lên án cô nếu muốn câu chuyện tiếp diễn.
Đây cũng là cách đạo diễn Lars von Trier lột dần sự kiểm soát của trí não khán giả lên bộ phim mà thay bằng sự gắn kết cảm tính. Sau những trường đoạn tranh đua trẻ con, những giây phút căng thẳng vì bị đánh ghen bất chợt (phân đoạn hài hước nhất phần đầu với sự tham gia của Uma Thurman trong màn diễn xuất rợn gáy), một giai đoạn “gần như là yêu” với anh chàng Jerôme (Shia LaBeouf), Joe thét lên “Em không cảm thấy gì cả” ngay trong khi làm tình để mở ra tấn bi kịch của cô. Hậu quả khó tránh của Joe nặng nề hơn đối với người xem bởi sự đồng điệu họ từng có đã bị cắt đứt.
|
Một hình ảnh trong phim.
|
Không còn sự tươi vui hay khám phá điên rồ của thời trẻ, bộ phim trở nên nặng nề như cách người lớn tuổi gánh vác trách nhiệm và đối đầu với những hành vi của mình. Joe tìm kiếm sự trừng phạt cho lòng ham muốn của cô: cũng không còn những cảnh làm tình mạnh bạo, giờ là bối cảnh của những màn bạo lực Joe nhờ nhân vật K (Jamie Bell) ném lên thân thể.
Phần hai là khi Joe cảm nhận sức nặng của xã hội lên con người và ham muốn của cô, đòi hỏi cô phải lên tiếng cho bản thân và tính dục của mình. Liệu cô có thể làm được điều đó không và còn ai trong những người đàn ông cô gặp có thể ủng hộ Joe? Cảm giác như còn dang dở, cuốn phim khép lại khi khán giả vẫn còn bàng hoàng trong hai tiếng của những tranh cãi về tương lai Joe nhiều hơn là vì những cảnh tình dục như phần trước.
Phần hai vẫn còn những hình ảnh đẹp nhưng dần là sự nhạt nhòa của cảm xúc dẫn đến một sự bức bối từ người xem, một phần vì họ không tìm được những khoảnh khắc, chi tiết quan trọng ngụ ý cho cảm xúc chung trong cảnh. Vẫn có những bài hát nhạc phim xuất sắc nhưng những Fur Elise, Burning Down The House của phần hai vang lên đôi chút lệch lạc, chúng có thể nhảy từ hài hước qua bi kịch, ngược lại với những Born To Be Wild đúng không khí nổi loạn hay bản dạo hòa âm của Bach khớp ba âm với ba nấc thang người tình của Joe.
Nếu như phần một, khán giả có thể bám theo câu chuyện vì tính sinh động của nhân vật, thì khi Joe quay lưng lại với xã hội đã lên án gay gắt cô, khán giả thấy rõ hơn sự lạ lẫm của sự sống quanh cô. Không có một sự rõ ràng trong địa điểm hay thời gian câu chuyện. Ngay ngõ hẻm ngôi nhà của Seligman cũng mang dáng dấp một trường quay dựng trong studio, những ngôi nhà Joe từng ở hay thăm viếng có màu trắng lợt lạt và kiến trúc đơn giản, không nói điều gì về thời kỳ chúng được xây dựng.
Dàn diễn viên quốc tế được Lars von Trier tận dụng tối đa cho bộ phim cũng giúp sự xa lạ tăng tột độ trong khán giả, với nhiều người bị bắt phải “làm méo” giọng rõ ràng: trong khi Joe (diễn bởi Stacy Martin thời trẻ và Charlotte Gainsbourg thời trung niên) có giọng Anh khá rõ, bố cô (Christian Slater) có giọng như một người Scotland về già, Shia LaBeouf là kỳ quặc nhất với giọng âm hưởng Nam Phi với chữ “r” khá dị trong phát âm, P (Mia Goth), người tình cuối cùng của Joe thì mang giọng Anh pha Canada lạ lẫm, bản thân Seligman cũng không giấu chất châu Âu trong giọng nói của ông.
Diễn viên Stellan Skarsgaard thường so sánh các phim của Lars von Trier với những câu chuyện cổ tích: chúng thuyết phục và thú vị nhưng không phản ánh đời thực. Tuy nhiên, kết hợp bi kịch của Joe cùng sự gắn kết Lars von Trier xây dựng giữa khán giả và nhân vật, thế giới kỳ lạ của Joe giúp họ thưởng thức câu chuyện tình dục một cách thoải mái nhưng khi cần lại không có cửa giải thoát cảm xúc. Bản thân họ đồng cảm với cô nhưng cảm thấy bất lực bởi không có một mối liên hệ nào với thế giới của cô để sẻ chia với Joe. Tấn bi kịch của Joe là do bản năng của cô tạo nên và khán giả sẽ phải nhìn cô tự đương đầu với nó.
|
Tài tử Shia LaBeouf có vai diễn đột phá trong sự nghiệp.
|
Điều này Lars von Trier đã triển khai ngay từ phút đầu của phần một khi bộ phim bắt đầu trong bóng đêm, để rồi cuối phần hai màn hình tắt nhưng những âm thanh chỉ hành động vẫn diễn ra cho đến khi dòng credits hiện lên. Trong giữa hai khoảng đen đó, vừa giả nhưng lại vừa thật, Lars von Trier đã tìm cách tạo ra một số phận phụ nữ đủ đáng yêu nhưng đủ “nhẫn tâm” để đẩy cô vào nghiệt ngã, rồi phút cuối thả cô đi, mặc phim đã hết.
Đầy bất ngờ tới phút cuối, khán giả sẽ phải trải qua một chuyến tàu cảm xúc thực sự để đi tận cùng Người đàn bà cuồng dâm. Họ còn khó khăn hơn để bứt khỏi những dư âm của bộ phim đọng lại. Trần trụi: có - rất nhiều, phản cảm: có thể. Nhưng có lẽ dùng một hai từ là quá nhanh để đánh giá một tác phẩm giàu trí tưởng tượng đột phá và thuyết phục về lớp ý như Người đàn bà cuồng dâm. Có lẽ tốt nhất, để hiểu rõ hơn bộ phim, khán giả nên đi cùng ý tưởng của Lars von Trier và liên tưởng về một cái gì đó khác.
Người đàn bà cuồng dâm đã bắt đầu đầy hung bạo với Fuhre Mich của Rammstein và kết thúc bằng Hey Joe ma mị, nhưng chặng đường của nó, có lẽ giống hơn lời kêu thống thiết “Rape me” mà Kurt Cobain cất lên trong bài hát của Nirvana. Nó gây sốc, đủ khiến người thưởng thức đỏ mặt nhưng đủ đẹp ở giai điệu, đủ lôi cuốn khiến khán giả quay cuồng vào vòng xoay bế tắc của cảm xúc ở trung tâm; để khi nốt nhạc dừng là chút mong mỏi cho gì đó tốt đẹp hơn sau những xung bạo xác thịt. Một điều gì đó, như tình yêu chẳng hạn?