Phim dựa trên câu chuyện có thật về vận động viên leo núi nổi tiếng người Áo Heinrich Harrer, một trong hai người phương Tây đầu tiên tới Tây Tạng và trở thành bạn thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Heinrich Harrer (Brad Pitt) là vận động viên leo núi nổi tiếng người Áo. Mùa hè năm 1939, khi nước Áo đã bị phát xít Đức thôn tính, anh cùng một đoàn leo núi người Đức lên đường chinh phục Nanga Parbat, đỉnh cao thứ 9 trong dãy Himalaya quanh năm mây phủ. Dù vô cùng căm ghét chủ nghĩa phát xít, nhưng để thực hiện ước mơ lớn nhất cuộc đời, Heinrich buộc phải tham gia chuyến thám hiểm do chính quyền chiếm đóng tổ chức.
Sau khi vào lãnh thổ Ấn Độ, đoàn vận động viên hăm hở lên núi. Tai nạn liên tiếp xảy ra, hết bão lớn lại đến lở tuyết, khiến nhiều người bị thương. Họ quyết định ra về, bỏ lại sứ mệnh còn dang dở. Nhưng đúng lúc đó thì vào ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, mở màn Chiến tranh thế giới II. Hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Ở các nước thuộc địa của hai cường quốc này, tất cả người Đức đều bị bắt. Do đang ở trên lãnh thổ Ấn Độ - thuộc địa của Anh - nên đoàn thám hiểm đa số người Đức của Heinrich cũng bị bắt.
Heinrich nhiều lần tìm cách chạy trốn nhưng đều bị bắt lại. Tuyệt vọng, anh chỉ còn biết nghĩ tới người vợ yêu dấu và đứa con vừa mới chào đời ở quê nhà để có thêm niềm tin. Qua một đường dây bí mật trong nhà tù, Heinrich gửi thư về cho vợ. Nhưng khi nhận được thư hồi âm, anh đã chết lặng khi biết cô vợ đã đơn phương ly dị và kết hôn với người bạn thân của anh.
Tháng 9/1942, đoàn thám hiểm tổ chức vượt ngục tập thể và họ đã thành công. Sau khi thoát ra ngoài, Heinrich quyết định tách khỏi đoàn. Một mình lang thang khắp nơi ở miền bắc Ấn Độ, anh phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, ăn bờ ngủ bụi, trốn tránh quân lính. Để tồn tại, nhà thám hiểm buộc phải ăn trộm đồ cúng trong đền, điện, bắt gà, vịt trong các nông trại. Một hôm, anh gặp Peter Aufschaiter (David Thewlis), trưởng đoàn leo núi. Hai kẻ khốn khổ rủ nhau đi tới Tây Tạng vì đó là con đường duy nhất ra khỏi Ấn Độ.
Lúc bấy giờ Tây Tạng là một nơi huyền bí và hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài bởi địa thế heo hút và hiểm trở. Dân cư thưa thớt, kinh tế lại kém phát triển, Tây Tạng từ lâu đã thần phục các triều đình phong kiến Trung Quốc. Nhưng kể từ đầu thế kỷ 20, chế độ phong kiến bước vào thời kỳ suy vong, tầng lớp quý tộc và giới tăng lữ Tây Tạng nhân cơ hội đó đứng dậy đòi quyền tự trị. Họ lập chính quyền, quân đội riêng. Giới cầm quyền Tây Tạng không hoan nghênh sự hiện diện của người ngoại quốc trên lãnh thổ của họ, vì sợ rằng nó sẽ kéo theo nhiều tai họa.
Chính vì thế mà Heinrich và Peter trở thành đối tượng bị xua đuổi khi vào Tây Tạng. Không biết ngôn ngữ, chẳng rành thủy thổ, cũng chẳng hiểu biết gì về phong tục tập quán của dân địa phương, hai anh chàng phải sống chui lủi như những con chuột. Họ bị bắt nhiều lần, thậm chí còn bị đưa ra biên giới nhưng rồi lại lén lút quay trở lại. Nhân có một đoàn người hành hương về Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, hai người bèn bám theo và lọt được vào thành phố. Với bộ dạng của kẻ ăn mày, hai nhà leo núi lẻn vào một nhà giàu để ăn trộm thức ăn dành cho chó, nhưng bị tóm gọn. Cũng may chủ nhà, một cựu quan chức trong chính quyền, là người nhân từ. Ông đối đãi với hai người phương Tây rất tử tế và còn cho ở lại trong nhà. Bằng uy tín và mối quan hệ của mình, ông đã xin chính quyền cho phép họ lưu trú lâu dài trong nhà.
Lãnh tụ tinh thần ở xứ Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma, được coi là hóa thân của Bồ Tát. Người được chọn để trở thành Phật sống phải có nhân thân đặc biệt, trí tuệ siêu phàm, có duyên với đạo và tuệ căn tu hành. Lúc bấy giờ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng là một cậu bé 10 tuổi. Tuy còn nhỏ, nhưng Ngài tỏ ra thông minh hơn người, ham hiểu biết, mơ ước chinh phục thế giới và ghét các quy định gò bó. Ngoài Phật pháp, giáo lý Đại thừa, Ngài còn tìm hiểu nhiều bộ môn khoa học tự nhiên.
Sự xuất hiện của hai vị khách ngoại quốc tại kinh đô Phật giáo đại thừa nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi trong thủ phủ Lhasa. Vốn chan hòa, biết nói chuyện nên Peter và Heinrich dễ dàng chiếm được cảm tình của giới chính khách, tăng lữ và người dân địa phương. Thế rồi, Heinrich được Đức Đạt Lai Lạt Ma chú ý. Ngay sau lần tiếp kiến đầu tiên, Heinrich trở thành người bạn lớn tuổi của Ngài. Đạt Lai Lạt Ma coi Heinrich là thư viện sống, còn anh coi Ngài là chỗ dựa về mặt tinh thần. Khi chỉ có hai người với nhau, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn bỏ qua các lễ nghi. Trong khi Peter quyết định kết hôn với một cô gái xinh đẹp ở Lhasa thì Heinrich cũng có ý định ở lại Tây Tạng trọn đời. Nhưng mọi việc lại không thể diễn ra như kế hoạch của anh, bởi Chiến tranh thế giới II đã kết thúc vào năm 1945. Tây Tạng bước vào một thời kỳ lịch sử mới với nhiều diễn biến phức tạp ...
Do bộ phim tái hiện lại nhiều sự kiện lịch sử khá nhạy cảm nên đạo diễn Annaud không dám công khai tới Tây Tạng để quay phim mà bí mật phái một nhóm tới đó. Tuy nhiên, ông chỉ có thể sử dụng một số cảnh có tổng thời lượng là 20 phút trong phim. Mãi tới năm 1999, Annaud mới dám thừa nhận sự thật vì ông sợ rằng việc tiết lộ bí mật quá sớm sẽ gây phản ứng tiêu cực từ phía người dân Tây Tạng.
Người đóng vai mẹ của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong phim chính là chị ruột của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ngoài đời. Bà tên là Jetsun Pema.
Vì đóng vai Heinrich Harrer và Peter Aufschaiter mà hai nam diễn viên chính trong phim, Brad Pitt và David Thewlis, bị cấm vào Trung Quốc vĩnh viễn kể từ khi Seven Years In Tibet được công chiếu.
Trailer